Sinh viên đang ngại về quê

hoangtungoc

Thành viên
#1
Đối với sinh viên năm đầu, nỗi nhớ nhà thường trực khiến nhiều bạn luôn muốn trở về nhà trong những dịp lễ Tết hay có ngày nghỉ. Tuy nhiên, khi đã quen dần với cuộc sống ở các thành phố lớn, nhiều sinh viên bắt đầu ngại về quê.
Sinh viên ngại về quê

Quen với công việc trí óc hay những thú vui nhàn nhã ở thành phố, nhiều sinh viên rất ngại về quê vì sợ phải dậy sớm, lao động nặng nhọc giúp đỡ gia đình. Nếu có đợt nghỉ dài ngày, nhiều bạn chỉ tranh thủ về quê một hai hôm rồi lại xuống trường.

Khi Huyền Trang (sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền) quê ở Nam Định, còn học năm nhất, tuy sống xa nhà hơn 100 cây số, nhưng cô bạn vẫn cố gắng thu xếp về quê mỗi tháng. Tuy nhiên, đến năm 2, năm 3 do đã quen với cuộc sống ở thành phố, cô bạn ít về quê dần, có khi cả năm Trang chỉ về quê 2, 3 lần. Khi được hỏi cô bạn than thở: “Ở thành phố mình không quen dậy sớm, về quê lại phải cấy gặt đỡ bố mẹ, rồi công việc đồng áng bận rộn. Về quê mình lại tốn thêm một khoản tiền tàu xe. Nghĩ mà đã thấy hãi, nên ngày nghỉ mình xác định ở lại thành phố ngủ, xem phim hoặc đi chơi”.

Còn với Hường (sinh viên năm 2 Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội) tuy chỉ học cách nhà hơn 20km, nhưng do đã dọn về ở cùng “nửa kia” của mình nên cô bạn cũng ít về quê mặc cho sự mong ngóng của gia đình.

Học sang năm thứ 4 đại học, Hồng Quân (Đại học Bách Khoa Hà Nội) đã tìm được một công việc part time tại Hà Nội, công việc bận rộn kết thúc vào chiều thứ 7 khiến cậu bạn không thể thường xuyên về quê như trước dù rất nhớ gia đình.

Sinh viên đặc biệt là sinh viên năm cuối đang ít về quê dần đi vì nhiều lý do chính đáng. Tuy nhiên, cũng vì sự ích kỷ, lối sống quen hưởng thụ, lười lao động mà nhiều sinh viên từ chối những cơ hội trở về quê hương, gặp mặt gia đình, bạn bè – những người thân yêu nhất.

Buồn lòng cha mẹ

Đã có thói quen chờ đến thứ 6 đợi con trai về, nhưng bác Nguyễn Thị Ngọc (42 tuổi) nay đành ngậm ngùi sau mỗi lần gọi điện. “Trừ dịp Tết hay nghỉ hè nó rất ít khi về nhà, chỉ thỉnh thoảng gọi về khi đã hết tiền”.

Ít về quê, thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc và đạo hiếu với gia đình, nhiều bạn sinh viên chỉ chăm lo đến cuộc sống cá nhân và lối sống ích kỷ, quen hưởng thụ ở thành phố mà xa rời công việc đồng áng ở làng quê, xa rời “gốc rễ” của mình.



Anh Duy (sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội) sau nhiều tháng không về quê, đã trở về nhà với quyết định thôi học của trường do nợ quá nhiều môn.

Hay như Hường, sống thử cùng với bạn trai, cô bạn đã mang thai ngoài ý muốn, đến khi sinh con, Hường nức nở gọi điện xin mẹ xuống viện đón. Đó là lần đầu tiên bạn về nhà sau 7 tháng biệt tăm.

Tình trạng sinh viên có tâm lý ngại về quê đang diễn ra khá phổ biến. Không trở về nhà, thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình, nhiều bạn sinh viên không giữ được mình đã sa chân vào những lối sống tự do, thực dụng, những thói hư tật xấu thậm chí cả tệ nạn xã hội chốn thị thành.

Hoặc đơn giản là bạn từ chối cơ hội được giúp đỡ và quan tâm đến gia đình ở quê để ở lại thành phố mua lấy sự nhàn nhã, thức đêm, ngủ ngày.

Dương Thiện (chuyên viên IT) quê ở Nam Định ngậm ngùi: “Ngày trước khi con đi học, mình ít về quê, vì mải game và chơi bời với đám bạn. Bây giờ đi làm rồi, bận rộn với công việc, một năm mình chỉ về được 2 lần. Nhiều hôm nghe tin bố mẹ, em trai bị ốm mà ở xa không về được, chỉ biết chảy nước mắt”.
Nguồn: http://kenh14.vn/hoc-duong/sinh-vien-dang-ngai-ve-que-201404180858418.chn
 

Bình luận bằng Facebook

Top