Quy trình dạy viết, nói tiếng Anh theo phương pháp dạy học tích cực

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Quy trình và những lưu ý khi dạy kỹ năng viết

Theo giảng viên Phạm Thị Hằng Nga, dạy viết tiếng Anh theo phương pháp giảng dạy tích cực được thực hiện theo quy trình như sau:

Trước khi biết: Giới thiệu bài viết mẫu; yêu cầu sinh viên đọc kĩ để tìm hiểu cấu trúc của bài viết (lưu ý cách diễn đạt ngôn ngữ trong văn bản viết); giáo viên cần làm rõ nghĩa từ mới và mẫu câu.

Trong khi viết: Giáo viên nêu yêu cầu bài viết và có thể cho gợi ý. Giáo viên thảo luận theo cặp hoặc nhóm, sau đó cá nhân sinh viên tự viết.

Sinh viên cần bám sát vào bài viết mẫu, các gợi ý để viết theo yêu cầu. Giáo viên gọi vài sinh viên (đại diện nhóm) trình bày bài viết trước lớp. Giáo viên sửa lỗi và đưa ra đáp án gợi ý.

Sau khi viết: Sinh viên có thể trình bày lại bài viết (dưới dạng nói). Giáo viên yêu cầu sinh viên viết một bài theo tình huống gợi ý tương tự (bài viết mới liên hệ thực tế, mang tính sáng tại và tự do hơn).

Một số lưu ý với giáo viên khi tiến hành hoạt đông dạy kĩ năng viết

Để thực hiện bài này, giáo viên cần làm tốt phần hướng dẫn mẫu qua các bài tập đọc và phát hiện, sau đó giải thích yêu cầu bài viết.

Cần làm rõ tình huống và yêu cầu bài viết, nên cho các gợi ý nếu cần. Để làm tốt phần gợi ý, nên khai thác sự đóng góp ý kiến của cả lớp hay nhóm trước khi sinh viên làm việc cá nhân.

Nhìn chung, để tiết kiệm thời gian trên lớp, các bài tập viết sau khi đã hướng dẫn đều có thể dành làm bài tập về nhà và chữa tại lớp.

Quy trình và những lưu ý khi dạy kĩ năng nói

Theo giảng viên Phạm Thị Hằng Nga: Sau phần giới thiệu ngữ liệu và phần luyện tập nói với các hình thức bài tập và hoạt động ở mỗi bài có khác nhau, nhằm luyện tập sử dụng các trọng tâm cấu trúc ngữ pháp, hay từ vựng để diễn đạt các chức năng ngôn ngữ theo các chủ đề và tình huống có liên quan đến bài học.

Quy trình luyện nói theo phương pháp dạy học tích cực bao gồm:

Chuẩn bị nói: Giới thiệu bài nói mẫu (những phát ngôn riêng lẻ hay một bài hội thoại); yêu cầu sinh viên luyện đọc (chú ý cách phát âm và nghĩa của từ mới); giáo viên dùng câu hỏi gợi mở để sinh viên tự rút ra cách sử dụng từ và cấu trúc câu); giáo viên yêu cầu bài nói.

Luyện nói có kiểm soát: Sinh viên dựa vào tình huống gợi ý để luyện nói theo yêu cầu. Sinh viên luyện nói theo cá nhân/cặp/nhóm dưới dự kiểm soát của giáo viên.

Giáo viên gọi cá nhân hoặc cặp sinh viên trình bày phần thực hành nói theo yêu cầu. Sau đó, luyện nói tự do. Sinh viên nói về kinh nghiệm bản thân, bạn bè, người thân trong gia đình hoặc về quê hương, đất nước, nơi mình ở…

Giáo viên không nên hạn chế về ý tưởng cũng như ngôn ngữ. Nên để sinh viên tự do nói, phát huy khả năng sáng tạo của bản thân.

Để thực hiện nội dung trên, giáo viên lưu ý:

Cần phối hợp sử dụng thường xuyên các hình thức luyện tập nói theo cặp hoặc theo nhóm để sinh viên có nhiều cơ hội sử dụng tiếng Anh trong lớp, qua đó cảm thấy tự tin và mạnh dạn hơn trong giao tiếp.

Cần hướng dẫn cách tiến hành, làm rõ yêu cầu bài tập hoặc gợi ý hay cung cấp ngữ liệu trước khi cho sinh viên làm việc theo cặp, nhóm. Việc hướng dẫn, gợi ý cho phần luyện nói rất cần sự sáng tạo và thủ thuật phong phú của giáo viên, không nên chỉ bám sát thuần túy vào sách.

Ngữ cảnh cần được giới thiệu rõ ràng, sử dụng thêm các giáo cụ trực quan để gợi ý hay tạo tình huống.

Có thể mở rộng tình huống, khai thác các tình huống có liên quan đến chính hoàn cảnh sống xung quanh của sinh viên, khuyến khích liên hệ tình hình cụ thể của chính cuộc sống thật của người học.


Bài trao đổi được biên tập từ tham luận của giảng viên Phạm Thị Hằng Nga (Trường ĐH Đại Nam) tại hội thảo "Đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực người học tại các cơ sở đào tạo đại học ngoài công lập"
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top