Phương pháp hay dạy kỹ năng nghe cho sinh viên năm nhất

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
3 giai đoạn của mô hình nghe tích cực

Giảng viên Nguyễn Mai Sương cho biết, do nghe hiểu là một kĩ năng thuộc dạng thụ động, nghe là yếu tố quyết định hiểu nên các nhà giáo học pháp ngoại ngữ đã đưa ra một mô hình nghe hiểu tích cực nhằm khắc phục những hạn chế của tính thụ động của kĩ năng này. Cốt lõi của mô hình này là người học phải tăng mức độ tập trung chú ý để nghe và hiểu bằng tiếng nước ngoài, phải thay đổi cách thức, thói quen và quá trình mã hóa, giải mã.

Mô hình nghe tích cực có thể chia thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: neo, bám, có nghĩa là muốn hiểu hiểu một phát ngôn, trước hết phải nghe được một hoặc một vài từ trong phát ngôn đó để làm chỗ dựa cho việc tìm hiểu và xác lập nghĩa của phát ngôn.

Giai đoạn 2: xác lập nghĩa của phát ngôn. Sau 1 hoặc nhiều lần nghe, sinh viên nghe được một phần hoặc toàn bộ phát ngôn. Giai đoạn xác lập nghĩa của phát ngôn được tiến hành thông qua việc lập ra và lựa chọn các giả định về nghĩa.

Giai đoạn 3: ấn định nghĩa của phát ngôn. Việc ấn định nghĩa của phát ngôn diễn ra khi sinh viên tự cho mình đã nghe được toàn bộ phát ngôn. Nếu thực tế là đúng như vậy thì sinh viên đã hiểu đúng nghĩa của phát ngôn. Nếu ngược lại, sinh viên chỉ hiểu được một phần của phát ngôn đó. Trường hợp này, quy trình cần phải quay trở lại giai đoạn 2 hoặc giai đoạn 1.

Theo giảng viên Nguyễn Mai Sương, đây là một mô hình lý thuyết thú vị, có cơ sở khoa học, mở ra khả năng ứng dụng cho việc dạy nghe hiểu tiếng nước ngoài nói chung, tiếng Anh nói riêng. Tuy nhiên, cần thử nghiệm mô hình nà ở phạm vi nhỏ, rút kinh nghiệm và hoàn chỉnh trước khi ứng dụng đại trà.

Một số lưu ý về mặt sư phạm khi ứng dụng mô hình nghe tích cực

Giảng viên Nguyễn Mai Sương lưu ý, theo mô hình trên, trong giờ luyện nghe trên lớp, giáo viên phải chia lớp ra làm nhiều n hóm và cho sinh viên nghe nhiều lần phát ngôn/ngôn đoạn/ngôn bản tùy theo mục đích luyện và trình độ người học. Sau một/vài lần nghe, giáo viên yêu cầu các nhóm cho biết các từ nghe được.

Ban đầu, các từ nghe được rất ít ỏi, song qua nhiều lần nghe đi nghe lại, sinh viên sẽ tiến bộ hơn. Đây chính là những điểm neo bám đầu tiên cho phép sinh viên tiến dần lên trong quá trình khám phá nghĩa của phát ngôn.

Giảng viên Nguyễn Mai Sương nhấn mạnh: Việc xâc lập nghĩa của phát ngôn đòi hỏi người học phải có một số tri thức và kĩ năng cần thiết về ngôn ngữ và giao tiếp của tiếng nước ngoài. Trong giai đoạn cơ sở, do sinh viên chưa có đủ kiến thức về từ vựng, ngữ pháp, những hiểu biết về văn hóa, văn minh, ngữ dụng để xác lập nghĩa của phát ngôn/ngôn bản, giảng viên cần dự tính trước những khó khăn, trở ngại mà sinh viên có thể gặp phải trong bài luyện nghe và giải thích ngay khi thấy cần thiết để tránh mất thời gian trên lớp.

Cũng theo giảng viên Nguyễn Mai Sương, giai đoạn 1 và 2 đòi hỏi nhiều thời gian luyện tập, giảng viên cần cho sinh viên nghe nhiều lần những phát ngôn hoặc ngôn đoạn khó; nên quan tâm chú ý đến các đối tượng có trình độ khác nhau để học sinh trung bình và yếu có điều kiện biểu thị sự cố gắng trong khi nghe.

