Sử dụng phương pháp đàm thoại phát hiện trong dạy học

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Đặc điểm riêng của phương pháp đàm thoại, phát hiện

Thầy Nguyễn Văn Thắng - Giáo viên Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) - cho biết: Phương pháp đàm thoại phát hiện có những đặc điểm riêng. Theo đó, giáo viên tổ chức trao đổi giữa giáo viên và cả lớp, có khi giữa học sinh với nhau, qua đó học sinh lĩnh hội được kiến thức.

Trong phương pháp đàm thoại phát hiện có yếu tố tìm tòi, nghiên cứu của học sinh. Giáo viên giống như người tổ chức, học sinh đóng vai trò phát hiện. Khi kết thúc đàm thoại, học sinh có vẻ như người tự lực tìm ra chân lý.

Hệ thống câu hỏi, lời đáp mang tính chất nêu vấn đề để tạo nên nội dung trí dục chủ yếu của bài học là nguồn kiến thức và là mẫu mực của cách giải quyết một vấn đề nhận thức.

Thông qua phương pháp này học sinh không những lĩnh hội được nội dung trí dục mà còn học được cả phương pháp nhận thức và cách diễn đạt tư tưởng bằng lời nói.

Yêu cầu sư phạm của phương pháp đàm thoại, phát hiện

Trên cơ sở nghiên cứu nhiều giờ học tiến hành theo phương pháp đàm thoại phát hiện, thầy Nguyễn Văn Thắng đưa ra những yêu cầu sư phạm của phương pháp này như sau:

Học sinh phải có ý thức về mục đích của toàn bộ hay một phần lớn của cuộc đàm thoại.

Hệ thống câu hỏi của giáo viên giữ vai trò chỉ đạo có tính chất quyết định đối với chất lượng lĩnh hội của cả lớp. Hệ thống câu hỏi đó hướng tư duy của học sinh theo một logic hợp lý, kích thích cả tính tích cực tìm tòi, trí tò mò khoa học và cả sự ham muốn giải đáp.

Hệ thống câu hỏi – vấn đề phải được lựa chọn và sắp xếp hợp lý. Câu hỏi được phân chia thành câu phức tạp và câu đơn giản. Câu phức tạp lại được chia ra thành những vấn đề nhỏ hơn cho phù hợp với trình độ của học sinh, nhưng không nên chia quá nhỏ và rời rạc.

Số lượng và tính phức tạp của câu hỏi cũng như mức độ phân chia câu hỏi đó thành những câu hỏi nhỏ phụ thuộc chủ yếu vào: Tính chất phức tạp của vấn đề (đối tượng) nghiên cứu; trình độ phát triển của học sinh, kĩ năng, kĩ xảo của chúng tham gia các bài học đàm thoại.

Khi giải quyết xong mỗi câu hỏi – vấn đề, giáo viên cần tổng kết lại kết quả của việc giải quyết vấn đề nêu ra. Giáo viên cần khéo léo kết luận vấn đề dựa vào ngôn ngữ, ý kiến và nhận xét của chính học sinh, có thêm những kiến thức chính xác và cấu tạo lại kết luận cho chặt chẽ, hợp lý và xúc tích. Làm như vậy học sinh càng hứng thú và tự tin.

Thầy Nguyễn Văn Thắng lưu ý, giáo viên cần chú ý đến việc điều khiển quản lý cả lớp trong lúc đàm thoại. Làm sao để đàm thoại không phải với từng học sinh riêng rẽ mà với toàn lớp.

Đồng thời, phải đặt câu hỏi cho cả lớp và để cho học sinh đủ thời giờ suy nghĩ, sau đó chỉ định một học sinh trả lời và yêu cầu các học sinh khác chú ý theo dõi để sau đó có thể bổ sung.

Giáo viên phải luôn chủ động dẫn dắt lớp theo mình mà không bị động “theo đuôi” lớp. Phải chủ động, sáng tạo, bám sát kế hoạch đã vạch ra từ trước.

Trong dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề - phương pháp đàm thoại phát hiện, giáo viên sử dụng trong quá trình định hướng, gợi ý, dẫn dắt học sinh ở giai đoạn phát hiện vấn đề, xây dựng tình huống có vấn đề, đề ra giả thuyết khoa học và giải quyết vấn đề.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top