Phương pháp dạy trẻ phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Dưới đây là một số kinh nghiệm của cô Lê Ngọc Lệ - Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh của Trường mầm non Bông Sen (Mỹ Tho, Tiền Giang) - trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội.

Dạy trẻ các kỹ năng sống cơ bản


Giáo viên thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ một cách thích hợp tuân theo một số quan điểm nhất định nhằm giúp trẻ phát triển đồng đều các lĩnh vực, phát huy tính tích cực của trẻ, giúp trẻ hứng thú, chủ động khám phá tìm tòi, biết vận dụng vốn kiến thức, kỹ năng vào việc giải quyết các tình huống khác nhau.


Theo cô Lệ, để trẻ phát triển tốt mọi lĩnh vực, trong giờ học, các hoạt động khác đòi hỏi người giáo viên cần phải chú ý hình thành cho trẻ những kỹ năng cần thiết như: giao tiếp với người xung quanh, cách đi đứng, nói năng với bạn, cha mẹ, ông, bà, người lớn...

Ngoài ra, giáo viên có thể dạy trẻ các kỹ năng sống cơ bản trong cuộc sống hàng ngày ở nhà và ở trường.

"Chẳng hạn như: khi tôi dạy trẻ, con hãy lượm rác trên sân trường", trẻ thực hiện yêu cầu của cô, đó là hành động. Hầu hết các trẻ lứa tuổi mầm non đều biết các hành động đơn giản như: nhặt rác, chào hỏi người lớn, xin lỗi, cảm ơn... Nhưng để những hành động đó trở thành kỹ năng thì lại cần một quá trình thực hiện.

Hành động của trẻ trở thành kỹ năng khi trẻ thấy một cọng rác, một bao mũ, hộp sữa... Trẻ nhặt bỏ vào thùng mà không cần ai nhắc nhở, vì khi đó trẻ làm vì ý thức: Thấy có rác là phải bỏ vào thùng, chứ không làm vì người khác sai bảo" - Cô Lệ dẫn giải.

Phát triển những kỹ năng cần thiết

Cô Lê cho biết thêm: Ở lớp lá, là khối lớp mà trẻ sắp bước vào một môi trường học tập mới, vì thế ta cần phải hình thành cho trẻ những kỹ năng sống cần thiết để trẻ thích nghi với môi trường học tập mới. Ví dụ như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác làm việc và chia sẻ với bạn bè v.v...

Ngoài ra, giáo viên cần giúp trẻ phát triển các phẩm chất cá nhân như: Tính tự lực; Sự tự tin; tính độc lập; Sự vui tươi, hồn nhiên.

Cô Lệ phân tích, tính tự lực tức là giúp trẻ có ý thức và kỹ năng tự phục vụ như: Vệ sinh cá nhân (rửa tay, lau mặt, đánh răng...), tự tay thay quần áo, giày dép, xếp đồ dùng cá nhân ngăn nắp, xúc ăn, dọn dẹp đồ chơi để đúng nơi quy định, xếp ghế nhẹ nhàng.

Cố gắng hoàn thành, không bỏ dở công việc được giao; giúp đỡ người lớn, dọn dẹp, cất đồ dùng, đồ chơi, chuẩn bị giờ học như: kê bàn ghế, xếp học cụ, giữ vệ sinh lớp, tưới cây.

Còn đối với sự tự tin, giáo viên cần giáo dục trẻ biết tự tin, tự hào về bản thân và gia đình; mạnh dạn xung phong nhận nhiệm vụ khi được đề nghị; thoải mái trước đám đông, người lạ.

Đối với tính độc lập, giáo viên cần hướng dẫn trẻ biết đưa ra ý kiến riêng (có thể khác với mọi người); biết lựa chọn theo ý của mình và giúp trẻ luôn vui tươi, hồn nhiên trong sinh hoạt, giao tiếp, trình diễn.

Hình thành kỹ năng sống trong cộng đồng

Cũng theo cô Lệ, một trong những kỹ năng sống mà giáo viên cần hướng dẫn trẻ đó là kỹ năng sống trong cộng đồng. Tức là: Biết tuân thủ theo quy định chung ở trường, lớp, nơi công cộng cũng như là nề nếp sinh hoạt của lớp - trường, quy tắc giao thông; biết những điều nên và không nên làm, những việc không được làm trong sinh hoạt cộng đồng.

Giúp trẻ biết sống hòa thuận, kiên nhẫn chờ đợi, thay phiên nhau, biết xếp hàng, không chen lấn, xô đẩy, cùng thực hiện nhiệm vụ, tập kỹ năng hợp tác với bạn đọc khi chơi.

Trẻ cũng cần nhận thức sự bình đằng giữa mình và bạn, biết thương yêu bạn, giúp đỡ, ủng hộ bạn, nhận ra sự khác biệt giữa các bạn, tôn trọng bạn bè. Biết xin lỗi và tập sửa chữa những gì làm sai, biểu lộ cảm xúc. Nhận ra cảm xúc của người khác như: Vui, buồn, giận, ngạc nhiên, xấu hổ, sợ hãi, cởi mở, hòa đồng, gần gũi.

Để trẻ phát triển được những kỹ năng trên giáo viên cần tích cực đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giảng dạy nhằm kích thích sự chuyên cần, tích cực của trẻ.

Theo đó, giáo viên nên phát huy năng khiếu, tiềm năng sáng tạo ở mỗi trẻ, để trẻ cảm thấy thoải mái trong mọi tình huống của cuộc sống.

"Tôi luôn giúp trẻ tạo mối liên kết thân mật với các bạn trong lớp, trẻ biết chia sẻ, biết quan tâm chăm sóc bạn, biết lắng nghe ý kiến và biết diễn đạt ý tưởng của mình khi tham gia hoạt động nhóm cùng bạn. Từ đó giúp trẻ tự tin và mạnh dạn hơn khi tiếp nhận thử thách mới" - Cô Lệ chia sẻ.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top