Sáng tạo phương pháp giáo dục cho trẻ đặc biệt

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Lấy nghề nuôi nghiệp

Nhớ lại những ngày còn là sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cô Nguyễn Viết Hiền không thể quên những năm tháng khó khăn của mình. Để có thể trang trải đủ tiền sinh hoạt hàng tháng, cô Hiền phải nhận dạy kèm trẻ đặc biệt như tự kỷ, tăng động, chậm nói, chậm phát triển trí tuệ. “Lúc bấy giờ, tôi vừa đi làm vừa bỡ ngỡ đủ thứ.

Vì mỗi đứa trẻ tự kỷ lại ở một thể riêng biệt, phải áp dụng các phương pháp khác nhau, phù hợp với từng đứa. Một cô sinh viên thì kinh nghiệm chưa có nhiều, nên tôi vừa làm vừa học thêm và chủ động hỏi những thầy cô đi trước. Cũng có những lần tôi bất lực đến phát khóc, nhưng nhìn thấy sự kỳ vọng của phụ huynh, tôi phải tự cố gắng và động viên chính bản thân mình” – cô Hiền kể lại.

Sau khi tốt nghiệp, cô Hiền trở thành giảng viên của Trường ĐH An Giang. Cơ duyên với trẻ đặc biệt vẫn được tiếp tục khi cô được phân công giảng dạy môn Giáo dục hòa nhập. Trong quá trình dạy, cô Hiền vẫn chủ động tìm thêm các phương pháp giáo dục mới dành riêng cho trẻ khó hòa nhập và tích cực tham gia các khóa tập huấn về dạy trẻ tự kỷ. Đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều cô giáo đang dạy trẻ khó hòa nhập như mình, cô Hiền hiểu rằng, mỗi đứa trẻ tự kỷ cần giáo viên linh động phương pháp cho phù hợp.

Cô cho biết: “Nhiều giáo viên cảm thấy rất áp lực khi trong lớp có một vài em học sinh đặc biệt như tự kỷ, tăng động, rối loạn ngôn ngữ. Các em rất khó hòa nhập, khó theo phương pháp chung giáo viên áp dụng cho cả lớp. Ngày nay, xã hội nhận thức nhiều hơn về những trẻ đặc biệt, phụ huynh quan tâm đến phương pháp dạy con nhiều hơn. Những trẻ đặc biệt học hòa nhập với những trẻ em bình thường. Vì vậy, giáo viên cần phải biết đến phương pháp giáo dục dành riêng cho trẻ khó hòa nhập để giúp các em tiến bộ”.


Giảng viên Nguyễn Viết Hiền

Tự sáng tạo phương pháp riêng

Nắm rõ nỗi trăn trở của nhiều giáo viên hiện nay, cô Hiền đã tổng hợp lại những phương pháp mình áp dụng trong suốt nhiều năm qua, chủ động sáng tạo phương pháp giáo dục mới, giúp các em khó hòa nhập có thể tiến bộ hơn. Trong các phương pháp can thiệp, phương pháp cô Hiền thực hiện đem lại hiệu quả nhanh nhất là phương pháp can thiệp nhóm.

Đây là mô hình can thiệp nhóm, từ 2 - 3 người lớn và 1 trẻ. Trong phương pháp này, một người lớn sẽ đóng vai trò là giáo viên can thiệp chính, tổ chức các hoạt động giáo dục. Từ 1 - 2 người lớn còn lại thường là phụ huynh, phối hợp hoạt động với giáo viên để tạo hiệu quả tốt nhất. Tùy vào vấn đề và mức độ của từng trẻ để xây dựng nội dung hoạt động can thiệp.


Chia sẻ về phương pháp này, cô Hiền cho biết: “Hoạt động can thiệp cần xoáy sâu vào phát triển 5 giác quan bằng nhiều bài tập đa dạng. Giáo viên cần xây dựng hoạt động nhằm phát triển ngôn ngữ và giao tiếp, thể chất, vận động, nhận thức, khả năng tập trung chú ý, chú trọng việc tạo ra các hoạt động trải nghiệm thực tế.

Qua kinh nghiệm can thiệp trên nhiều trẻ với nhiều độ tuổi và mức độ khác nhau, tôi nhận thấy phương pháp này đem lại hiệu quả nhanh hơn nhiều so với những phương pháp khác. Phương pháp tạo ra sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình nói chung và sự đồng hành của bố mẹ với giáo viên trong quá trình can thiệp trẻ nói riêng”.

Trong phương pháp này, phụ huynh nên có mặt trong mỗi buổi can thiệp cho con để nắm rõ nội dung, phương pháp và thấy rõ kết quả đạt được. Ngoài ra, giáo viên cũng sẽ giao bài tập cho phụ huynh để đồng hành cùng con. Đây được coi là phương pháp giúp gắn kết phụ huynh và trẻ, theo sát sự phát triển của con.

Suốt 10 năm qua, cô Hiền không thể nhớ rõ mình đã đồng hành với bao nhiêu trẻ tự kỷ, chậm nói, tăng động. Nhưng cô nhớ rõ từng phụ huynh vui ra sao khi chứng kiến con tiến bộ. Trong đó, có những người mẹ đã rơi nước mắt khi nghe thấy tiếng con gọi sau nhiều năm chậm nói, có những người cha khóc thành tiếng khi thấy con tiến bộ mỗi ngày... Đối với cô Hiền, đó chính là động lực để cô tiếp tục cố gắng mày mò phương pháp và theo sát những trẻ em khó hòa nhập.

Hiện tại, cô Hiền đã về công tác tại Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội. Dù vậy, tiếng lành đồn xa, cô vẫn đang được nhiều phụ huynh khắp cả nước gửi gắm con cái và gọi điện nhờ tư vấn mỗi ngày. “Nhiều phụ huynh ở xa Hà Nội, nhưng vẫn gọi điện cho tôi mỗi ngày để nhờ tôi hướng dẫn họ can thiệp cho con. Sự tin tưởng của phụ huynh ở khắp mọi nơi trở thành niềm vui cho tôi, giúp tôi cảm thấy cuộc sống này có ý nghĩa để tôi tiếp tục đồng hành cùng những đứa trẻ đặc biệt mỗi ngày” - cô Hiền chia sẻ.

Minh Vân
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top