Rèn kỹ năng lập luận qua hệ thống bài tập Ngữ văn

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Dạng bài tập phân tích ngữ liệu

Ví dụ 1: Tìm và phân tích các luận điểm, luận cứ và phương pháp lập luận trong đoạn trích ở bài Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX (Ngữ văn 10, tập 1, 109) sau đây:

Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại cũng rất phong phú, đa dạng, biểu hiện ở lòng thương người; lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo chà đạp lên con người; khẳng định, đề cao con người về các mặt phẩm chất, tài năng, những khát vọng chân chính như khát vọng về quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền tự do, khát vọng về công lí, chính nghĩa; đề cao những quan hệ đạo đức, đạo lí tốt đẹp giữa người với người (…)

Ví dụ 2: Tìm hiểu đoạn trích sau đây và cho biết: Tác giả muốn chứng minh điều gì? Để làm rõ điều phải chứng minh, tác giả đã sử dụng những thao tác nghị luận chủ yếu nào? Cách dùng những thao tác nghị luận đó hay ở chỗ nào?

“Thơ Nôm Nguyễn Trãi đã tiếp thu nhiều thành tựu của văn hoá dân gian, văn học dân gian. Củ khoai, quả ổi, bè rau muống, luống dọc mùng… vốn rất xa lạ với văn chương bác học đã được Nguyễn Trãi đưa vào thơ Nôm của mình một cách rất tự nhiên”. (…)

Theo cô Trinh, đây là dạng bài tập phổ biến nhất và xuất hiện trước nhất trong tất cả các bài học lý thuyết cũng như thực hành.

Xuất hiện ở phần Lý thuyết, bài tập này có tác dụng làm ngữ liệu mẫu giúp GV hướng dẫn HS tìm hiểu bài, trên cơ sở phân tích ngữ liệu để hình thành khái niệm và rút ra kết luận cuối cùng.

Xuất hiện ở phần Luyện tập, bài tập này có tác dụng củng cố kiến thức, giúp HS vận dụng những kiến thức vừa được học vào phân tích, giải quyết bài tập, từ đó ghi nhớ kiến thức lâu hơn.

Rèn luyện kỹ năng lập luận qua dạng bài tập phân tích ngữ liệu là một phương pháp rèn luyện hữu hiệu, thống nhất với cách dạy học theo nguyên tắc quy nạp ở trường THPT.

Đồng thời, trong quá trình làm những bài tập này, HS sẽ được học tập cách lập luận, cách tạo lập một đoạn văn (bài văn) nghị luận khá chuẩn mực của những tác giả nổi tiếng.

Đây sẽ là nguồn tư liệu phong phú và có giá trị cao đối với các em trên con đường học tập và rèn luyện kỹ năng lập luận của mình.

Dạng bài tập vấn đáp về các thao tác lập luận

Ví dụ: Đoạn trích sau đây có sử dụng thao tác bình luận không? Căn cứ vào đâu để anh (chị) có thể kết luận là có (hoặc không)?

“Trong lĩnh vực tai nạn giao thông, thần chết là một kẻ mù loà, không hề phân biệt người tốt và kẻ xấu khi đưa ngang lưỡi hái vào mạng sống của ai đó. Nhất là khi thần chết đồng hành cùng những “sát thủ” trên đường phố”.

Cô Hà Thị Mỹ Trinh cho biết: Nhìn chung kiểu bài tập này thường đi kèm thao sau bài tập phân tích ngữ liệu.

Đây là dụng ý của SGK vì sau khi đọc, tìm hiểu và phân tích ngữ liệu HS đã có được một vốn kỹ năng nhất định để có thể thực hành rèn luyện một thao tác cụ thể. Với dạng bài tập này, HS phải tư duy nhiều hơn vì độ khó của nó cao hơn bài tập phân tích ngữ liệu.

Tuy nhiên, bài tập vấn đáp trong SGK có khi đơn thuần chỉ là những câu hỏi về lý thuyết để củng cố kiến thức cho HS.

Ví dụ: Có người cho rằng biện luận chẳng qua chỉ là sự kết hợp của hai kiểu lập luận giải thích và chứng minh. Nhận xét ấy đúng hay không đúng? Vì sao?

