Phép thử với phương pháp học mới

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Đưa dạy học online vào chế tài

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng HCMUTE, cuộc họp mới đây giữa Ban giám hiệu và các đơn vị trong trường đã thống nhất triển khai việc giảng dạy online cấp độ 2 trong toàn trường. Nếu giảng viên không dạy online cấp độ 2 sẽ bị cắt lao động tiên tiến.

Hiệu trưởng HCMUTE đưa ra 3 yếu tố để nhà trường tự tin trong dạy online là: LMS của HCMUTE có hệ thống quản lý học tập online tốt nhất Việt Nam với LMS Pearson Education và FHQLMS Blackboard mạnh. Bên cạnh đó, dạy học theo module là lợi thế. Do dạy online không giống như trên lớp truyền thống mà phải chia nhỏ thành các module (15 – 20 phút) theo chủ đề giúp SV đỡ mỏi mắt. Đồng thời, yếu tố không đồng bộ (Asynchonous) chính là ưu điểm của dạy online vì tính linh hoạt.

“Ngoài ra, hệ thống UTEx và Big Data Center do trường phát triển cũng là nơi để các thầy cô dạy online rất tốt. GV của trường đã quen dùng 5 năm nay nên tiếp tục phát huy. Để không bị cắt thi đua các thầy cô phải đạt ít nhất cấp độ 2 trong dạy online” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Theo Hiệu trưởng Đỗ Văn Dũng, việc thực hiện các phương thức dạy học trực tuyến trong thời gian nghỉ tránh dịch Covid-19 được xem là phép thử cho cách học mới. Nếu đầu tư thỏa đáng về công nghệ, phần mềm, giảng viên có thể sở hữu một “lớp học” đầy đủ tiện nghi, có thể kiểm tra, tương tác với người học. Từ đây, giảng viên có thể dạy lý thuyết online, thời gian lên lớp hướng dẫn sinh viên thực hành hoặc giao cho họ làm dự án.


ThS Vũ Trần Mai Trâm - GV môn Mỹ thuật HCMUTE đang dạy online. Ảnh: NVCC

Giảng viên, SV hưởng ứng

Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh - Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy (CKM) HCMUTE cho biết: 100% giảng viên của khoa đang giảng dạy online cấp độ 2 và gần 40% giảng viên dạy online cấp độ 3.

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh, đặc trưng của khoa CKM là với các nhóm môn học cụ thể, các giảng viên cùng nhóm môn học sẽ làm các bài giảng, kiểm tra đánh giá online với nhau để thực hiện việc giảng dạy online với cấp độ cao nhất nhằm đưa bài giảng một cách trực quan, sinh động, đáp ứng chuẩn đầu ra tới mọi sinh viên…

Hầu hết giảng viên đồng lòng với việc giảng dạy online vì không biết thời gian đi học và dạy khi nào sẽ bắt đầu. Do đó để việc giảng dạy online thuận lợi, thầy cô cùng nhau xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và từ đó tùy biến theo mỗi giảng viên, điều này giúp khoa quản lý được chương trình, nội dung giảng dạy, đồng thời mỗi giảng viên có thể linh hoạt xây dựng các nội dung giảng dạy khác nhau…
PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh

Đồng thời, khoa CKM đã chuẩn bị các studio dựa trên phòng họp. Với các giảng viên chủ chốt, khoa đã phân mỗi nhóm hỗ trợ cho các giảng viên lớn tuổi không có điều kiện tự thực hiện được các video bài giảng để giảng bài online. Một số giảng viên có điều kiện tự xây dựng studio “tại gia” để triển khai các bài giảng và tương tác trực tiếp với sinh viên.

Thông tin thêm về áp dụng dạy online cấp độ 2, TS Phan Anh Vũ - Trưởng khoa Khoa học ứng dụng (HCMUTE) cho biết dạy online cấp độ 2 vẫn còn nhẹ trong tình hình hiện nay. Theo hệ thống cơ sở hạ tầng của trường, cấp độ 3 mới là đủ.

Theo TS Phan Anh Vũ, việc dạy online cấp độ không tăng áp lực, chỉ cần làm thêm video clip, sao cho sinh viên có thể tự học là ổn. “Cấp độ 3 mới có thể nghỉ dạy trên lớp và chuyển gần hết sang online, còn cấp độ 2 chưa căng lắm”, TS Phan Anh Vũ chia sẻ.

Bên cạnh việc dạy online theo quy định của nhà trường, giảng viên - sinh viên khoa In và Truyền thông (HCMUTE) mở rộng thêm lớp học online với hình thức tương tác trực tiếp “face-to-face-online” thông qua nền tảng ứng dụng công nghệ phần mềm Zoom.

Tham gia học online một thời gian, Nguyễn Thế Nam (ngụ Đồng Nai, SV năm thứ 1 ngành Công nghệ kỹ thuật in HCMUTE) chia sẻ: Điều em cảm thấy thú vị nhất là có thể chia sẻ màn hình thiết bị của mình cho toàn thể lớp học khi được sự cho phép của thầy cô. Việc này tạo điều kiện cho sinh viên chúng em được trình bày suy nghĩ và câu trả lời của mình theo cách tốt nhất, có thêm hình ảnh minh họa, giúp việc trình bày được sinh động hơn”.

Mình sử dụng Zoom được một số buổi cho môn Bố cục tạo hình của ngành Thiết kế đồ họa khóa 18. Nói rành cũng chưa rành hẳn nhưng cảm thấy việc đưa kiến thức đến SV bằng mô hình này khá ổn, nhất là trong mùa dịch như thế này. - ThS Vũ Trần Mai Trâm - GV môn Mỹ thuật, khoa In & Truyền thông (HCMUTE)

Công Chương
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top