Sinh viên đã bị lừa như thế nào?

lehoa012

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Không phải với sinh viên nào, chủ tiệm cầm đồ cũng sẵn sàng cho vay một lúc cả chục triệu đồng. Cho sinh viên vay một số tiền lớn, chủ nợ đã có quá trình điều tra, xác minh rất kỹ về thân thế và khả năng năng chi trả của gia đình. Một khi sinh viên đã trở thành con mồi được chủ nợ “chăm sóc”, săn đón thì số lãi họ áp đặt ở mức nào, người đi vay cũng phải chấp nhận.
Sập bẫy

Với Nguyễn Kim Ng, sinh viên năm thứ 2, chuyên ngành Bác sỹ Đa khoa, Trường Đại học Y Thái Nguyên, quê Điện Biên, người đã khiến gia đình phải bán cả đàn bò để xuống “giải cứu” Ng khỏi cảnh bị chủ nợ săn tìm đã rất thấm thía các mánh khóe của chủ cho vay nặng lãi.
Ng cho biết: hầu hết chủ cầm đồ và cho vay qua thẻ (thẻ sinh viên) đều kiêm luôn chủ lô đề. Nhiều sinh viên sau khi thấy bạn chơi thì cũng chơi theo. Nhưng không phải ai muốn chơi nhiều cũng được. Người chơi nhiều thường được chủ dẫn dắt và “thả cửa” cho vay thì mới chơi được.
Nhưng không phải sinh viên nào, chủ cầm đồ cũng thả cửa cho vay. Những người được chủ cầm đồ tin tưởng “đầu tư”, họ đều đã có điều tra xác minh từ trước. Chẳng hạn, sinh viên đó đang học lớp gì, bố mẹ làm gì và hoàn cảnh gia đình ra sao. Nếu là gia đình có bố mẹ làm công chức, giầu có thì họ thích vay bao nhiêu cũng được.


Những tiệm cho vay qua thẻ và cho thuê xe máy nhiều như nấm ở ngay bên cạnh trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
Rồi Ng kể: "Ngày mới vào trường được một thời gian, cậu được một chủ lô ở gần trường mời: “Mày thích ghi bao nhiêu cũng được. Được tao trả tiền mà thua tao cũng trả tiền, lại cho thêm hai chai bia mà uống”! Anh bảo, trước những lời mời như thế thì ai mà không thử? Nhưng chơi rồi, nếu được có tiền thì ham nên lại chơi tiếp, mà thua thì cay cú cũng lại chơi tiếp. Và, số tiền chơi thua ấy, chủ đều ghi nợ và tính lãi cả".
Cũng từng là một nạn nhân của tình trạng cho vay nặng lãi, Nguyễn Bá Đ, quê huyện Phổ Yên (Thái Nguyên), sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên tiết lộ: "Hiện những chủ nợ đang áp dụng nhiều hình thức cho vay mà nếu nói với một cán bộ ngân hàng, họ cũng không thể tưởng tượng nổi được hình thức tính lãi".
Chẳng hạn hiện nay, chủ nợ sẵn sàng chấp nhận cho vay bảo lãnh (gồm một số người ký bảo lãnh không cần thế chấp) hay vay tín (vay không cần vật thế chấp, chỉ cần viết giấy nợ). Đây là những hình thức cho vay nhiều rủi ro, nhưng thực chất, những đối tượng chủ chấp nhận cho vay, cho ký, họ đều đã có điều tra rất kỹ về thân thế cha mẹ và hoàn cảnh gia đình của từng người.
Ngay cách tính lãi của chủ nợ cũng rất vô cùng. Mức lãi suất chủ cho vay áp dụng phổ biến từ 5 đến 10 nghìn đồng mỗi ngày cho một triệu tiền vay. Nhưng với một số trường hợp thì tỷ lệ lãi có khi lớn hơn nhiều lần.
Thông thường, chỉ sau vài ngày vay tiền, chủ nợ sẽ gọi người vay đến trả lãi. Nếu người vay không trả được, họ phải viết giấy nợ mới (viết giấy nợ chứ không phải giấy vay và không ghi lãi suất) với cả phần gốc và lãi gộp lại. Sau đó, chủ nợ lại bắt đầu tính lãi mới theo thỏa thuận.