Tất nhiên, những câu hỏi này rất ít gặp, vì SGK hiện hành đã có phần Ghi nhớ dùng để củng cố lý thuyết cho HS . Song, cũng có khi bài tập vấn đáp được thể hiện ở dạng những yêu cầu thực hành mang tính tổng hợp cao, gần như là một đề làm văn.

Ví dụ: Phân tích vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật trong Tự tình (bài II); Trong lớp có bạn cho rằng: không kết bạn với những người học yếu. Anh (chị) hãy bác bỏ quan niệm đó.

Những bài tập thế này đòi hỏi HS phải mất nhiều thời gian, công sức, bởi vì nó mang tính tổng hợp, khái quát, yêu cầu HS phải vận dụng tất cả những kiến thức, năng lực cảm thụ văn học kết hợp với các thao tác nghị luận mới có thể làm bài được.

Nhưng cô Trinh cho rằng, trên thực tế, rất ít HS làm những bài tập này, hoặc là bỏ qua không quan tâm vì nó vượt quá quy mô và tính chất của một bài tập, do đó chưa phát huy được hiệu quả của bài tập thực hành.

Dạng bài tập viết đoạn văn nghị luận

So với những dạng bài tập nêu trên thì bài tập viết đoạn văn nghị luận đáp ứng được sự lựa chọn làm đơn vị để rèn luyện kỹ năng sản sinh văn bản, vì nó có khả năng sản sinh đầy đủ đặc trưng cấu tạo văn bản, nó là một văn bản nhỏ. Với dung lượng gọn, ngắn, đoạn văn thích hợp với điều kiện luyện tập (luyện viết cả bài văn dài thường khó hơn.

Ví dụ: Viết một đoạn văn nghị luận sao cho đạt được các yêu cầu sau đây:

Đề cập tới một chủ đề đang được đặt ra cấp thiết trong đời sống (mục đích động cơ học tập, phòng chống tệ nạn xã hội, đề phòng tai nạn giao thông…); Sử dụng hiệu quả một hoặc nhiều thao tác nghị luận vừa được học.

Qua những đoạn văn nghị luận cụ thể, GV sẽ đánh giá được năng lực lập luận của mỗi HS, biết được những lỗi lập luận mà HS thường mắc phải, từ đó giúp các em khắc phục nhược điểm của mình.

Vì vậy, SGK đặc biệt chú trọng đến dạng bài tập này. Mục đích là giúp HS sử dụng thành thạo các thao tác lập luận, rèn kỹ năng lập luận; đồng thời rèn kỹ năng viết đoạn cho HS.

Tuy nhiên, theo cô Trinh, phần lớn HS đều cảm thấy khó khăn khi làm dạng bài tập viết đoạn văn nghị luận; có em còn bỏ qua không làm những bài tập này; còn GV thì nhiều khi lại lơ là trong việc theo dõi qua trình rèn luyện của HS.

Dạng bài tập có hướng dẫn các bước rèn luyện KNLL

Đây là dạng bài tập có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình rèn luyện KNLL của HS, cũng là dạng bài tập mà giáo viên rất quan tâm.

Bài tập này khá mới mẻ và thiết thực. Nó góp phần khắc phục những hạn chế của GV trong việc giảng dạy lý thuyết cũng như việc hướng dẫn HS vận dụng lý thuyết vào thực hành như thế nào để đạt hiệu quả cao.

Với bài tập này, HS sẽ cảm thấy dễ dàng hơn trong việc luyện tập, hiểu bài sâu sắc hơn và nắm vững kỹ năng làm bài hơn. Tuy nhiên, dạng bài tập này trong SGK hiện nay vẫn còn rất ít.

Ví dụ: Anh (chị) được giao viết một bài bình luận để tham gia diễn đàn do Đoàn thanh niên nhà trường tổ chức với đề tài: “Lời ăn tiếng nói của một HS văn minh, thanh lịch”.

Hãy xác định rõ: Vì sao bài văn anh (chị) viết để tham gia diễn đàn nên là một bài bình luận? Anh (chị) định chọn vấn đề cụ thể nào cho bài viết của mình: bàn về toàn bộ hay chỉ đi vào một khía cạnh của đề tài đó (Ví dụ: chống nói tục; “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, biết nói “cảm ơn” và “xin lỗi”; dùng cách nói nhã nhặn mà không làm mất đi sự chân thành, …)? Bài văn ấy nên viết theo dàn ý như thế nào?

