Rèn luyện kĩ năng sử dụng câu trong văn bản thuyết minh

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Từ thực tế trên, cô Lê Thị Hà - giáo viên Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) – chia sẻ các phương pháp rèn luyện kĩ năng sử dụng câu trong văn bản thuyết minh cho học sinh THPT, giúp học sinh nắm vững kiến thức và kĩ năng sử dụng câu nói chung và áp dụng vào trong văn bản thuyết minh nói riêng một cách nhuần nhuyễn, đạt hiệu quả giao tiếp cao.

Hình thành tri thức lý thuyết về câu

Chương trình Ngữ văn THPT hiện hành không có bài dạy học lý thuyết về câu trong văn bản. Chương trình lớp 11 có hai bài thực hành: “Thực hành về lựa chọn trật tự các bộ phận trong câu” và “Thực hành về sử dụng một số kiểu câu trong văn bản”. Cô Lê Thị Hà cho rằng, giáo viên có thể kết hợp việc dạy bài thực hành kết hợp với việc hình thành tri thức lý thuyết về câu trong văn bản cho học sinh.

Bước 1: Lựa chọn và cung cấp ngữ liệu. Ngữ liệu phải tiêu biểu, sáng rõ, phù hợp với trình độ và tâm lí học sinh lại vừa đảm bảo tính mẫu mực, trong sáng về ngôn ngữ, tính giáo dục về tư tưởng, tình cảm.

Bước 2: Hướng dẫn cho học sinh phân tích ngữ liệu để thấy được đặc điểm câu trong văn bản.

Bước 3: Tổ chức hướng dẫn học sinh luyện tập để củng cố, khắc sâu tri thức lý thuyết.

Ví dụ: Khi dạy tiết “Thực hành về lựa chọn trật tự các bộ phận trong câu”, giáo viên có thể kết hợp dạy học với việc hình thành tri thức lý thuyết về câu. Bài học thực hành về lựa chọn trật tự từ trong câu đơn và câu ghép. Muốn hình thành tri thức lý thuyết về câu đơn và câu ghép cho học sinh, giáo viên thực hiện qua các bước:

Bước 1: Lựa chọn và cung cấp ngữ liệu. Giáo viên xác định câu đơn, câu ghép; phân tích cấu trúc ngữ pháp; khái niệm về câu đơn và câu ghép.

Bước 2: Hướng dẫn cho học sinh phân tích ngữ liệu để thấy được đặc điểm câu trong văn bản. Giáo viên điều khiển học sinh làm việc theo nhóm. Học sinh muốn xác định đúng câu nào là câu đơn, câu nào là câu ghép thì giáo viên phải gợi mở, hướng dẫn học sinh phân tích cấu trúc ngữ pháp.

Bước 3: Tổ chức hướng dẫn học sinh luyện tập để củng cố, khắc sâu tri thức lý thuyết.

Xây dựng hệ thống bài tập

Muốn rèn luyện kĩ năng sử dụng câu trong văn bản thuyết minh, bài tập phải đảm bảo những yêu cầu sau: Đảm bảo tính khoa học và tính sư phạm ; đảm bảo tính thiết thực; đảm bảo tính hệ thống và phát triển; đảm bảo tính đa dạng và hấp dẫn

Bài tập nhận diện: Bài tập nhận diện là dạng bài tập giúp học sinh nhận diện các loại câu trong văn bản thuyết minh nhằm củng cố lại lý thuyết mà các em đã học. Khi học sinh làm dạng bài tập này, học sinh vừa được khắc sâu lý thuyết và vận dụng lý thuyết vào thực hành.

Bài tập phân tích: Bài tập phân tích là loại bài tập yêu cầu học sinh dựa trên những hiểu biết về ngữ pháp, mục đích giao tiếp để phân tích cách kết hợp của các đơn vị ngôn ngữ trong những sản phẩm giao tiếp nhất định đồng thời chỉ ra hiệu quả, tác dụng của cách kết hợp này. Dạng bài tập này giúp các em có khả năng phân tích các thành phần câu từ đó nắm vững kiến thức về câu.

Bài tập chuyển đổi, bổ sung: Đây cũng là loại bài tập cũng cho trước một ngữ liệu có sẵn, những yêu cầu chuyển đổi ngữ liệu về một phương diện nào đó: về thành phần cấu tạo, về trật tự từ sắp xếp, về kiểu cấu tạo... Loại bài tập này vừa có tác dụng củng cố khái niệm và quy tắc ngữ pháp, vừa góp phần rèn luyện năng lực tạo lập các sản phẩm mới, trước hết là câu, sau cùng tạo lập văn bản.

