Sạn trong cảnh đấu giá phượng bào ở "Gái già lắm chiêu V"

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả xoay quanh cuộc sống của ba chị em nhà họ Lý. Trong đó, Lý Lệ Hà (NSND Lê Khanh) và Lý Lê Hồng (NSND Hồng Vân) bắt tay tạo nên danh tiếng cho gia tộc bằng những cuộc đấu giá áo phượng bào trị giá hàng triệu USD, đồng thời "phù phép" hàng loạt món đồ bình thường trở thành cổ vật.

Còn cô em út Lý Linh (Kaity Nguyễn) là cái tên máu mặt trong giới bất động sản. Cô gái trẻ toan chiếm lấy phượng bào của gia tộc nhằm phục vụ mục đích riêng.

Lỗi logic trong kịch bản

Bộ ba nữ diễn viên với diễn xuất nhập tâm trở thành điểm sáng của bộ phim. Họ tỏ ra thuyết phục trong những phân đoạn tâm lý phức tạp. Đa số người xem đều cho rằng Gái già lắm chiêu V được cả hai đạo diễn dàn dựng công phu với kịch bản dày dặn, kịch tính hơn phần ba. Bối cảnh xa hoa, toát lên sự giàu sang, vương giả cũng là điểm nổi bật của tác phẩm.





Chiếc áo phượng bào là báu vật của chị em Lý Gia. Ảnh: Lotte.

Tuy nhiên, sự xa hoa, lộng lẫy không thể khỏa lấp được những điểm yếu, thiếu logic trong kịch bản. Nhiều khán giả đặt câu hỏi tại sao áo phượng bào trị giá hàng chục triệu USD nhưng không được bảo vệ nghiêm ngặt, ai cũng có thể tiếp cận.

Trong suốt 20 năm, chiếc áo quý giá này trở thành công cụ để chị em nhà họ Lý làm hình ảnh, nâng tầm vị thế thông qua những cuộc đấu giá. Để giữ chiếc áo, Lý Lệ Hà đã giao cho em Lý Lệ Hồng đóng giả người đến dự và trả giá cao nhất.

Hai thập kỷ với nhiều cuộc đấu giá, chiếc áo luôn chỉ bán cho một người. Nhưng không biết bằng chiêu trò nào đó, nó rốt cuộc lại trở về Lý Gia.

Nếu chỉ có một, hai cuộc đấu giá xảy ra, chị em Lý Lệ Hà có thể lừa được giới săn lùng cổ vật. Nhưng 20 năm đều như vậy, thì đó là sự phi lý.

Ngoài chiếc áo là thật, đa số cổ vật trong nhà Lý Gia đều là đồ giả. Tất cả được chị em nhà họ Lý "phù phép" bằng cách gắn cho những câu chuyện ly kỳ, rồi đẩy giá lên cao.

Giới săn lùng đồ cổ vốn ít ỏi. Đa số họ là những người sành sỏi, hiểu biết. Chẳng lẽ cả giới bị qua mặt dễ dàng suốt 20 năm như thế? Trên thực tế, sau khi mua các món đồ cổ giá trị, người mua thường sẽ mang đi kiểm tra, giám định. Thật khó để Lý gia có thể "một tay che trời" như bộ phim mô tả.

Gái già lắm chiêu V có tham vọng khám phá ngành đấu giá, thâm nhập giới săn lùng đồ cổ như đạo diễn Bảo Nhân từng chia sẻ. Nhưng cách làm cho thấy kịch bản phim vẫn thiếu đi sự đầu tư một cách chỉn chu.

Đạo diễn lên tiếng

Trước những nhận xét về lỗi logic trong phim, trao đổi với Zing, đạo diễn Bảo Nhân giải thích: "Việc Lý Lệ Hà và Lý Lệ Hồng bày trò mua đi bán lại phượng bào là một cách mà giới sưu tầm cổ vật thường áp dụng. Sau mỗi lần mua đi bán lại, họ lại nâng giá các món đồ.

Theo tôi, những chi tiết đó không phải sạn, nhưng khán giả dễ thắc mắc bởi lĩnh vực đấu giá cổ vật còn khá mới mẻ với đại đa số. Bộ phim là một dịp để khơi gợi sự khám phá về ngành nghề mới.

Ở từng phần của Gái già lắm chiêu, chúng tôi thường đưa vào những ngành nghề mới để giới thiệu với khán giả. Chẳng hạn, ở phần một, chúng tôi khám phá nghề giám đốc sáng tạo, đến những phần tiếp chúng tôi làm nghề sản xuất show truyền hình đang hot hoặc ngành bất động sản".





Chiếc áo được làm trong năm tháng với giá 1,4 tỷ đồng.

Nam đạo diễn tiếp tục giải thích việc chiếc áo quý không được bảo vệ tương xứng với giá trị của nó: "Biệt thự Bạch Trà biệt lập và kín cổng cao tường. Chiếc áo được trưng bày trong căn phòng cổ vật.

Để đi được đến căn phòng phải qua nhiều lớp cửa. Có thể do trong phim không có nhiều cảnh để miêu tả rõ cấu trúc biệt thự phong cách Baroque, nên mọi người thấy dễ dàng thâm nhập, tiếp cận áo".

Bảo Nhân hồi tưởng để hoàn thành chiếc áo, nhà thiết kế Trisha Võ đã mất 5 tháng. "Chiếc áo trị giá 30 triệu USD trong phim. Ngoài đời, nhà thiết kế đã hoàn thiện nó với giá 1,4 tỷ đồng", anh cho hay.

Nói về việc Gái già lắm chiêu V ra mắt cùng thời điểm với Bố già và hai phim thường bị đưa so sánh về chất lượng, doanh thu, vị đạo diễn cho rằng sự cạnh tranh và so sánh là không thể tránh khỏi. Theo anh, đó cũng là cơ hội để khán giả thêm lựa chọn khi ra rạp.

"Thời điểm này, cần nhiều bộ phim tốt, mạnh dạn ra rạp để sớm khôi phục lại thói quen xem phim của khán giả, giúp rạp phim hồi phục sau một mùa Tết thất thu hoàn toàn", anh chia sẻ.
Nguồn: Báo điện tử Kiến thức
 

Bình luận bằng Facebook

Top