Anh Nguyễn Tất Thắng, Trưởng phòng Công tác HSSV trường ĐH Thái Nguyên thừa nhận: Các chủ cho vay hoạt động vô cùng tinh vi nên nhà trường rất khó can thiệp!
Với hình thức cho vay này, không ít sinh viên ban đầu chỉ vay mấy triệu nhưng sau vài tháng, số tiền nợ, có xác nhận của người vay hẳn hoi, đã lên đến con số vài chục triệu. Những ai vay nhiều, nếu không trả kịp thì số tiền nợ chủ tính lên đến hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng cũng là chuyện rất bình thường.
Tuy nhiên, nợ đến một mức nào đó, chủ nợ sẽ bằng nhiều cách để ép sinh viên phải trả nợ. Trong đó, cách phổ biến nhất là dọa báo nhà trường. Không ít trường hợp sinh viên phải nghỉ học trốn về quê do bị chủ đòi nợ và dọa dẫm, thì chủ nợ cũng không buông tha, thuê cả người lên tận nhà đòi nợ.

Mà họ đòi nợ rất khó chịu. Khi chưa nhận được tiền, ngày nào họ cũng đến nhà giải chiếu ngồi trước cửa. Ai cũng biết thừa đấy là dân “xã hội đen” nhưng không dám báo công an mà vẫn phải thu xếp tiền đi trả để mong con cái được tiếp tục học hành.

Bảo lãnh thì… lãnh đủ
Cho đến bây giờ, Nông Thị L.A, sinh viên năm thứ 3, lớp đào tạo theo địa chỉ thuộc Khoa toán, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, quê Cao Bằng vẫn bàng hoàng vì món nợ lên đến 100 triệu mà cô đang bị chủ ép phải trả.
Theo lời kể của L.A. thì cách đây khoảng 3 tháng, cô được một người bạn có tên là Hà Thị H, học cùng lớp, lại cùng quê xin một chữ ký bảo lãnh để H. có thể vay tiền. Nghĩ rằng mình chỉ cần ký, không phải nộp thẻ sinh viên hay CMND gì thì không có ràng buộc. Vì thế, L.A đã cùng một nhóm bạn 3 người nữa (hầu hết là con cán bộ Nhà nước công tác ở Cao Bằng) vô tư cùng ký bảo lãnh để H. vay tiền, với số lãi bao nhiêu, họ cũng không rõ.
Khoảng một tháng trước đây, L.A và ba người ký bảo lãnh vay tiền cho Hà Thị H. cùng bị chủ nợ triệu tập, với lời tuyên bố xanh rờn rằng: Bây giờ Hà Thị H. đã nghỉ học và không có khả năng trả nợ nữa. Vì vậy, những ai đã ký bảo lãnh cho H. vay tiền phải có trách nhiệm “san nợ” và trả nợ thay, với số tiền cả gốc và lãi lên đến 400 triệu đồng. Nếu không có khả năng trả nợ ngay lập tức thì mọi người phải viết giấy nợ mới, chia đều mỗi người 100 triệu và chủ sẽ lại bắt đầu tính lãi mới.
Bức xúc vì số tiền vay không được tiêu một đồng nên không ai trong số bốn sinh viên bảo lãnh chịu viết giấy nợ mới. Thế nhưng, cũng chính vì thái độ cứng rắn này mà họ đã bị đánh, bị nhốt từ chập tối cho đến gần 12 giờ đêm và dọa sẽ đem chuyện nợ nần báo lên nhà trường.
Theo lời L.A, sau vụ bị chủ nợ bắt nhốt và viết giấy nợ thay, cả nhóm đều rơi vào tâm trạng hoang mang tột độ. Đi đến đâu, họ cũng phải đi theo nhóm để có người nhìn trước nhìn sau. Có người, vì sợ chủ truy nợ nên sau đó đã phải chuyển chỗ ở trọ, phải bỏ số điện thoại cũ và gọi cho bố mẹ mang tiền xuống thỏa thuận trả nợ, mong có thể cứu vãn được sự nghiệp học tập.