Điều khuyến cáo là đừng vì sốt ruột mà cho luôn các từ mà học sinh chưa nghe được vì kinh nghiệm cho thấy, nếu học sinh phải động não, tự nghe ra được từ khó, họ sẽ nhớ lâu và đó chính là những nguồn động viên nhỏ giúp học vượt qua trở ngại trong quá trình học.

Bên cạnh đó, để có thể nghe tích cực, ngoài tri thức cần thiết về ngôn ngữ, văn hóa, văn minh tiếp thu được trong quá trình học, giảng viên Nguyễn Mai Sương cho rằng, sinh viên phải có những hiểu biết nhất định về các chủ điểm đề cập trong các bài luyện nghe, về các loại hình ngôn bản.

Đề xuất cách thức tiến hành một bài luyện kĩ năng nghe hiểu

Để ứng dụng mô hình nghe tích cực, giảng viên Nguyễn Mai Sương đề xuất cách thức tiến hành một bài luyện nghe hiểu một cách khái quát như sau:

Bước 1: Khởi động trước khi nghe

Mục tiêu của bước này là đặt người học vào tình huống chủ động - đòi hỏi người học huy động mọi nguồn lực sẵn có để có thể tiếp cận nội dung bài nghe một cách chủ động.

Các hoạt động trong bước này có thể là: Trả lời một vài câu hỏi của giáo viên về chủ điểm sẽ được đề cập trong bài nghe; quan sát một bức tranh, ảnh có cùng chủ điểm với bài nghe và yêu cầu học sinh phát biểu về chủ điểm của bức tranh, ảnh; giới thiệu các yêu cầu trong bài luyện nghe (nghe tổng quát, nghe chi tiết và các yếu tố cần xác định trong khi nghe lần 1, lần 2, lần 3).

Bước 2: Nghe khái quát nội dung bài

Mục tiêu của bước này là xác định tình huống giao tiếp, chủ điểm đề cập và loại hình ngôn bản trong bài nghe. Việc xác định tình huống giao tiếp cho phép xác định khung cảnh không gian, thời gian xảy ra sự việc, mối quan hệ giữa các chủ thể giao tiếp, ý định giao tiếp của họ.

Trước khi nghe lần 1, giảng viên cần nói rõ yêu cầu cần xác định những thông tin về tình huống giao tiếp, chủ điểm, loại hình ngôn bản của bài nghe trên cơ sở một bảng đã kẻ sẵn trên bảng.

Sau lần nghe thứ nhất, giảng viên yêu cầu sinh viên cho biết những thông tin nghe được và giảng viên điền lên bảng tất cả những thông tin đó. Nếu sinh viên chưa nghe được hoặc nghe được rất ít thì cho nghe tiếp lần 2, 3… cho đến khi đã điền tương đối đầy đủ các thông tin nghe được lên bảng. Lần tiếp theo đó là lần nghe để kiểm chứng những thông tin nào là đúng, sai. Việc nêu rõ yêu cầu nghe trước khi nghe lần 1 và lần nghe kiểm chứng cho phép đặt người học vào một tình huống nghe tích cực, buộc họ phải tập trung chú ý để xác định những thông tin liên quan.

Cuối bước 2, giảng viên có thể gọi một vài sinh viên tóm tắt miệng những thông tin đã chốt lại trên bảng nhằm mục đích khắc sâu ghi nhớ của cả lớp về những thông tin đó.

Bước 3: Nghe hiểu chi tiết nội dung bài:

Mục tiêu bước này là xác định những thông tin chủ yếu và thông tin phụ, cho phép xác lập nghĩa trọn vẹn của bài nghe. Giáo viên có thể đặt câu hỏi về các nội dung chính, thông tin phụ trong bài cho cả lớp trước mỗi lần nghe hiểu chi tiết. Sau khi nghe, yêu cầu một vài sinh viên trả lời, lấy ý kiến cả lớp xem câu trả lời nào đúng.

Để hiểu chi tiết nội dung bài nghe, học sinh cần phải xác định được những thông tin về cấu trúc bài: Bài gồm mấy ý chính? Được tổ chức thế nào? Các ý khẳng định hay phản bác? Lập luận, minh họa, ví dụ?... Các từ nối; từ vựng; cần xác định những từ có ý nghĩa chủ chốt về chủ điểm, về các ý chính, các thực từ; chỉ dẫn cần thiết (những con số, tên địa lý, địa điểm, ngày tháng, từ viết tắt…)

Bài viết được biên tập từ tham luận của giảng viên Nguyễn Mai Sương - KHoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Đại Nam) trong kỷ yếu hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực người học tại các cơ sở đào tạo ĐH ngoài công lập”.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top