Sai một ly, đi một dặm

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Dù là nguyên nhân nào thì cách xử lý tình huống sư phạm chưa phù hợp của một bộ phận giáo viên đã dẫn đến sự cố không đáng có, ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo.

Một giáo viên trẻ ở Hải Phòng kể lại: Tháng đầu tiên nhận lớp dạy học ngày mới ra trường, cô rất “ngợp” bởi sự bướng bỉnh của một số học sinh, khiến cô không còn cả tâm chí để tập trung giảng dạy. Một vài đồng nghiệp biết chuyện, bảo: “Em cứ phạt nặng mấy học trò nghịch nhất, làm mạnh tay vào, khắc cả lớp sẽ yên”.

Cô cũng thử làm theo, nhưng kết quả lại hoàn toàn không như mong muốn, sự phản ứng của học sinh càng mạnh mẽ hơn, có nguy cơ đẩy cô trò cách xa nhau. Cô càng áp lực, càng trút bực bội lên học trò thì trò càng tìm trò quậy phá để trả đũa, tạo thành một vòng luẩn quẩn khiến cô bế tắc và thực sự chán nản mỗi khi lên lớp. Một thời gian sau, từ bài học bản thân và kinh nghiệm những đồng nghiệp đi trước, cô thay đổi cách tiếp cận, thay vì những hình phạt là những cuộc trò chuyện, tăng cường tiếp xúc cô trò, chỉ chưa đầy một học kỳ, lớp cô dạy đã trở thành lớp tiến bộ nhanh nhất khối.

Quan điểm của các giáo viên nhiều kinh nghiệm: Giáo dục trẻ nhất thiết cần có thưởng phạt; nhưng điều quan trọng là không phạt theo cảm tính, phạt thế nào cho có giáo dục và công khai để thầy cô có “chỗ dựa”, không lúng túng khi uốn nắn học trò. Tuy nhiên, việc thống kê, đưa ra mức phạt quá cụ thể là “bất khả thi” vì hành vi phạm lỗi của học sinh cũng vô cùng đa dạng. Do đó, kĩ năng xử lý tình huống, trình độ nghiệp vụ sư phạm của giáo viên là vô cùng quan trọng. Khái niệm “kỉ luật tích cực” cũng được nhắc đến nhiều và thầy cô hoàn toàn có thể sử dụng hiệu quả những hình thức kỉ luật tích cực nếu thực sự vững nghiệp vụ và yêu thương học trò.

Về điều này, TS Tâm lý học Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội) cho rằng, “phạt” luôn là phần cuối cùng trong các chương trình huấn luyện về hành vi quản lý lớp học tích cực. Cần tránh hình phạt nhằm để trẻ sợ, xấu hổ… với suy nghĩ có như vậy trẻ mới rút kinh nghiệm và không mắc lại sai lầm.

Chia sẻ ở đất nước mình (Hoa Kỳ), cũng như môi trường đang công tác ở Việt Nam không có quy định về hình phạt cụ thể dành cho mỗi hành vi của học sinh, nhưng Th.S Lori Fairbairn - Chuyên viên tham vấn học đường, Trường Quốc tế BIS - cho biết có quy định chung liên quan đến đảm bảo an toàn cho học sinh, trong đó ghi rõ việc không được đụng chạm về thân thể với học sinh, không làm tổn thương tinh thần, lăng nhục học sinh, không được phép ở một mình với học sinh…

“Không có khung hình phạt cụ thể, với vai trò là người làm công tác tham vấn học đường, chúng tôi quan tâm hơn đến việc tìm cách can thiệp trước để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra; tìm ra nguyên nhân tại sao học sinh lại có hành vi như vậy. Mỗi người sẽ đưa ra cách giải quyết của riêng mình với mục đích là vì học sinh nhất có thể. Riêng với giáo viên, ở đất nước chúng tôi, ngoài chuẩn năng lực còn có bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp riêng. Do đó, bạo lực học đường chủ yếu là giữa học sinh với học sinh; còn giữa giáo viên với học sinh, giáo viên với cha mẹ học sinh là rất hiếm xảy ra” - Th.S Lori Fairbairn cho hay.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top