Cô Lâm Tú Anh: Nếu nghỉ học quá nhiều, Khoa gửi giấy đến gia đình lần thứ 3, nhà trường sẽ đuổi học theo quy chế!
Thế nhưng, không phải gia đình sinh viên nào cũng đủ điều kiện trả hàng trăm triệu đồng cả gốc lẫn lãi cho các chủ tiệm cho vay qua thẻ. Vì vậy, nhiều sinh viên Trường Đại học Thái Nguyên hiện phải bỏ học, không dám về nhà và phải sống chui lủi để trốn các chủ nợ.
Chẳng hạn trường hợp của Hà Thị H., sinh viên Khoa toán K42 hay Nông Thị Bích H. sinh viên K42 Khoa Toán và Hà Thị Kh. sinh viên lớp đào tạo theo địa chỉ K43, Khoa toán, cùng quê Cao Bằng. Theo một số sinh viên Đại học Sư Phạm người Cao Bằng cho biết, hiện số nợ của cả ba sinh viên này lên đến 400-500 triệu đồng và đều đang phải nghỉ học để trốn nợ.
Cô Lâm Tú Anh, phụ trách Khoa Toán, Phòng Công tác HSSV trường Đại học Sư Phạm cho biết, cả ba sinh viên trên đều hay nghỉ học. Nhà trường cũng không thể liên lạc do họ không đăng ký chỗ ở trọ mới và số điện thoại. Do nghỉ học nhiều nên khoa đã gửi giấy báo về gia đình của sinh viên. Nếu gửi giấy báo đến lần thứ 3 mà gia đình không có hồi âm, nhà trường sẽ đuổi học theo quy chế.
Không thể ngăn chặn?
Anh Nguyễn Tất Thắng, trưởng ban công tác HSSV, Đại học Thái Nguyên khi trao đổi về tình trạng sinh viên vay nặng lãi, thậm chí phải âm thầm nghỉ học để trốn nợ, cũng thừa nhận: tình trạng này là đúng sự thật và vẫn đang diễn ra phổ biến.


Bà Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên: Chính quyền địa phương chưa thấy tình trạng vay nặng lãi quá nổi cộm!
Tuy nhiên, do các chủ cho vay nặng lãi hoạt động quá tinh vi. Chẳng hạn, họ cho vay lãi thật nhưng khi cho vay, họ chỉ ghi giấy nợ, còn lãi bao nhiêu phần trăm thì chủ nợ và người đi vay thỏa thuận miệng nên rất khó xử lý, khó có chứng cứ để nhà trường can thiệp.
Nói về nạn cho vay nặng lãi trong sinh viên, bà Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên thừa nhận: một khi hoạt động vay cầm đồ còn được công nhận là hoạt động hợp pháp thì tình trạng cho vay nặng lãi và ép nợ là điều khó tránh khỏi.
Hơn nữa, việc người cho vay và người vay có sự thỏa thuận nên cũng không ngăn chặn được. Nếu phát hiện ra trường hợp cụ thể thì tỉnh mới có thể chỉ đạo cơ quan điều tra vào cuộc được.
Khi chính quyền địa phương còn đang chờ sự việc cụ thể để vào cuộc điều tra thì trong thực tế, những nạn nhân của vay nặng lãi vẫn phải tự thỏa thuận và giải quyết với chủ nợ, thay vì tố cáo lên chính quyền vì sợ ảnh hưởng đến học tập của con cái và sợ xã hội đen trả thù. Vì vậy, tình trạng vay nặng lãi vẫn cứ âm thầm nhấn chìm tương lai của biết bao sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học Thái Nguyên!
 

Bình luận bằng Facebook

Top