Phương pháp sử dụng video tạo hứng thú trong giờ học Tiếng Anh

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Tạo hứng thú trong giờ Tiếng Anh từ phần Warm–up

Warm – up là hoạt động đầu tiên trong giờ học tiếng Anh; tạo ra không khí và hứng thú cho học sinh trong phần còn lại của giờ học.

Đây cũng là phần giúp học sinh suy nghĩ và tập trung vào bài học ngay từ đầu, có thể cung cấp một phần từ vựng hay kiến thức nền liên quan đến chủ đề bài học. Phần Warm – up đồng thời giúp giáo viên có cơ hội để phân loại và đánh giá khả năng của học sinh, từ đó có những điều chỉnh phù hợp với bối cánh thực tế của lớp.

Nhận định của cô Nguyễn Thị Dinh, trong nhiều giờ học tiếng Anh, chủ yếu phần Warm – up được dùng để kiểm tra từ mới. Hoạt động này khi kéo dài liên tục sẽ làm cho học sinh thấy áp lực và kém hứng thú.

Bên cạnh đó, học sinh thường học một cách chống đối để lấy điểm. Các giờ học trở lên buồn tẻ, gượng gạo ngay từ giây phút đầu tiên. Kết quả là giờ học không hiệu quả, học sinh không đáp ứng được yêu cầu cơ bản của môn học.

“Trong khi đó, các video clip khác nhau với những hình ảnh sống động và những đoạn hội thoại đầy thú vị liên quan đến chủ đề của bài học trong các giờ hội giảng lại làm cho học sinh bị lôi cuốn, hứng thú ngay từ đầu. Sử dụng video clip có tác dụng vượt trội so với các phương pháp khác trong phần học này” – cô Nguyễn Thị Dinh khẳng định.

Những minh họa cụ thể sử dụng video clip ở phần warm-up

Unit 1 - Topic “Daily activities” - Part A: Reading (Tiếng Anh lớp 10):

Phần này, cô Nguyễn Thị Dinh thường thực hiện trong 8- 10 phút (có kết hợp cả phần before you read); chia lớp thành 4 nhóm, yêu cầu học sinh chú ý xem đoạn video clip về các hoạt động hàng ngày, có minh hoạ bằng hình ảnh trên nền một bài hát nhẹ nhàng, đồng thời phải viết được các hoạt động nhìn thấy trên màn hình theo thứ tự xuất hiện.

Sau đó, gọi đại diện của 4 nhóm công bố đáp án của họ trước lớp (dưới dạng trò chơi). Tiếp theo, chiếu lại đoạn video clip, và cùng cả lớp kiểm tra lại đáp án.

Bằng cách này, người dạy không chỉ thu hút sự chú ý của học sinh ngay từ đầu mà còn cung cấp cho người học một số cấu trúc hay dùng để nói về hoạt động hàng ngày của mình bằng tiếng Anh. Từ đó, học sinh có thể bắt trước và thực hành dễ dàng hơn.

Unit 3: Topic “People’s background” - Part A: Reading (Tiếng Anh 10):

Phần này thực hiện trong vòng 7 - 8 phút gồm cả phần before you read. Giáo viên yêu cầu học sinh làm việc theo nhóm 4 người, theo dõi đoạn video và kể lại về cuộc đời của Marie Curie.

Giáo viên tạo một video clip về Marie Curie dưới dạng một câu chuyện kể bằng tranh trên nền nhạc nhẹ nhàng. Sau đó, gọi một học sinh đại diện lên kể về cuộc đời của Marie Curie trước lớp theo trí nhớ của họ sau khi xem đoạn video và dẫn vào bài học.

Với phần này, học sinh sẽ tâp trung tới nội dung của bài học hơn. Không những thế, còn có cơ hội mở rộng kiến thức về những người nổi tiếng của Việt Nam và thế giới và cả cách nói về tiểu sử của người nào đó.

Unit 1: Friendship (Tiếng Anh 11):

Với thời gian 8 - 9 phút, gồm cả phần before you read, giáo viên yêu cầu học sinh xem đoạn video clip của bài hát Friends are quiet angels và liệt kê những điều tốt đẹp nhận được từ bạn bè thể hiện trong bài hát này. Sau đó, chiếu đoạn video; gọi học sinh trả lời câu hỏi; dẫn vào bài học.

Unit 8: “Topic celebrations”: Part A- Reading (Tiếng Anh 11):

Trong bài này, giáo viên có thể chiếu những hình ảnh đặc trưng của lễ hội nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới với âm nhạc phù hợp. Học sinh sẽ đoán tên các lễ hội theo những hình ảnh gợi ý đó.

Giáo viên gọi học sinh trả lời; sau đó, chiếu lại đoạn video đó để đối chiếu; cuối cùng giáo viên dẫn vào bài.

Phần này không những thu hút sự chú ý của học sinh mà còn là cơ hội để học sinh mở rộng tầm hiểu biết về văn hoá và vốn từ vựng liên quan đến chủ đề bài học.

Unit 1: “Topic Home life” - Part A- Reading (Tiếng Anh 12):

Trong bài này, giáo viên chiếu một loạt các hình ảnh về các hoạt động diễn ra ở nhà, chạy trên nền bài hát phù hợp và yêu cầu các học sinh làm việc theo nhóm 4 - 5 người, viết tên các hoạt động theo thứ tự xuất hiện. Giáo viên gọi học sinh đại diện thông báo kết quả của các đội.

Trong bài này, học sinh không chỉ cải thiện được khả năng làm việc theo nhóm mà con giúp họ nâng cao vốn từ vựng liên quan đến bài học. Kết quả là người học sẽ trở nên năng động hơn.

Unit 8: Topic “Life in the future – Reading” (Tiếng Anh 12):

Giáo viên chiếu một đoạn phim khoa học viễn tưởng về cuộc sống tương lai và yêu cầu các học sinh bày tỏ tình cảm của mình về tương lai. Sau đó, gọi học sinh trả lời; giáo viên dẫn vào bài học.

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Dinh, sau khi áp dụng phương pháp này, học sinh chú ý vào bài học nhiều hơn, sự linh hoạt và chủ động trong thực hành Tiếng Anh cũng được cải thiện rõ rệt.

Ngày càng nhiều học sinh có thể nói Tiếng Anh trôi chảy và tự tin. Việc chuẩn bị bài và làm bài tập ở nhà được thực hiện một cách chủ động và tự giác hơn. Khả năng phát âm của học sinh cũng tiến bộ đáng kể. Ngoài ra, tinh thần làm việc theo cặp, nhóm cũng được khai thác triệt để và hiệu quả hơn trước đây.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top