“Skills for Future” truyền cảm hứng CNTT cho giáo viên và học sinh

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Dưới đây là câu chuyện của thầy Nguyễn Thanh Huy - GV trường THPT Xuân Lộc (Đồng Nai) và thầy Nguyễn Đức Khanh - GV trường THPT Ngô Gia Tự (Đắk Lắk) là 2 thầy giáo đã tham gia khóa đào tạo của dự án "Skills For Future".

Niềm đam mê CNTT phá vỡ mọi rào cản

Thầy Nguyễn Thanh Huy hiện đang là GV bộ môn Vật lý và phụ trách hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật tại trường THPT Xuân Lộc (Đồng Nai). Thầy hiện tại cũng là GV sáng tạo của Microsoft (Microsoft Innovative Educator) đầu tiên và duy nhất tại trường THPT Xuân Lộc. Tốt nghiệp thạc sĩ trường ĐH Bách Khoa TP. HCM, với 4 năm nghiêm cứu KHKT và robotics, thầy Huy đã đưa các công nghệ lập trình cơ bản về triển khai giảng dạy thêm ở trường. Theo thầy, đây là các công nghệ cực kì thuận tiện để tạo ra các ứng dụng tự động trong thực tế, đồng thời không quá khó để các em HS tiếp cận. Được biết, ban đầu khi mới tiếp xúc, các em còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng chỉ sau một năm học và làm quen, một số HS đã có thể áp dụng kiến thức để sáng chế ra các ứng dụng mang tính thực tiễn.

Tuy nhiên vì đây vẫn chưa phải là môn học chính khóa, và nhà trường vẫn chưa có các trang thiết bị thực hành cũng như CLB nên vẫn chưa có môi trường để HS tham gia học tập và nghiên cứu sâu hơn về bộ môn CNTT.


Thầy Huy (ngoài cùng bên phải) và HS tại cuộc thi KHKT

Khó khăn là thế nhưng vẫn không thể ngăn cản được sự say mê với CNTT của thầy trò trường Xuân Lộc. Để thực hiện các dự án lập trình, thầy Huy và các em đã tự mua và đặt các xưởng gia công những linh kiện phức tạp hoặc tận dụng các trang thiết bị thô sơ sẵn có để tự làm những linh kiện đơn giản tại nhà. Giờ đây, với việc tham gia dự án Skill 4 Future, thầy Huy hy vọng hình thành 1 CLB chính thức với các trang thiết bị thiết yếu để không ngừng tiếp lửa kiến thức và niềm đam mê CNTT cho các học trò của mình.

Tham gia khóa tập huấn Skill 4 Future diễn ra vừa qua, thầy Huy cho biết không chỉ có cơ hội tiếp cận thêm nhiều kiến thức mới mẻ về CNTT, mà thầy còn ghi nhận thêm được nhiều kinh nghiệm hữu ích và cần thiết để tổ chức và vận hành CLB Tin học ở trường sau này. "Qua đợt tập huấn này, tôi cảm nhận được một không khí học tập hòa đồng, vui vẻ và sự cởi mở trong chia sẻ kiến thức", thầy Huy chia sẻ thêm.


Microsoft từ lâu đã cam kết phát triển và thúc đẩy đổi mới công nghệ để hỗ trợ GD

Theo dự kiến của thầy và BGH, dự án Skill 4 Future tại trường THPT Xuân Lộc sẽ bắt đầu triển khai vào năm học tới (2020-2021) với số lượng dự kiến từ 30-40 em HS tham gia sinh hoạt CLB với tần suất mỗi tuần 1 buổi (2 tiếng). Trong học kì 1, CLB sẽ trang bị cho HS kiến thức về chế tạo, lập trình vi điều khiển. Học kì 2 sẽ đi vào chế tạo các sản phẩm ứng dụng thực tiễn từ chính ý tưởng của chính các em.

Ứng dụng CNTT tại một trường miền núi.

Trường THPT Ngô Gia Tự (Đắk Lắk) có khoảng 1.600 HS và hơn 100 GV. Trong đó có 2 GV là chuyên gia GD sáng tạo (Microsoft Innovative Educator Expert) và 11 GV sáng tạo của Microsoft (Microsoft Innovative Educator). Tuy là một ngôi trường miền núi nhưng tinh thần ứng dụng CNTT của thầy cô và HS rất lớn, từ website của trường đến việc áp dụng gói O365 A1 miễn phí của Microsoft và mời các chuyên gia về tập huấn để triển khai dạy học trực tuyến đồng bộ trên Teams trong giai đoạn cách ly do Covid-19.

Thầy Nguyễn Đức Khanh – GV Tin học của trường cho biết: "Ứng dụng CNTT là 1 cách tiếp cận rất hay và mới trong công tác giảng dạy lẫn quản lý của nhà trường. Điều này mang lại hiệu rất quả tốt không chỉ trong thời gian cách ly mà ngay cả lúc bình thường, đặc biệt khi kết hợp song song với phương pháp dạy học truyền thống. Nhờ ứng dụng CNTT mà giáo trình học trở nên trực quan, sinh động hơn; GV và HS cũng có thể chủ động trao đổi, liên lạc một cách nhanh chóng, dễ dàng ngoài giờ lên lớp thông qua các ứng dụng như Microsoft Teams."


Thầy Khanh (bên trái) hướng dẫn HS chế tạo mô hình xe

Tuy vậy, việc ứng dụng CNTT tại trường THPT Ngô Gia Tự vẫn gặp rất nhiều khó khăn, một phần do thiếu các giáo trình chuyên sâu và một phần do chưa có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết. Hiện trường có cả ngàn HS nhưng chỉ có 80-90 máy tính, nhiều máy trong số đó bị hỏng, trục trặc.

Về phía các em HS, thầy Khanh cho biết trước đây vẫn chưa có lớp hay CLB nào để các em sinh hoạt, nghiên cứu và trao đổi về CNTT. Do đó, thầy đã chủ động mở thêm lớp ngoại khóa từ hè năm ngoái, giúp các em luyện thêm nhiều kiến thức lập trình và ôn tập cho các kỳ thi Tin học. Hiện tại, trường có 1 đội HS giỏi gồm 5 em say mê luyện tập và đã giành được một số giải cấp tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều em HS cũng thể hiện sự tò mò và thích thú đối với ngành CNTT trong các buổi hướng nghiệp của trường.

Sau khi tham gia 2 buổi tập huấn dành cho GV của "Skills For Future", thầy Khanh đã có mục tiêu rõ ràng hơn cho việc tổ chức cũng như hoạt động của CLB nhằm phổ biến CNTT và nuôi dưỡng ước mơ trở thành lập trình viên trong tương lai của các em HS. Dự kiến CLB CNTT của trường Ngô Gia Tự sẽ được thành lập vào giữa tháng 7 này sau kỳ thi tốt nghiệp. CLB sẽ sinh hoạt chủ yếu theo 3 mảng: lập trình nhúng, kỹ thuật lập trình và tin học ứng dụng văn phòng với Microsoft Office.

"CNTT là kỹ năng vô cùng quan trọng và gần như bắt buộc cho mỗi công dân trong thời đại 4.0. Tôi hy vọng CLB sẽ tạo ra sân chơi giúp các em HS học tập, trao đổi cũng như tìm hiểu hiểu rõ hơn về các ngành CNTT, có được định hướng nghề nghiệp vững vàng cho tương lai", thầy Khanh cho biết.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top