Phương pháp dạy học sinh làm tập làm văn

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Chia sẻ điều này, cô Trần Thị Bích Thảo - giáo viên Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) - cho biết: Ở bài “Tìm hiểu chung về văn bản”, giáo viên phải giúp học sinh nắm thật chắc những đặc điểm riêng của kiểu văn bản về mục đích, nội dung và lời văn. Phương pháp thích hợp là đối chiếu, so sánh.

Theo cô Thảo, phân tích đề, tìm ý là một khâu quan trọng trong quá trình viết bài tập làm văn. Khi hướng dẫn học sinh phân tích đề, giáo viên cần chỉ rõ đặc điểm của đề gồm: phần mệnh lệnh, phần nêu vấn đề, phần giới hạn vấn đề. Khi hướng dẫn học sinh tìm ý, giáo viên cần chỉ rõ phương pháp tìm ý. Thông thường, phương pháp tìm ý thích hợp là đặt câu hỏi

Trong môn Ngữ văn, học sinh thường ngại học tập làm văn nhất. Bởi đây là phân môn yêu cầu các em thực hành nhiều. Để viết tốt bài, các em không những phải có kiến thức văn học, kiến thức xã hội, kiến thức về đời sống, kiến thức về phương pháp làm bài mà còn phải có rung động, cảm xúc.


Cô Trần Thị Bích Thảo


Lập dàn bài là tạo nên bản thiết kế của bài văn. Từ bài văn tham khảo, học sinh dưới sự hướng dẫn của giáo viên rút ra dàn ý cơ bản rồi từ đó, học sinh hiểu cách lập dàn ý với hệ thống ý lớn, ý nhỏ, cách sắp xếp các ý.

Khi dạy học sinh viết bài, kinh nghiệm của cô Trần Thị Bích Thảo là giáo viên cần chú ý dạy học sinh cách dựng đoạn, cách diễn đạt, cách liên kết các đoạn thông qua phân tích mẫu.

Cuối cùng, qua bài học, học sinh thấy được tầm quan trọng của khâu đọc và sửa lỗi. Từ đó các em thực hành sửa.

Trong phương pháp dạy tập làm văn có “thị phạm”. “Thị phạm” là quan sát mẫu. Không một sự tập luyện nào lại thiếu đi khâu làm mẫu. Học sinh học tập làm văn cần phải quan sát mẫu để rút ra bài học, để làm cho đúng, làm cho phải.

Đặt câu hỏi: Chọn mẫu nào để học sinh luyện tập theo, cô Trần Thị Bích Thảo cho biết, các nhà khoa học về lý thuyết dạy học làm văn, các nhà giáo ưu tú, giàu kinh nghiện đã chỉ ra rằng mẫu phải vừa tầm với các em để các em hiểu được, thấy mình có thể làm theo được. Trong bài viết “Bàn thêm về việc thị phạm trong dạy và học tập làm văn”, nhà giáo Đỗ Kim Hồi đã nhấn mạnh: “bài mẫu và sự làm mẫu không nên làm nản lòng, rối trí học sinh”.

Điều này nhắc nhở giáo viên phải chọn mẫu phù hợp với học sinh nếu các bài tham khảo trong sách giáo khoa quá tầm với các em. Phải phân tích mẫu kỹ càng để học sinh hiểu rõ đặc trưng kiểu bài về nội dung và lời văn và thấy mình nếu cố gắng cũng có thể làm được.

"Dạy học sinh tập làm văn không thể thiếu bài tập rèn kỹ năng. Các bài tập cần đa dạng từ bài tập nhận biết đến bài tập thực hành. Xuất phát từ khả năng của học sinh, giáo viên cần linh hoạt khi đưa ra bài tập" - cô Trần Thị Bích Thảo lưu ý thêm.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top