Sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực dạy Quản trị kinh doanh

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Đưa ra nhận định này, TS Trần Văn Trang - Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Đại Nam - lưu ý, việc đổi mới giảng dạy theo phương pháp tích cực cần thực hiện từng bước một. Trước hết, giảng viên cần đổi mới phương pháp thuyết giảng theo hướng giảm thời gian trình bày của mình, tăng thời lượng hoạt động nơi người học và hoạt động tương tác với người học.

Cần tăng cường các câu hỏi có tính gợi mở, các chủ đề thảo luận nhỏ đan xen vào quá trình thuyết giảng để khuyến khích sinh viên suy nghĩ, tương tác với nhau và tương tác với giảng viên.

Tiếp theo, phương pháp tình huống có thể vận dụng ở hầu hết các môn học. Nghiên cứu tình huống kết hợp với thảo luận nhóm có thể nói là phương pháp chủ lực trong việc giảng dạy Quản trị kinh doanh.

Đây cũng là cách để truyền tải thông điệp phù hợp với đối tượng sinh viên có mức điểm đầu vào không cao.

Việc thiết kế và sử dụng trò chơi sẽ là một cách bổ trợ rất tốt cho quá trình giảng dạy, giảng viên có thể tích cực sử dụng trò chơi khởi động và trò chơi đúc kết nhằm tăng sự vui vẻ, thoải mái, tạo hứng thú cho người học.

Cuối cùng, phương pháp trải nghiệm có thể được thiết kế và sử dụng đối với một số nội dung hoặc môn học đặc thù. Chẳng hạn, với môn học Quản trị nhân sự, giảng viên có thể tổ chức cho các nhóm sinh viên trải nghiệm quá trình tuyển dụng ngay trên lớp hoặc yêu cầu mỗi nhóm tiến hành thu thập thông tin và xây dựng bản mô tả công việc cho một vài chức danh của các cán bộ giảng viên trong nhà trường.

Với tinh thần nêu trên, TS Trần Văn Trang cho biết, phương pháp giảng dạy tích cực đã được triển khai ở khoa Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Đại Nam từ năm học 2014 - 2015; phân loại các mức độ ứng dụng phương pháp giảng dạy tích cực và yêu cầu các giảng viên đăng ký đổi mới phương pháp giảng dạy ngay từ đầu năm học.

Cũng theo TS Trần Văn Trang, Khoa Quản trị kinh doanh của trường đã xác định 3 mức độ đổi mới và yêu cầu giảng viên đăng ký thực hiện theo từng mức độ như sau:

Mức độ 1: Sử dụn tình huống kết hợp với thảo luận theo nhóm

Với mỗi một chương của môn học, sử dụng ít nhất một tình huống để dẫn dắt lý thuyết và 2 tình huống để minh họa nội dung cũng như đưa ra vấn đề cần giải quyết.

Khuyến khích mỗi một chương sử dụng từ 3 - 5 tình huống khác nhau. Ngoài việc chuẩn bị tình huống phù hợp với nội dung giảng dạy, giảng viên cần học cách tổ chức thảo luận theo nhóm ngay tại lớp để đạt hiệu quả.

Chọn và giao đề tài thảo luận cho các nhóm sinh viên. Đề tài thảo luận được hiểu là đề tài cho bài tập lớn được giao cho các nhóm ngay từ đầu hoặc từ giữa môn học. Mỗi nhóm chuẩn bị báo cáo và trình bày vào các buổi cuối của môn học.

Đối với các môn học có bài tập tính toán thì khuyến khích giảng viên tích cực sử dụng bài tập phù hợp để minh họa cho các nội dung giảng dạy cũng như cho sinh viên thực hành tại lớp.

Mức độ 2: Sử dụng tình huống, thảo luận nhóm, trò chơi

Mức độ 2 được sử dụng khi giảng viên đã sử dụng thành thạo các phương pháp ở mức độ 1, đối với tất cả các nội dung của học phần giảng dạy.

Thiết kế và sử dụng trò chơi để minh họa cho các nội dung giảng dạy. Trò chơi có thể được thay thế dưới dạng “đóng kịch”, tức là thiết kế một kịch bản để sinh viên diễn trước lớp và đúc rút bài học.

Cần sử dụng kết hợp 3 loại trò chơi: trò chơi khởi động, trò chơi kích thích học tập và trò chơi khám phá tri thức. Một chương cần được chuẩn bị từ 2 - 3 trò chơi kích thích và khám phá tri thức.

Mức độ 3: Sử dụng phương pháp trải nghiệm, thực hành và đúc rút bài học

Phương pháp trải nghiệm nghĩa là tổ chức cho sinh viên thực hành/làm thực các nội dung trong bài học, từ đó sinh viên tự đúc rút và tự học trong quá trình thực hiện. Giảng viên cần biết cách tổ chức, hướng dẫn, trợ giúp và theo sát quá trình tự thực hiện này.

Giảng viên có thể đăng ký đổi mới phương pháp giảng dạy ở mức độ này sau khi sử dụng tốt các phương pháp ở mức độ 1 và 2. Giảng viên cần xây dựng một kịch bản chi tiết cho việc thực hiện phương pháp này.


Bài viết được biên tập từ tham luận của TS Trần Văn Trang, Trường ĐH Đại Nam trong kỷ yếu hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực người học tại các cơ sở đào tạo ĐH ngoài công lập”.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top