Phương pháp làm kiểu bài cảm thụ văn học trong thế đối sánh

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Cảm thụ văn học trong thế đối sánh là kiểu bài đã và đang được coi trọng trong hoạt động thi cử, không chỉ thi học sinh giỏi mà cả trong các kì thi đại học những năm gần đây.


Để giải quyết tốt yêu cầu của các đề văn so sánh, thầy Tiết Tuấn Anh - Giáo viên tổ Văn (Trường THPT Chuyên Hưng Yên - tỉnh Hưng Yên) cho rằng, học sinh cần được trang bị những hiểu biết về kiểu bài, phương pháp làm bài cũng như thường xuyên được thực hành, rèn luyện kỹ năng.

Đồng thời, mài sắc năng lực cảm thụ văn học trong thế đối sánh là điều rất cần thiết với học sinh giỏi môn Ngữ văn. Đây cũng là điều cần đặc biệt lưu tâm của các giáo viên trong hoạt động bồi dưỡng học sinh chuyên văn.

Đúc rút từ thực tế giảng dạy, thầy Tiết Tuấn Anh đã chia sẻ những kinh nghiệm để triển khai hệ thống ý khi giải quyết yêu cầu của đề văn đối sánh cũng như đưa ra từng lưu ý cụ thể cho mỗi dạng bài.

Giải quyết yêu cầu của đề văn đối sánh

Theo thầy Tiết Tuấn Anh có hai cách thông dụng để triển khai hệ thống ý khi giải quyết yêu cầu của đề văn đối sánh:

Cách thứ nhất là phân tích lần lượt từng đối tượng rồi chỉ ra điểm giống nhau, điểm khác nhau và lí giải nguyên nhân.

Cách thứ hai là tiến hành so sánh đồng thời với việc phân tích, phần thân bài của bài viết được chia làm ba luận điểm lớn: Luận điểm 1 là điểm giống nhau; luận điểm 2 là điểm khác nhau, (trong mỗi luận điểm lại có những phương diện so sánh phù hợp); luận điểm 3 là lí giải nguyên nhân.

Cách làm thứ nhất, theo thầy Tuấn có vẻ dễ hơn, nhưng nếu không lưu ý, học sinh sẽ sa đà vào việc phân tích, bình giá dài dòng từng đối tượng mà không quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ so sánh. Phần đối sánh có thể sẽ mờ nhạt, không đủ sức nặng cho bài viết.

Vì vậy, khi triển khai bài viết, tương quan giữa phần phân tích và phần so sánh cần tổ chức sao cho hợp lí. Cách làm thứ hai cho thấy người viết thể hiện thao tác đối sánh ngay từ đầu, nhiệm vụ so sánh được đặt ở vị trí trọng tâm.

Cách làm này khó hơn nhưng khả năng thuyết phục sẽ cao hơn nếu người viết thực sự làm chủ được các đối tượng so sánh.

Những cách làm trên đều có thể đạt được hiệu quả mong muốn nếu học sinh biết tổ chức bài viết một cách hợp lí. Việc lựa chọn cách làm cũng phải linh hoạt, dựa vào từng dạng đề bài cụ thể và sở trường cá nhân của từng người viết.

Chẳng hạn, nếu đề bài yêu cầu phân tích, đối sánh không phải hai mà là nhiều đối tượng cùng một lúc thì rõ ràng cách làm nên chọn là cách thứ hai, nghĩa là phân tích, đánh giá các đối tượng ấy theo hai luận điểm lớn là điểm giống nhau và điểm khác nhau chứ không nên phân tích lần lượt rồi mới so sánh.

Trong quá trình so sánh, các ý phải được tạo lập, bố trí, sắp xếp một cách mạch lạc, rõ ràng. Để có thể so sánh, cần phải dựa trên những tiêu chí nhất quán giữa các đối tượng.

Nếu không phân tách đối tượng ra thành các bình diện, các tiêu chí để so sánh thì sẽ dẫn đến lối viết chung chung, rối rắm hoặc thiếu ý...Đây là lỗi mà học sinh hay mắc phải - kể cả học sinh giỏi.

Việc lí giải nguyên nhân của sự giống nhau và khác nhau có thể tách riêng thành một phần nhưng cũng có thể lồng vào quá trình phân tích, so sánh một cách linh hoạt, miễn là đủ ý và thuyết phục.

