Rèn kỹ năng bình văn

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Bình bằng lời nhận xét trực tiếp

Trao đổi về cách bình bằng lời nhận xét trực tiếp, cô Lê Thị Biên cho rằng, với cách bình này, người viết trực tiếp bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc, sự thán phục, say mê của bản thân trước cái hay, cái đẹp của áng văn, tài năng và tâm hồn của tác giả.

Ví dụ: Khi nhận xét về văn phong của Nguyễn Tuân có người nhận xét: “Văn như thế thật tuyệt” bởi sự tài hoa uyên bác trong miêu tả, góc nhìn, góc khám phá mang tính thẩm mĩ; sự chắt lọc đến cầu kì; sự sáng tạo đến táo bạo trong sử dụng ngôn ngữ.

Như vậy, làm được kỹ năng này người viết cần tìm hiểu phong cách nghệ thuật của nhà văn bởi đối tượng của bình giảng văn học bao giờ cũng là những phần đặc sắc nhất, những yếu tố hội tụ phong cách nổi bật và tư tưởng lớn của nhà văn.

Vậy nên, người học sinh cần nắm chắc phong cách nghệ thuật của nhà văn đó. Lấy phong cách làm cơ sở để bình giảng, để tìm những dấu hiệu đặc sắc về nghệ thuật.

Ví dụ nếu phải bình giảng một số đoạn trong Chữ người tử tù hay Người lái đò sông Đà, học sinh phải hiểu sâu phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân: nét tài hoa uyên bác trong miêu tả, góc nhìn, góc khám phá mang tính thẩm mĩ; sự chắt lọc đến cầu kì; sự sáng tạo đến táo bạo trong sử dụng ngôn ngữ hay chất nhạc trong văn mà ông cho rằng “Câu văn phải biết co duỗi nhịp nhàng” rồi cái “ ngông” của Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng có thay đổi nhất định. Bình văn ông phải làm sáng lên vẻ đẹp phong cách nghệ thuật độc đáo ấy.

Mở rộng cảm nhận, liên tưởng của người viết hoặc huy động vốn sống, vốn hiểu biết của người bình

Theo cô Lê Thị Biên, vách bình này có tác dụng mở rộng vấn đề, khơi gợi sức sống, nội dung của vấn đề cần bình.

Ví dụ: Khi cảm nhận đoạn văn cuối trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam có em viết: “Không hiểu sao khi đọc đoạn văn tôi tưởng như đọc một đoạn dằn vặt nội tâm nào đó trong bi kịch của Sếch-xpia. Hai đứa trẻ cũng là một bi kịch mà thôi”

Cũng theo cô Lê Thị Biên, có thể mở rộng những cảm nhận liên tưởng bằng cách khám phá chất nhạc, tính nhạc của lời văn (yếu tố nhạc trong thơ rất rõ, bình chất nhạc trong thơ cũng quen thuộc hơn). Đối với văn xuôi thực sự là khó hơn, song không phải là không làm được.

Trong văn xuôi, chất nhạc, tính nhạc thường tập trung ở một số phần, một số đoạn tiêu biểu. Những đoạn văn trở thành đối tượng của bình giảng thông thường đều có chất nhạc.

Ví dụ đoạn mở đầu truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam: Chiều, chiều rồi, một buổi chiều êm ả như ru.” Câu văn không chỉ có nghĩa thông tin mà quan trọng để lại một nhịp điệu chậm buồn. Nhịp văn này rất lạ: âm hưởng thì nhẹ nhàng, mà cái tình thì không thảnh thơi. Câu văn cứ da diết ám ảnh người đọc…

Trong khi đó nhạc điệu của đoạn mở đầu của truyện Chí Phèo lại nhanh mạnh, sôi động - điều ấy diễn tả những diễn biến dữ dội, phức tạp trong tâm trạng Chí Phèo, nó chuyển tải được chính cái giọng điệu uất ức, ai oán, thù hận mà cũng đang khao khát hòa nhập đến đau đớn của Chí, một trạng thái bế tắc tuyệt vọng…

Nhịp điệu đoạn văn là hình ảnh của cơn vật vã trong bi kịch cuộc đời của người nông dân khốn khổ đó. Đặc biệt là với Nguyễn Tuân - một người với yêu cầu rất cao về tính nhạc trong văn. Nhà văn tài hoa này từng quan niệm: “Văn không có nhạc là thứ văn thấp khớp, nằm thẳng đơ trên trang giấy, câu văn cũng phải biết co duỗi một cách nhịp nhàng”

Vì thế khi dạy Người lái đò sông Đà, giáo viên cần hướng dẫn học sinh cảm nhận chất nhạc trong hai đoạn tiêu biểu: Đoạn miêu tả cuộc vượt thác dữ và đoạn tả cảnh sắc hai bên bờ sông vùng hạ lưu sông Đà … Một nhịp nhanh, gằn, mạnh, âm thanh phức tạp hỗn loạn…/ một nhịp chậm, nhẹ, đều, cảm giác về sự thanh thoát, khoáng đạt, thanh khiết, tĩnh lặng…

“Thực ra, nhạc văn chính là hồn, là sinh khí của văn. Yêu cầu đặt ra đối với bài văn của học sinh giỏi là làm sống dậy đầy đủ cái hồn và nguồn sinh khí ấy. Làm được công việc này tức là bài viết của các em đã thực sự thuyết phục được người đọc .

Với cách bình này, bài văn của học sinh rất giàu hình ảnh và cảm xúc. Tuy nhiên giáo viên cần lưu ý học sinh cần đi vào trọng tâm, nếu lạm dụng sẽ rơi vào lan man, sa đà” – cô Lê Thị Biên lưu ý.

Bình bằng cách đưa ra ý kiến nhận xét của người khác

Với cách này, cô Lê Thị Biên cho biết: Trong bài viết, giáo viên cần hướng dẫn học sinh nhiều khi không cần đưa ra lời bình trực tiếp của mình mà có thể trích dẫn ý kiến của các nhà phê bình khác có uy tín.

Những ý kiến đó không chỉ đúng mà còn hay, xác đáng: “Nguyễn Du viết Truyện Kiều như máu rỏ trên đầu ngọn bút, nước mắt thấm qua trang giấy” (Mộng Liên Đường) hay “Truyện Kiều nói mãi không cùng” (Trần Đình Sử).

Trong bài văn bình giảng, hai thao tác giảng và bình phải được kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn. Bình phải tựa vào giảng để đào sâu, thăng hoa cất cánh. Bình mà lặp lại lời giảng thì lời bình nhạt mất đi cái sắc sảo của bài viết.
Bình mà không xuất phát từ giảng thì dễ đi xa, lan man tán rộng. Ngược lại, giảng mà không bình thì dễ cạn nông, bài viết khô khan. Có nhiều bài giảng của học sinh bị lấn sang bài phân tích là do giảng quá đã lấn sang bình. Vì thế, giáo viên cần rèn cho học sinh kết hợp nhuần nhuyễn giữa giảng và bình để bài viết linh hoạt vừa có sự thăng hoa của cảm xúc vừa có sự đào sâu của trí tuệ.

Các cách bình giảng là: Bình giảng có khi sóng đôi, song hành; có khi bình trước giảng sau; có khi giảng xong mới bình.

Cô Lê Thị Biên
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top