Sai lầm và cách khắc phục khi học về động học chuyển động thẳng

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Ví dụ, các em quan niệm rằng cứ chuyển động thẳng nhanh dần đều thì a > 0 và chuyển động chậm dần đều thì a < 0; công thức cộng vận tốc cho phép cộng vận tốc của vật này với vật khác mà không hiểu là công thức cộng vận tốc cho phép tìm được vận tốc của vật trong một hệ qui chiếu nếu biết vận tốc của nó trong hệ qui chiếu khác.

Bên cạnh đó, học sinh nắm chưa vững nguyên nhân của sự rơi nhanh, chậm của các vật trong không khí thậm chí còn mắc sai lầm khi học về phần này; còn lúng túng khi lắp ráp các dụng cụ thí nghiệm; kỹ năng thí nghiệm cũng như xử lý các dữ liệu thực nghiệm còn yếu.

Học sinh chưa được làm quen với cách thiết kế các phương án thí nghiệm nên còn lúng túng, dập khuôn. Khả năng diễn đạt của học sinh chưa tốt, thường lúng túng và ấp úng khi diễn đạt các ý tưởng các vấn đề mà mình hiểu hay muốn nói...

Nguyên nhân dẫn tới sai lầm

Nguyên nhân dẫn đến những sai lầm nói trên, về phía giáo viên, còn ít chú trọng đến việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm mục đích phát huy tính tích cực và phát triển năng lực sáng tạo của học sinh.

Nhiều giáo viên chưa biết cách tổ chức cho học sinh thảo luận và làm thí nghiệm theo nhóm nhằm phát huy tính tích cực, phát triển các kĩ năng thí nghiệm và hình thành kiến thức một cách sâu sắc, vững chắc. Giáo viên chưa sử dụng có hiệu quả các đồ dùng dạy học được trang bị ở trường, ít khi tự làm đồ dùng dạy học.

Về phía học sinh: Chịu ảnh hưởng của cách học thụ động, lại ít được làm thí nghiệm nên kiến thức nắm được còn hời hợt, khi vận dụng dễ mắc sai lầm. Cũng do ít được tiếp xúc với các thí nghiệm nên kĩ năng thực nghiệm yếu, khả năng thu thập và xử lý thông chậm.

Học sinh không được tự tay làm thí nghiệm trên lớp trong giờ xây dựng tri thức mới hay trong giờ thực hành thí nghiệm. Các em chưa từng được tham gia một hoạt động ngoại khoá nào về vật lý và chưa từng được giao nhiệm vụ làm dụng cụ thí nghiệm vật lý nhằm phát huy tính tích cực và phát triển năng lực sáng tạo.

Giải pháp khắc phục

Để khắc phục được những sai lầm nói trên, trước hết nên tổ chức tốt các giờ học nội khoá theo hướng phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của học sinh. Tăng cường hoạt động theo nhóm học sinh, qua đó giúp các em phát huy được hết tính tự lực, tích cực và phát triển năng lực sáng tạo của các em. Cần quan tâm và sử dụng hiệu quả các đồ dùng dạy học được trang bị.

Bên cạnh đổi mới trong dạy học nội khoá, giáo viên cần phải đa dạng hoá hình thức dạy học; tổ chức một số hoạt động ngoại khoá về Vật lý; đặc biệt nên tổ chức cho học sinh làm các dụng cụ thí nghiệm có tính chất đơn giản, rẻ tiền, dễ kiếm trong đời sống hàng ngày.

Nên tận dụng các giờ học tự chọn để làm các hoạt động ngoại khoá nhằm phát huy được tính tích cực và phát triển năng lực sáng tạo của học sinh trong học tập.

Qui trình tổ chức hoạt động ngoại khoá thiết kế thí nghiệm

Để xây dựng được qui trình tổ chức ngoại khoá phù hợp, hấp dẫn, trước hết giáo viên phải lập một kế hoạch cụ thể về nội dung, phương pháp dạy học ngoại khoá và hình thức tổ chức hoạt động ngoại khoá.

Giáo viên hướng dẫn phải thiết kế và thực hiện các phương án thí nghiệm dự kiến giao cho học sinh để phát hiện những khó khăn mà các em có thể gặp phải khi thực hiện nhiệm vụ để từ đó có phương pháp hướng dẫn học sinh phù hợp và hiệu quả.

Để tạo hứng thú cho học sinh trong hoạt động ngoại khoá thì nội dung phải sinh động, hấp dẫn. Bởi vậy, giáo viên có thể tổ chức một buổi để học sinh báo cáo sản phẩm đã chế tạo, kết hợp với các câu hỏi, trò chơi vật lý vui.

Việc tổ chức hoạt động ngoại khoá cho học sinh theo nội dung đã xây dựng trên sẽ giúp trang bị dụng cụ thí nghiệm bổ trợ tốt cho các giờ nội khoá; giúp khắc phục những sai lầm mà học sinh thường mắc phải trong khi học. Hình thành và nâng cao ý thức tự sưu tầm, chế tạo các thí nghiệm phục vụ học tập từ những vật liệu đơn giản, dễ kiếm, rẻ tiền đồng thời rèn luyện kĩ năng khéo léo, trung thực, tỉ mỉ khi tự chế tạo lắp ráp các dụng cụ thí nghiệm.

Hoạt động trên cũng tạo sân chơi vật lý để học sinh được trao đổi, tranh luận trong nhóm và giữa các nhóm với nhau. Thông đó, kỹ năng tổ chức, giao tiếp của học sinh được hình thành và phát triển một cách toàn diện. Đồng thời, hình thành và phát triển năng lực sáng tạo, rèn luyện kĩ năng làm thí nghiệm và trình bày thí nghiệm trước tập thể.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top