Rèn kỹ năng trình bày ý kiến trong học nhóm

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Theo thầy Tô Ngọc Sơn, một trong những nguyên nhân khiến học sinh không thể mạnh dạn trình bày, nêu ý kiến là do chưa có kiến thức vững chắc, sợ nói sai, sợ bạn chê cười.

Để tránh tình trạng trên, giáo viên cần đầu tư nghiên cứu soạn các câu hỏi thảo luận sao cho thật ngắn gọn, có yêu cầu cụ thể, rõ ràng phù hợp với trình độ học sinh để các em dễ hiểu, nắm chắc kiến thức và tự tin hơn trong thảo luận.

Giáo viên tuyệt đối không phê bình ngay ý kiến trả lời của học sinh (cho là các em đã trả lời không đúng) mà nhờ một em khác nhận xét, giải thích, nêu ý kiến để các em thấy rõ được điều đúng, sau đó giáo viên tổng kết lại. Nếu học sinh có ý kiến trả lời xuất sắc thì đề nghị tuyên dương ngay.

Hạn chế thứ 2 của học sinh khi học nhóm là phần lớn các em chưa biết cách trình bày ý kiến phải bắt đầu như thế nào, trình bày ra sao?

Để học sinh có thể thay phiên nhau trình bày ý kiến của nhóm mà không bị lúng túng, thầy Tô Ngọc Sơn cho biết, ngay từ đầu năm học, giáo viên hướng dẫn cho các em các câu nói mở đầu và kết thúc phần trình bày của mình.

Ví dụ: Khi bắt đầu trình bày, học sinh có thể nói: “Thưa cô và các bạn, ý kiến của nhóm em hoặc ý kiến của nhóm em là…”.

Sau đó, học sinh nhìn vào phiếu thảo luận đọc các ý kiến. Khi trình bày xong, các em có thể nói: “ Đây là ý kiến của nhóm em, mời cô và các bạn nhận xét hoặc có ý kiến…”

Đối với học sinh chưa quen với cách học này hay những em còn rụt rè, nhút nhát thì khi biết cách để trình bày lời nói mở đầu hay kết thúc, phần nào giúp các em mạnh dạn hơn, tự tin hơn khi đứng nói trước lớp.

Với phần nhận xét ý kiến của bạn, đa số học sinh lúng túng. Vì thế, khi gọi các em nêu ý kiến nhận xét, giáo viên cần phải nêu rõ yêu cầu, gợi ý rõ phải nhận xét những gì, nhận xét như thế nào.

“Tôi luôn tạo không khí vui tươi, kích thích sự hứng thú khi trình bày của học sinh bằng cách “đặt tên gọi” cho mỗi cuộc thảo luận nhóm, “vinh danh” cho các em có phần trình bày xuất sắc tương ứng với tên gọi của cuộc thảo luận đó.

Đồng thời, luôn động viên khen thưởng các nhóm hay cá nhân nào đã có những ý kiến hoặc trình bày tốt như khen và cả lớp thưởng cho tràng pháo tay, thưởng cho bạn một bông hoa, hoặc một điểm 10…” – thầy Tô Ngọc Sơn chia sẻ.

Chuẩn bị của giáo viên

Giáo viên cần nghiên cứu kỹ chương trình, nội dung bài dạy, soạn kế hoạch bài học chu đáo. Thực hiện các phiếu học tập, phiếu giao việc để học sinh ghi ý kiến thảo luận của nhóm.
Đặc biệt, giáo viên cần soạn được hệ thống câu hỏi, hình thức tổ chức hoạt động nhóm cụ thể vừa sức, kích thích được sự hứng thú trong học tập.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top