Để lí giải thấu đáo, tuỳ theo yêu cầu của đề bài, học sinh phải huy động các tri thức trong tác phẩm và ngoài tác phẩm (như hoàn cảnh thời đại, đặc điểm cuộc đời nhà văn...) với một hàm lượng thông tin phù hợp.

Từ kinh nghiệm thực tế, thầy Tuấn thấy rằng, cũng có những đề văn so sánh không nhất thiết phải có phần lí giải.

Từ những lưu ý chung nói trên, thầy Tiết Tuấn Anh cũng chia sẻ những điều cần chú ý khi giải quyết các dạng đề văn đối sánh ( không phải là những công thức khi triển khai yêu cầu của đề bài). Với những tình huống cụ thể của đề bài, người viết lại phải linh hoạt xử lí để tạo lập một hệ thống ý phù hợp.

Với dạng bài đối sánh ở cấp độ tác phẩm

Học sinh phải nắm chắc đặc trưng thể loại, từ đó mới có thể phân tách các đối tượng ra thành những bình diện tương ứng với đặc trưng thể loại để so sánh.

Với thể loại thơ, khi phân tích, đối sánh, cần lưu ý đến các bình diện sau đây:

Bối cảnh trữ tình (hoàn cảnh thời gian, không gian... khơi nguồn cho thi cảm); nội dung trữ tình (các cung bậc cảm xúc của chủ thể trữ tình); các phương thức nghệ thuật (thể thơ, ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu, bút pháp...); phong cách nghệ thuật của các tác giả qua những bài thơ đang phân tích.

Với thể loại truyện ngắn, có thể phân tích, đối sánh theo các bình diện sau:

Nội dung hiện thực được phản ánh (bức tranh về đời sống và con người được khắc hoạ trong tác phẩm); nội dung tư tưởng (tư tưởng hiện thực, tư tưởng nhân đạo, các thông điệp nhân sinh được gửi vào tác phẩm);

Các phương thức nghệ thuật (nghệ thuật trần thuật, nghệ thuật xây dựng tình huống truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, diễn tả tâm lí nhân vật, ngôn từ, giọng điệu...); phong cách nghệ thuật của các tác giả qua những truyện ngắn đang phân tích.

Với dạng bài đối sánh ở cấp độ đoạn thơ, đoạn văn

Đối với dạng bài này, học sinh vừa phải thâm nhập được vào các đoạn thơ, đoạn văn, xem xét chúng như những đơn vị nghệ thuật độc lập lại vừa phải đặt chúng trong mối liên hệ với chỉnh thể tác phẩm để việc phân tích, luận giải được xác thực, thoả đáng hơn.

Học sinh cũng phải nắm được đặc trưng thể loại để lấy đó làm hệ quy chiếu cho quá trình giải quyết vấn đề.

Với đoạn thơ, bám vào đặc trưng thể loại, có thể phân tích và chỉ ra điểm giống nhau, khác nhau theo các bình diện:

Bối cảnh trữ tình được nói đến trong các đoạn thơ; nội dung cảm xúc của chủ thể trữ tình trong các đoạn thơ; các yếu tố nghệ thuật được sử dụng; phong cách nghệ thuật của các tác giả qua những đoạn thơ đang phân tích.

Với dạng đề cảm nhận về các đoạn văn, có thể phân tích, chỉ ra điểm giống nhau và khác nhau theo các bình diện sau:

Nội dung hiện thực được phản ánh trong các đoạn văn; nội dung tư tưởng của các đoạn văn; những yếu tố nghệ thuật được sử dụng trong các đoạn văn;

Ý nghĩa của các đoạn văn trong việc thể hiện giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm; phong cách nghệ thuật của các tác giả qua những đoạn văn ấy.

Riêng đối với các đoạn văn thuộc thể kí (chẳng hạn các đoạn văn trong Người lái đò sông Đà, Ai đã đặt tên cho dòng sông) thì ngoài những nội dung trên, học sinh còn phải chú ý đến phương diện cái “tôi” của người cầm bút được thể hiện trên những trang kí, vì sức hấp dẫn của thể loại này phụ thuộc rất nhiều vào sự thể hiện cái “tôi” của tác giả trên trang văn.

Dạng bài đối sánh cấp độ các vấn đề nội dung tư tưởng của tác phẩm

Với dạng bài đối sánh tư tưởng hiện thực: Khái niệm này không được dùng phổ biến, rộng rãi trong trường phổ thông như khái niệm tư tưởng nhân đạo, nhưng đối với học sinh giỏi, đây là một vấn đề cần chú ý.

