Sáng tạo với giờ học lịch sử địa phương

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Chuẩn bị của giáo viên

Trường THPT Minh Hòa đóng trên địa bàn xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, nơi đây chiến khu di tích Phục Cổ - một trong những căn cứ cách mạng của tỉnh Phú Thọ trong cách mạng tháng Tám năm 1945.

Tại Phú Thọ, tiết dạy Lịch sử địa phương thuộc tiết thứ 28 theo phân phối chương trình, ngay sau bài 16: "Phong trào giải phóng dân tộc và tổng khởi nghĩa tháng Tám (1939 – 1945). Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời".

Lý do xây dựng ngay sau bài này là do Căn cứ du kích Phục Cổ được xây dựng trong công tác chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền giai đoạn 1939 – 1945. Vì vậy mục đích chính là giúp học sinh hiểu được lịch sử đấu tranh trong cách mạng tháng Tám của địa phương mình và biết liên hệ kiến thức lịch sử dân tộc.

Để thực hiện giờ dạy, cô Phương Duyên đã tiến hành sưu tầm tài liệu liên quan đến nội dung tiết dạy. Sau đó, liên hệ với xã Minh Hòa, Ban quản lí Đình làng Phục Cổ xin được dạy tại thực địa, đồng thời mời 1 cựu chiến binh đại diện trong Ban quản lí Đình Phục Cổ tham dự giờ dạy. Trước giờ, giao nhiệm vụ để học sinh chuẩn bị thật kỹ.

Để thuận lợi, cô Duyên chia học sinh thành 4 nhóm, trong đó chia đều học sinh ở 4 xã Minh Hòa, Ngọc Đồng, Đồng Lạc, Ngọc Lập và học sinh theo mức độ nhận thức vào các nhóm và giao nhiệm vụ.

Học sinh Minh Hòa phải trực tiếp đi thu thập thông tin về lịch sử ra đời và miêu tả những đặc điểm nổi bật của khu căn cứ Phục Cổ một cách khái quát theo thời gian qua lời kể của các thế hệ trước ở xã.

Học sinh các xã Ngọc Đồng, Ngọc Lập, Đồng Lạc tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của Lễ hội Cầu Đình, lễ Mở cửa rừng; tiểu sử, tấm gương chiến đấu của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Viết Ninh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Sau khi giao nhiệm vụ, giáo viên yêu cầu học sinh ở các nhóm nộp kết quả tìm hiểu trước để giáo viên kiểm tra, bổ sung và giao lại cho nhóm chuẩn bị cho giờ học.

Dạy học tại thực địa

Do dạy tại thực địa nên giờ Lịch sử địa phương được bố trí dạy vào buổi chiều, khu căn cứ chỉ cách trường khoảng 1km nên học sinh tự di chuyển xuống khu căn cứ dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Giờ dạy được cô Phương Duyên thực hiện theo trình tự các bước như sau:

Bước 1: Giáo viên giới thiệu khách mời, nhiệm vụ học tập của học sinh trong giờ Lịch sử địa phương.

Bước 2 : Trên cơ sở đã tìm hiểu trước, giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh

Nhóm 1: Đại diện của nhóm sẽ đóng vai trò như một hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử hình thành, sự phát triển và vai trò của căn cứ Phục Cổ trong cách mạng tháng Tám năm 1945.

Nhóm 2: Giới thiệu về nguồn gốc, ý nghĩa của Lễ hội Mở cửa rừng (thường diễn ra vào ngày mùng 5 tết hàng năm)

Nhóm 3: Giới thiệu về nguồn gốc và ý nghĩa của Lễ Cầu Đình (diễn ra vào tháng 12 âm lịch)

Nhóm 4: Giới thiệu những nét chính về anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Viết Ninh.

Khi các đại diện các nhóm trình bày, các nhóm khác lắng nghe. Sau mỗi nhóm thực hiện nhiệm vụ của mình, giáo viên mời học sinh các nhóm khác bổ sung thêm phần tìm hiểu của nhóm mình.

Khi các nhóm hoàn thiện phần bổ sung, học sinh được đánh giá phần thực hiện của nhóm bạn thông qua phiếu nhận xét. Giáo viên thu và thông báo kết quả vào cuối giờ học

Để nội dung bài dạy thêm sinh động, giáo viên dẫn dắt, khắc sâu những kiến thức liên quan đến bài dạy và giới thiệu bác cựu chiến binh nói thêm về sự phát triển của căn cứ Phục Cổ, về cuộc chiến đấu của nhân dân Minh Hòa trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, những tấm gương trong chiến đấu của đồng đội.

Sau khi hoàn thiện toàn bộ mục tiêu của giờ dạy, giáo viên yêu cầu học sinh viết bài thu hoạch về giờ học Lịch sử địa phương tại căn cứ du kích Phục Cổ.

Để giáo dục tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, giáo viên cùng học sinh sẽ tham gia lao động, vệ sinh khu căn cứ và khu vực xung quanh bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của xã Minh Hòa.

Kết thúc giờ dạy, giáo viên hướng dẫn học sinh di chuyển về trường và thực hiện các nhiệm vụ học tập tiếp theo.

Để đánh giá kết quả của giờ thực nghiệm lịch sử địa phương, sau giờ học, giáo viên cho học sinh viết bài thu hoạch với nội dung: Khái quát những hiểu biết của mình sau giờ học về sự ra đời, phát triển và vai trò của Căn cứ du kích Phục Cổ trong cách mạng tháng Tám, liên hệ đến vai trò, trách nhiệm của học sinh trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị lịch cử của địa phương.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top