Bài tập tạo lập: Đây là bài tập yêu cầu học sinh tạo nên một sản phẩm ngôn ngữ theo yêu cầu nào đó. Bài tập rèn luyện kĩ năng sử dụng câu trong văn bản thuyết minh trước hết tạo lập câu rồi đến đoạn văn, văn bản.

Bài tập sửa lỗi: Đây là dạng bài tập yêu cầu học sinh phân tích và sửa lỗi câu trong văn bản thuyết minh nhằm củng cố những kiến thức lý thuyết, luyện kĩ năng sử dụng câu trong văn bản thuyết minh.

Kết hợp rèn luyện kĩ năng sử dụng câu trong văn bản thuyết minh qua giờ làm văn

Ở làm văn, thực hành nằm ngay trong lý thuyết. Giờ làm văn thuyết minh trong chương trình có cả dạng lý thuyết lẫn thực hành. Tùy theo nội dung bài học, giáo viên dạy vừa bám theo chuẩn kiến thức kĩ năng vừa kết hợp nâng cao và rèn luyện cho học sinh. Một trong những kĩ năng quan trọng, đó chính là kĩ năng sử dụng câu.

Giáo viên có thể rèn luyện kĩ năng sử dụng câu trong văn bản thuyết minh theo các phương pháp thuyết minh, với các phương pháp nhỏ: Phương pháp định nghĩa, giải thích; phương pháp liệt kê; phương pháp nêu ví dụ; phương pháp dùng số liệu; phương pháp so sánh; phương pháp phân loại, phân tích; phương pháp chú thích; giảng giải nguyên nhân – kết quả.

Rèn luyện kĩ năng sử dụng câu trong văn bản thuyết minh thông qua luyện tập viết đoạn văn thuyết minh, giáo viên có thể thực hiện với các bước:

Bước 1: Giáo viên ôn tập lại kiến thức về đoạn văn, đoạn văn thuyết minh, kết cấu của văn bản thuyết minh.

Bước 2: Giáo viên hướng dẫn học sinh tìm dàn ý của một đề văn thuyết minh bất kì.

Bước 3: Giáo viên phân mỗi nhóm viết mỗi khía cạnh của dàn ý.

Bước 4: Gọi học sinh đại diện mỗi nhóm lên trình bày.

Bước 5: Giáo viên nhận xét, bổ sung, sửa chữa.

Rèn luyện kĩ năng sử dụng câu trong văn bản thuyết minh thông qua việc trả bài kiểm tra, giáo viên có thể thực hiện với các bước cơ bản như sau:

Bước 1: Dẫn nhập.

Bước 2: Yêu cầu học sinh nhắc lại đề bài kiểm tra, giáo viên ghi lên bảng.

Bước 3: Xác định yêu cầu của đề ra: kiến thức, đối tượng, phạm vi, phương pháp thuyết minh, yêu cầu cần đạt…Giáo viên gạch dưới những từ “khóa” của đề bài.

Bước 4: Lập dàn ý cho đề bài.

Bước 5: Đánh giá kết quả chung bài làm của lớp. Nhận xét về ưu và khuyết điểm của học sinh. Giáo viên đưa ra những dẫn chứng từ trong bài làm của học sinh, đọc lên cho cả lớp nghe. Giáo viên lựa chọn bài viết tốt nhất của học sinh để đọc trước lớp.

Bước 6: Trả bài.

Bước 7: Sửa lỗi câu trong văn bản thuyết minh. Giáo viên chuẩn bị bảng phụ, tổng kết những lỗi điển hình trong lớp để học sinh lên bảng sửa. Những lỗi về câu, giáo viên sẽ để riêng một phần để nhiều học sinh lên sửa.

Giáo viên lựa chọn những lỗi tiêu biểu của học sinh để cả lớp cùng sửa. Mỗi câu sẽ có nhiều cách sửa, giáo viên lựa chọn các cách sửa tối ưu, chính xác. Mỗi học sinh sẽ tìm ra những lỗi không giống nhau, cách sửa khác nhau. Từ đó, giáo viên tạo điều kiện để học sinh phát huy tính tích cực.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top