Tư tưởng hiện thực của một nhà văn là cách nhìn, quan niệm của nhà văn ấy về hiện thực đời sống. Tư tưởng hiện thực thể hiện ở sự nhận thức, lí giải của người cầm bút về cuộc sống, khả năng phát hiện những mối quan hệ nhân sinh phức tạp, nhìn ra những mâu thuẫn trong lòng hiện thực...

Mỗi nhà văn có thể có cái nhìn khác nhau về cùng một hiện thực. Tư tưởng hiện thực chi phối việc xây dựng thế giới nghệ thuật của nhà văn trong tác phẩm vì hiện thực trong tác phẩm là hiện thực đã được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của người cầm bút. Tư tưởng hiện thực thường gắn bó chặt chẽ với tấm lòng nhân đạo của tác giả.

Khi phân tích, đối sánh tư tưởng hiện thực của các nhà văn, cần chú ý các bình diện sau:

Cách nhìn nhận, quan niệm của các nhà văn ấy về cuộc sống và con người; tư tưởng hiện thực của các nhà văn ấy mang tính lạc quan hay bi quan, thể hiện được điều gì trong tấm lòng nhân đạo của tác giả; các phương thức, phương tiện nghệ thuật góp phần thể hiện tư tưởng hiện thực của các nhà văn ấy.

Với dạng bài phân tích, so sánh tư tưởng nhân đạo, trên cơ sở nắm chắc khái niệm, các biểu hiện của phạm trù này, học sinh lưu ý đến các bình diện:

Sự trân trọng, ngợi ca của các tác giả đối với những giá trị, vẻ đẹp, phẩm chất của con người; thái độ bênh vực, đồng tình của các tác giả đối với những khát vọng sống chính đáng của con người;

Niềm cảm thương của các tác giả đối với những khổ đau, bất hạnh của con người; thái độ lên án, tố cáo của các tác giả với những đối tượng chà đạp lên quyền sống con người.

Với dạng bài phân tích, đối sánh tư tưởng (hoặc cảm hứng, chủ nghĩa) yêu nước, học sinh chú ý đến các bình diện:

Lòng tự hào dân tộc, ý thức tự tôn dân tộc (ý thức về chủ quyền đất nước, về phong tục, tập quán, cương vực lãnh thổ, truyền thống văn hoá...); tình yêu thương đồng bào, nhân dân;

Lòng căm thù giặc, ý chí chiến đấu, tinh thần xả thân vì Tổ quốc; khát vọng dựng xây đất nước giàu mạnh; lòng yêu mến, gắn bó với cảnh trí non sông; các yếu tố nghệ thuật thể hiện lòng yêu nước.

Dạng bài đối sánh cấp độ các vấn đề hình thức nghệ thuật của tác phẩm

Với vấn đề nghệ thuật xây dựng tình huống truyện ở các tác phẩm khác nhau, cần chú ý đến các bình diện dưới đây khi phân tích, đối sánh:

Các tình huống truyện ấy thuộc loại nào? (tình huống hành động, tình huống tâm trạng hay tình huống nhận thức);

Việc tổ chức tình tiết, tổ chức mối quan hệ giữa các nhân vật trong tình huống truyện được thực hiện như thế nào?

Ngôn ngữ xây dựng tình huống truyện được sử dụng ra sao? Tình huống truyện được xây dựng như vậy góp phần thể hiện các giá trị nội dung như thế nào?

Với nghệ thuật phân tích và diễn tả và tâm lý nhân vật, cần chú ý đến các bình diện sau đây khi phân tích, đối sánh:

Các yếu tố bên ngoài góp phần thể hiện nội tâm (cử chỉ, điệu bộ, diện mạo, hành động, ngôn ngữ đối thoại); yếu tố bên trong thể hiện nội tâm (độc thoại nội tâm);

Tương quan giữa các yếu tố trên (mức độ sử dụng các yếu tố ấy - yếu tố nào được sử dụng nhiều hơn, yếu tố nào được sử dụng ít hơn);

Phương thức diễn tả tâm lý theo hình thức tuyến tính hoặc hồi cố (nhân vật suy nghĩ trong hiện tại theo mạch thời gian tuyến tính hoặc hồi tưởng lại những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ).

