Phòng chống dịch Covid-19: Giáo viên không đứng ngoài cuộc

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Giá rẻ, tiện dụng

Trong một lần đi bệnh viện khám răng, cô Nguyễn Thị Lệ Thủy – Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Anh (thị xã Kỳ Anh) thấy bác sĩ sử dụng một tấm kính che kín mặt rất hiện đại. Sau một hồi lân la hỏi chuyện, cách chế ra những chiếc mắt kính phòng dịch Covid–19, cô Thủy mới nảy ra ý tưởng sẽ chế tạo những chiếc mắt kính giống hệt như mấy vị bác sĩ đang sử dụng.

“Khẩu trang không che được mắt và cổ, trong khi nón kính này diện tích lớn nên che chắn rộng hơn, ngăn giọt bắn hiệu quả khi nói chuyện, tiếp xúc trực tiếp với người khác. Ngoài ra, nón kính bảo hộ này hay hơn khẩu trang ở chỗ miếng mica trong là mặt phẳng, có thể lau, rửa. Còn với khẩu trang, virus sẽ bám dính trên đó. Mọi người nên đeo khẩu trang vải bên trong và bảo hộ thêm chiếc nón kính này bên ngoài. Nón kính bảo hộ phục vụ giáo viên sẽ sẵn sàng trong trường hợp học sinh quay lại trường” – cô Thủy cho hay.

Ngay sau đó, ý tưởng đã biến thành hành động. Trong ngày đầu tiên, các cô làm được 300 sản phẩm, 100 cái phát cho cán bộ, giáo viên trong trường, 200 cái còn lại tặng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid–19 thị xã Kỳ Anh. “Tạm thời, nhà trường chỉ làm số lượng như vậy, sau này khi các đơn vị khác có nhu cầu, trường sẽ huy động giáo viên làm thêm”, cô Thuỷ nói.

Theo cô Thủy, nguyên liệu để làm tấm kính chống giọt bắn khá đơn giản, gồm: Nẹp nhựa, băng dính, bóng kính loại cứng, có độ dày vừa phải có thể uốn cong được. Giá trị mỗi sản phẩm khoảng 20.000 đồng. Giá thành rẻ, dễ làm, ngoài giáo viên, học sinh, phụ huynh có thể tự chế một chiếc nón kính phục vụ quá trình đi lại cũng như khi học sinh trở lại trường.


Sản phẩm đã hoàn thiện.

Ủng hộ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch

Ban đầu, các sản phẩm làm ra để phục vụ giáo viên đi dạy, khi giảng có thể ngăn giọt bắn bay ra ngoài, thuận lợi hơn đeo khẩu trang. Thấy sản phẩm có ý nghĩa, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thị xã Kỳ Anh đề nghị nhà trường hỗ trợ nên thầy trò trường làm thêm sản phẩm.

Cũng theo cô Thủy, trong thời gian học sinh nghỉ học vì dịch bệnh kéo dài, giáo viên chỉ dạy học trực tuyến 1 buổi/ngày. Do đó, trường đăng ký cho giáo viên đi nấu ăn phục vụ người cách ly, hỗ trợ công sức để giúp vơi bớt khó khăn của các cơ quan, đơn vị đang ngày đêm phòng chống dịch. Nên việc chế tạo thêm những “chiếc nón diệu kỳ” chắn giọt bắn phục vụ cho các cán bộ đang phòng chống dịch tại địa bàn rất phù hợp và cần thiết.

Theo cô Thủy, trước đó Trường THPT Kỳ Anh cũng đi đầu trong việc pha chế dung dịch nước rửa tay để thầy trò trong trường có thể sử dụng phòng chống dịch bệnh. Được biết, trong nhiều ngày, thầy cô giáo Tổ Hoá học, Sinh học đã đảm nhận pha chế hơn 1.000 lít dung dịch rửa tay khô, sát khuẩn.

Giáo viên Tổ Hoá học, Sinh học đã pha chế dung dịch theo công thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thành phần chủ yếu là: Cồn ethanol, nước oxy già, tinh dầu sả chanh và nước cất. Thầy cô giáo cùng học sinh pha chế dung dịch khép kín trong phòng thí nghiệm.

Khi học sinh quay lại trường học, nhà trường đã trang bị các chai nước rửa tay từ ngoài cổng trường, ở nhà vệ sinh, các phòng học để 1.800 học sinh cùng giáo viên sử dụng.


Xác định, “chống dịch như chống giặc” nên trong cuộc chiến này, thầy trò nhà trường không đứng ngoài cuộc mà lên kế hoạch chế tạo một số sản phẩm có ý nghĩa phòng chống dịch bằng những sản phẩm cụ thể như chiếc kính chắn giọt bắn. - Cô Nguyễn Thị Lệ Thủy
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top