STEM nơi làng quê: Xóa nhòa khoảng cách

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
“Điểm sáng” ở ngôi trường vùng sâu

Trường THCS Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) trong những năm gần đây không chỉ là điểm sáng về thành tích môn Tin học mà thầy, trò còn đạt được những giải thưởng quốc tế. Người truyền lửa đam mê tin học cho học trò nơi còn lắm khó khăn này là thầy Nguyễn Minh Tuấn.

Yêu nghề, cộng với niềm đam mê tin học, thầy Nguyễn Minh Tuấn sớm phát hiện ra nhiều học sinh có năng khiếu. Cần mẫn bồi dưỡng, truyền lửa đam mê, thầy, trò đã làm nên thành tích đáng tự hào cho ngôi trường huyện. Ít ai ngờ rằng, ngôi trường nhỏ bé này, lại có những thành tích “khủng” về lĩnh vực lập trình, viết phần mềm, thiết kế bài giảng điện tử E-Learning… Tiếng vang của thầy, trò không chỉ trong nước biết đến mà còn được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Ở tuổi 38, với kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm, từ bộ môn Kỹ thuật công nghiệp bậc THPT rồi đến môn Tin học. Bằng sự nỗ lực của bản thân, thầy Tuấn cùng tập thể nhà trường chọn điểm mạnh, đầu tư lâu dài để phát triển bộ môn tìm hiểu về khoa học máy tính. Chia sẻ về quá trình gây dựng bộ môn Tin học của trường, thầy Tuấn cho biết: “Trong quá trình dạy học, tôi chú ý đến những em có tố chất, năng lực và đặc biệt phải yêu thích với công nghệ thông tin. Thông thường trong các buổi học sẽ để các em tự do khám phá, quan sát và hỗ trợ ý tưởng cho các em, khuyến khích góc nhìn mới không có trong sách vở. Trên tinh thần đảm bảo thời lượng tiết dạy đúng theo phân phối chương trình, linh hoạt lồng ghép hoạt động định hướng sáng tạo về game, phần mềm thiết thực ứng dụng cho cuộc sống…”.

Bằng cách làm này, ban đầu thầy Tuấn cho học sinh làm quen với máy tính, các chương trình, sau đó có thể viết phần mềm sáng tạo, gia tăng mức độ dễ đến khó. Cứ như thế, học trò vùng khó rèn luyện, lần lượt rinh về các giải thưởng cấp huyện, tỉnh, quốc gia. Không dừng lại ở đó, thầy trò tiếp tục cuốn vào giải những bài tập khó, tham khảo các dạng thử thách trên mạng, bất ngờ hơn có những bài tập mà chính thầy cũng chưa tiếp xúc để tìm lời giải cho trò. Sân chơi lớn tiếp tục được mở ra khi cuộc thi “Lập trình tương lai cùng Google” năm học 2017 - 2018, thầy Tuấn đã hướng dẫn 7 em học sinh tham gia.

Các em đều đạt giải xuất sắc, góp mặt vào top 14 của khu vực phía Nam, phần thưởng được tham quan và giao lưu cùng các kỹ sư Google tại Singapore… Đạt giải thưởng, trở về trường, thầy, trò tiếp tục cần mẫn học tập, rèn luyện và cứ như thế bản thân thầy cùng học sinh “ẵm” nhiều giải thưởng các cuộc thi Tin học địa phương, khu vực và toàn quốc. Đặc biệt, Dự án có tên “E2V 2019: Giúp Học sinh yêu thích công nghệ thông tin và hướng dẫn nghiên cứu thực hiện các dự án áp dụng vào cuộc sống” thu hút rất nhiều sự quan tâm, chú ý của cộng đồng giáo viên khắp cả nước.

Bí quyết ở STEM


Góp vào thành công của thầy Tuấn và học trò chính là việc triển khai giáo dục STEM gồm Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật và Maths - Toán học. Với phương pháp triển khai linh động, STEM góp phần kích thích nhiều kỹ năng của học sinh. Đặc biệt là phương pháp lớp học đảo ngược trong STEM đã đánh giá được năng lực của học sinh một cách hiệu quả. Đây là xu hướng học tập hiện đại, thay đổi hoàn toàn cấu trúc tiết học giữa lý thuyết với thực hành. Ứng dụng E - Learning vào lớp học đảo ngược là một trong các yếu tố chiến lược góp phần thành công của STEM.

Ở đây, người học tiếp thu nội dung bài học trực tuyến qua việc xem các video bài giảng trực tuyến ở nhà, còn bài tập về nhà hay bài tập thực hành, giáo viên và học sinh cùng nhau thảo luận, giải quyết tại lớp, mô hình này gia tăng sự tương tác giữa người dạy và người học, đảo lại trật tự quy trình học tập, đem đến những sự mới mẻ. Qua đó, những khó khăn của học sinh được đem ra trao đổi, giải đáp thắc mắc tại chỗ. Phương pháp này đã được áp dụng thành công nhiều nước trên thế giới.

Trường THCS Hiếu Phụng đã và đang triển khai mô hình lớp học kiểu này. Tuy nhiên, do điều kiện học tập còn khó khăn, trường chỉ áp dụng cho lớp bồi dưỡng học sinh giỏi Tin học. Theo thầy Nguyễn Minh Tuấn: “Giáo viên sẽ hướng dẫn, cung cấp cho học sinh những tài liệu học tập, video tham khảo các chương trình công nghệ thông tin để các em bổ trợ kiến thức. Khi đến tiết dạy STEM sẽ dùng máy tính thực hành những bài tập, thiết kế nội dung tin học đơn giản, cao cấp hơn là viết các code phần mềm. Bài giảng được cung cấp ngoài lớp học thông qua dạng video/clip, có thể kết hợp với các công cụ/thiết bị phản hồi”.

Chia sẻ về những khó khăn khi áp dụng, thầy Nguyễn Minh Tuấn, cho biết: Muốn thực hiện các bài giảng E - Learning và sử dụng các công cụ khác để tổ chức hoạt động học tập trong lớp đòi hỏi giáo viên phải giỏi về công nghệ và vững về phương pháp. Bên cạnh đó, không phải học sinh nào cũng hứng thú hợp tác, hoặc do đường truyền Internet kém gây gián đoạn việc học tập ở nhà. Giáo viên, tổ bộ môn phải có kế hoạch đồng bộ, xuyên suốt năm học vì không phải bài học nào cũng phù hợp với phương pháp này.

Quốc Ngữ
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top