Sông Hán đổ vào Vũ Hán

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Địa danh Hán, chữ Hoa có 2 cách ghi: Phồn thể thì 漢, giản thể thì 汉, trong bài này sử dụng giản thể.

Sông Hán còn mang các tên 汉江 /Hán giang và 汉水/ Hán thủy. Có lưu vực rộng 174.300km2, sông Hán là chi lưu dài nhất, những 1.577km, của Trường giang / sông Dương Tử.

Bắt nguồn từ dãy Tần Lĩnh ở độ cao 1.535m trong khu vực núi Bàn Trủng ở huyện Ninh Cường, địa cấp thị Hán Trung thuộc Tây Nam tỉnh Thiểm Tây, sông Hán nhận thêm nước từ các sông Tư, Đổ, Đan, Đường Bạch, đoạn đổ vào sông Dương Tử ở TP Vũ Hán. Lưu lượng cửa sông Hán, còn gọi miếu Long Vương, trung bình là 2.156m3/s.

Nơi đôi dòng sông Hán và Dương Tử hợp lưu, đất liền chia làm 3 khu vực mang tên武昌 / Vũ Xương, 汉口/ Hán Khẩu, 汉阳/ Hán Dương. Đó hiện là tên 3 trấn, được tắt hóa và ghép lại thành tên thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc: 武汉 / Vũ Hán.

Do đó, Vũ Hán còn được mệnh danh 江城/ Giang Thành – đô thị của những dòng sông. Theo quy ước xưa nay, dân chúng sống bên bờ Vũ Xương được gọi người Hoa Nam, dân chúng sống bên bờ Hán Khẩu và Hán Dương được gọi người Hoa Bắc.

Có thể chia sông Hán thành 3 đoạn: Từ TP Đan Giang Khẩu ở địa cấp thị Thập Yến, tỉnh Hồ Bắc, trở lên là thượng lưu, dài 925km; từ TP Đan Giang Khẩu đến TP Chung Tường ở địa cấp thị Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc, là trung lưu, dài 270km; đoạn còn lại là hạ lưu, dài 382km, từ TP Chung Tường đến TP Vũ Hán. Chảy trên bình nguyên Giang Hán, đoạn hạ lưu đôi bờ sông Hán được đắp đê đề phòng lũ lụt.

Chẳng những là thủy lộ quan yếu đối với giao thông vận tải miền Trung Trung Hoa, sông Hán cùng sông Dương Tử còn cung cấp cho TP Vũ Hán nói riêng, cả khu vực nói chung, những loài cá tôm ốc nước ngọt “thượng hảo hạng” để lực lượng đầu bếp lành nghề chế biến biết bao đặc sản ngon lành tinh tế. Đó cũng là tuyến du lịch sông nước đầy thú vị, thời tiết mùa hè và mùa đông quả thật bất tiện, nhưng mùa xuân và mùa thu quá đỗi tuyệt vời. Tuy nhiên, đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới mang tên Covid-19 bùng phát đang khiến Giang Thành tê liệt vì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.


Bản đồ thể hiện sông Hán / Han hợp lưu với sông Dương Tử / Yangtze ở TP Vũ Hán / Wuhan

Bấy lâu nay, sông Hán được nhiều thi nhân đề cập trong thơ, ở đây tạm nêu 6 thi phẩm đời Đường:

* “汉江臨眺 / Hán giang lâm diểu / Ngắm cảnh sông Hán” của 王維/ Vương Duy (699 - 759); bản Việt dịch bởi Lê Nguyễn Lưu:

Ải Sở tiếp Tam Tương,

Kinh Môn, chín nhánh thông.

Dòng sông xa tít chảy,

Dáng núi mập mờ trông.

Quận ấp liền bờ bãi,

Ba đào dợn cõi không.

Tương Dương nhiều cảnh đẹp,

Say chén với sơn ông.

* “江上吟/ Giang thượng ngâm / Khúc ngâm trên sông” của Lý Bạch (701 - 762); bản Việt dịch bởi Trúc Khê:

Thuyền lan chèo quế buông trôi,

Kèn vàng sáo ngọc để đôi đầu thuyền.

Rượu ngon be đựng hàng nghìn,

Năm ba gái đẹp theo liền trong khoang.

Người tiên chờ cưỡi lạc vàng,

Vô tư du khách theo đàn bạch âu.

Cung đền vua Sở còn đâu?

Văn chương họ Khuất khoe màu

nhật, tinh.

Rượu say múa bút thơ thành,

Rung non chuyển bể ngông nghênh

cợt cười.

Giàu sang ví được lâu dài,

Họa chăng sông Hán chảy lùi lên non!

* “三絕句其三 / Tam tuyệt cú kỳ tam / Bài thứ 3 trong 3 bài tuyệt cú” của Đỗ Phủ (712 - 770); bản Việt dịch bởi Hoàng Trung Thông:

Đội quân trước điện tuy kiêu hùng,

Dữ tựa quân Khương với giặc Hồn:

Nghe nói giết người trên Hán thuỷ,

Đàn bà loạn xị giữa quan quân.


* “渡汉江 / Độ Hán giang / Qua sông Hán” của 李頻 / Lý Tần (818 - 876); bản Việt dịch bởi Trần Trọng Kim:

Lĩnh ngoại thư từ vắng,

Qua đông lại lập xuân.

Gần làng lòng sợ hãi,

Không dám hỏi lai nhân.

* “隔汉江寄子安 / Cách Hán giang ký Tử Yên / Gửi Tử Yên bên kia sông Hán” của 魚玄機/ Ngư Huyền Cơ (844 - 868); bản Việt dịch bởi Nguyễn Minh:

Từ Giang Nam buồn trông Giang Bắc,

Ngâm thơ suông nhớ thắt ruột gan.

Uyên ương nằm ấm bên sông,

Le le từng cặp bay cùng rừng cam.

Tiếng hót ẩn trong làn sương khói,

Trăng nơi đầu bến dưới lặn dần.

Tấc gang ngàn dặm trong tâm,

Huống hồ chày đập vang âm nhà nhà.

* “初渡汉江 / Sơ độ Hán giang / Lần đầu qua sông Hán” của 崔塗 / Thôi Đồ (854 - ?); bản Việt dịch bởi Phanxipăng:

Tới đình núi Hiện, qua Tương Dương,

Năm cũ sắp tàn, quá thê lương.

Chủ nhà đã sẵn sàng nhiều rượu,

Sông đêm bớt cóng vì tuyết sương.

Cần phân biệt sông Hán ở Trung Quốc với sông Hán ở Hàn Quốc. Đó là 2 con sông khác nhau nhưng trùng tên. Ở Hàn Quốc, sông Hán, chữ Hoa ghi 汉江, chữ Hangul ghi 한강, do sông Bắc Hán và sông Lâm Tân hợp lưu, chảy qua thủ đô Seoul rồi đổ ra Hoàng Hải.

Tôn Nữ Tò Mò
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top