Dạng bài tập sửa lỗi lập luận

Dạng bài tập này được dùng chủ yếu trong bài học Chữa lỗi lập luận và Thực hành chữa lỗi lập luận.

Mục đích của dạng bài tập này là giúp HS phát hiện, phân tích và sửa chữa được các lỗi về lập luận; đồng thời rèn kỹ năng tạo các đoạn văn có lập luận chặt chẽ, sắc sảo.

Ví dụ: Tìm hiểu những đoạn văn và cho biết việc nêu luận điểm mắc lỗi gì? Hãy chữa lại những đoạn văn trên để nêu rõ luận điểm cần trình bày.

“Cảnh vật trong bài thơ “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến thật là vắng vẻ. Ngõ trúc quanh co, sóng nước gợn tí, lá vàng đưa veo, chiếc thuyền bé tẻo teo… Cảnh vật dường nhu ngưng đọng, im lìm. Bởi vậy, nét bút của Nguyễn Khuyến đã tạo dựng thành công cảnh sắc im ắng ấy”.

Ngoài những dạng bài tập nêu trên, SGK còn yêu cầu HS sưu tầm những đoạn văn (bài văn) hay mà trong đó tác giả đã sử dụng một thao tác lập luận hoặc kết hợp thành công các thao tác lập luận khác nhau.

Đồng thời, SGK cũng cung cấp cho HS những bài Đọc thêm có liên quan đến nội dung bài học để các em có thể tham khảo trong quá trình học tập và rèn luyện KNLL.

Những ưu điểm và hạn chế của hệ thống bài tập rèn KNLL trong SGK

Cô Trinh nhận định: Nhìn chung hệ thống bài tập rèn luyện KNLL của SGK khá đa dạng, ở mỗi dạng bài tập lại có những ưu điểm riêng (như đã trình bày trên đây).

Nếu xét về tương quan giữa bài học và bài tập, giữa lý thuyết và thực hành thì bài tập thực hành chiếm phần lớn. Đây là một bước tiến mới trong dạy – học Làm văn nói chung cũng như dạy – học KNLL nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều ưu điểm thì hệ thống bài tập của SGK vẫn còn những hạn chế nhất định. Chúng ta biết rằng học Làm văn cốt là ở thực hành; HS càng chú trọng rèn luyện KNLL qua việc làm nhiều bài tập thì năng lực lập luận càng tốt, bài làm văn mới đạt kết quả cao. Nhưng qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy:

Số lượng bài tập trong SGK vẫn còn ít. Hầu hết các bài học chỉ có khoảng hai đến ba bài tập, có bài chỉ có một bài tập (ví dụ bài Thao tác lập luận so sánh). Sự phân bố của các dạng bài tập trong một đơn vị bài học cũng không đều và không đa dạng.

Hệ thống bài tập của SGK chủ yếu xoay quanh vài dạng quen thuộc như: Bài tập phân tích ngữ liệu, bài tập vấn đáp về thao tác lập luận, bài tập viết đoạn văn có vận dụng một (/một số) thao tác lập luận, bài tập sửa lỗi lập luận.

Ở dạng Bài tập phân tích ngữ liệu, tuy có rất nhiều ưu điểm nhưng SGK cũng chỉ dừng lại ở việc đưa ra những ngữ liệu mang tính chuẩn mực của các tác giả có tên tuổi, mà chưa mạnh dạn đưa ra những ngữ liệu do chính HS tạo lập.

“Chúng tôi cho rằng, việc học tập được rút ra từ những cái sai của chính HS cũng là một phương pháp dạy học tích cực, vừa thiết thực, vừa gần gũi với các em” – cô Trinh nên quan điểm.

Ở dạng Bài tập vấn đáp về các thao tác lập luận có những bài tập mà hình thức giống như một đề làm văn, lại không có những hướng dẫn cụ thể để HS làm bài. Cho nên, những bài tập này là quá sức của HS, các em thường bỏ qua bài tập này hoặc có làm cũng không đạt hiệu quả.

Dạng Bài tập đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho HS rèn luyện KNLL là dạng bài tập được đánh giá cao nhưng còn ít ỏi trong hệ thống những bài tập của SGK.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top