Với nghệ thuật sử dụng ngôn từ, cần chú ý các bình diện dưới đây khi phân tích, đối sánh:

Mô hình ngữ pháp của ngôn từ (các kiểu câu theo chức năng ngữ pháp được sử dụng; thể thức cấu tạo của câu văn, câu thơ; cách thức liên kết giữa các câu văn, câu thơ...);

Tính tạo hình của ngôn từ (qua việc sử dụng hình ảnh, các từ ngữ gợi đường nét, màu sắc...);

Tính nhạc của ngôn từ (qua sự tổ chức nhịp điệu, phối hợp thanh điệu...của câu văn, câu thơ);

Các phương tiện, biện pháp tu từ được sử dụng; tính cổ điển, tính hiện đại (nếu có) của ngôn từ.

Tất nhiên, ngôn ngữ thơ khác với ngôn ngữ văn xuôi, học sinh cần tuỳ theo đối tượng so sánh mà ứng biến cho phù hợp.

Nếu đề bài yêu cầu so sánh toàn bộ các yếu tố hình thức nghệ thuật giữa hai tác phẩm (hay hai đoạn văn, đoạn thơ) thì học sinh phải linh hoạt, dựa vào đặc trưng thể loại để phân tích, đối sánh một cách hợp lý.

Dạng bài đối sánh ở cấp độ hình tượng

Với hình tượng nhân vật trong tác phẩm tự sự, cần lưu ý các bình diện sau đây khi phân tích, đối sánh :

Loại hình của các nhân vật (đó là nhân vật hành động hay nhân vật tư tưởng...); lai lịch, ngoại hình, hoàn cảnh sinh sống của các nhân vật; số phận của các nhân vật;

Đặc điểm tính cách, phẩm chất của nhân vật; ý nghĩa của các nhân vật trong việc thể hiện giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo của tác phẩm; nghệ thuật xây dựng nhân vật.

Với hình tượng cái “tôi” trong tác phẩm trữ tình hoặc tác phẩm kí, cần chú ý các bình diện sau đây khi phân tích, đối sánh:

Hoàn cảnh xuất hiện của cái “tôi” (không gian, thời gian); cảm xúc, suy tư của cái “tôi” , quan niệm, cảm nhận của cái “tôi” về thế giới khách quan; các yếu tố nghệ thuật góp phần thể hiện cái “tôi”;

Hình tượng cái “tôi” nói lên được đặc điểm gì trong phong cách nghệ thuật của các tác giả?

Với hình tượng thiên nhiên, có thể chú ý các bình diện sau đây khi phân tích, đối sánh:

Hình tượng thiên nhiên được thể hiện qua những yếu tố không gian, thời gian như thế nào? Hình tượng thiên nhiên đặc trưng cho miền đất nào, vùng quê nào?

Sắc diện, tính chất của hình tượng thiên nhiên (hùng vĩ, dữ dội hay thơ mộng, trữ tình; lớn lao, kì vĩ hay bình dị, gần gũi...).

Hình tượng thiên nhiên thể hiện điều gì trong cách nhìn, quan niệm của người cầm bút về thế giới khách quan, thể hiện vẻ đẹp gì trong tâm hồn tác giả, trong mối quan hệ của tác giả với quê hương đất nước?

Các yếu tố nghệ thuật góp phần xây dựng, khắc tả hình tượng thiên nhiên? Hình tượng thiên nhiên cho thấy điều gì trong phong cách nghệ thuật của người cầm bút?

Dạng bài đối sánh ở cấp độ chi tiết

Cần chú ý đến các bình diện sau đây khi phân tích, đối sánh các chi tiết: Hoàn cảnh xuất hiện chi tiết; chi tiết thể hiện điều gì trong số phận, tính cách, tâm hồn của nhân vật?

Chi tiết thể hiện điều gì trong giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo của tác phẩm và trong quan niệm nhân sinh của người cầm bút? Chi tiết được thể hiện qua một ngôn ngữ, giọng điệu như thế nào?

Việc sử dụng chi tiết như vậy có phản ánh điều gì trong phong cách nghệ thuật của nhà văn không?

Như vậy, với các đối tượng so sánh khác nhau, học sinh nên lưu ý những bình diện tương ứng để hệ thống ý được triển khai thoả đáng và đầy đủ.

Việc giải quyết các đề văn so sánh cụ thể phụ thuộc hoàn toàn vào sự chủ động, kinh nghiệm đã tích luỹ, khả năng tư duy và năng lực văn chương của cá nhân mỗi người viết. Văn chương là lãnh địa của sự sáng tạo, là vương quốc của sự độc đáo, đối với học sinh giỏi, điều đó càng cần thiết.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 
Last edited by a moderator:

Bình luận bằng Facebook

Top