Phân tích bài thơ “Đất Vị Hoàng” của Tế Xương.

dinhnhuy012

Thành viên
Thành viên BQT
#1
- Tác giả bài 49 cuốn “Giảng văn văn học Việt Nam” viết:
“Keo cú người đâu như cứt sắt,
Tham lam chuyện thở những hơi đồng”.
Tính “keo cú”, tính “tham lam” vốn là sản phẩm của những mặt tiêu cực của cuộc sống đô thị hóa; con người hà tiện, keo cú để tích luỹ vốn liếng: con người sống trong môi trường kinh tế hàng hóa, thị trường, chạy theo đồng tiền, tham lam. Lối so sánh “keo cú như cứt sắt” ta vẫn gặp trong lời nói hằng ngày của nhân dân. “Tham lam chuyện thở những hơi đồng”, cách nói này ta cũng đã gặp trong “Truyện Kiều”: “Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê”. Tú Xương đã sử dụng những hình ảnh so sánh, hình ảnh ẩn dụ có trong truyền thống văn hóa cổ truyền để vạch trần những nét tiêu cực của tính cách con người trong thời đô thi hóa ở làng Vị Hoàng buổi ấy”.
- “Sổ tay văn học lớp 11” đã phân tích:
“Hai câu trong phần luận mở rộng ý thơ trong phần thực, làm cho bức tranh “Đất Vị Hoàng” được tô đậm sắc màu hiện thực. Không còn ước lệ nữa. Hai nét vẽ về cảnh đời đáng buồn, đáng thương hại đối nhau. Một bộ tứ bình biếm họa hoàn chỉnh. Ở cái đất Vị Hoàng thuở ấy nhan nhản những loại người “tham lam” và “keo cú”. “Keo cú” đến bần tiện, ghê tởm và hôi hám. Nhà thơ ngạc nhiên hỏi và so sánh: “người đâu như cứt sắt” sao mà đáng sợ, đáng khinh bỉ! Lại có loại người “tham lam” đến cùng cực, nhịp sống cuộc đời họ chỉ là chuyện thở rặt hơi đồng”. “Thở” là nhãn tự, rất linh diệu; nếu thay bằng chữ “nói” hay một từ nào khác thì không lột tả được bản chất loại người tham lam, đê tiện này. Vì đã “thở” phải đi liền với “hơi” – “hơi đồng”, tiền bạc. “Truyện Kiều” cũng có câu: “Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê!”. Chỉ vì tiền, coi tiền bạc là trên hết, là trước hết trong mọi mối quan hệ gia đình và xã hội. “Rặt” là từ cổ, là nói cách dân gian, nghĩa là “toàn là”, “đều là”. Phép đảo ngữ rất có giá trị thẩm mỹ, tạo nên ngữ điệu dữ dội, khinh bỉ, một tiếng chửi đời cay độc, lên án loại người tham lam, keo cú mất hết nhân tính:
“Keo cú // người dâu như cứt sắt,
Tham lam// chuyện thở rặt hơi đồng”.
* Ví dụ: Phân tích một đoạn thơ trong bài “Tây Tiến của Quang Dũng: “Sài Khao sương lấp… Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.
- Thái Văn Vinh, lớp 12 chuyên Bình Định viết:
“Ngay từ đầu bài thơ, ông đã miêu tả vùng rừng núi ấy, nhớ về rừng núi ấy thiết tha như thẻ làm cho người đọc chú ý ngay. Nhớ Tây Tiến, nhớ về sông Mã và núi rừng trùng điệp, nhớ con đường hành quân:
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.
Con đường hành quân điệp trùng với bao cái khắc nghiệt, dữ dội của một vùng rừng núi biên ải. Đọc đoạn thơ, chưa cần suy ngẫm cái nội dung bên trong chúng ta đã có thể hình dung ra cái con đường mà Quang Dũng miêu tả qua thanh luật của đoạn thơ. Kết cấu của đoạn thơ cứ thanh bằng thanh trắc đan chéo nhau, trải dài ra miên man, vô tận như con đường xa thẳm khấp khiễng. Nhạc điệu êm ả, triền miên. Đoàn quân Tây Tiến đi trong lớp sương dày của núi rừng… Tất cả chỉ lung linh trong lớp sương khói mờ ảo, như thực, như mộng. Thế nhưng mỗi địa danh gắn liền với một đặc điểm của địa vật: nếu ta chỉ thay “Sài Khao” bằng một tên gọi khác là lớp sương huyền ảo ấy tan biến ngay. Đoàn quân Tây Tiến cất bước trên con đường xa vạn dặm, với cái trắc trở gập ghềnh của con đường. Đã “dốc len khúc khuỷu” mà lại còn “dốc thăm thẳm”, thì đúng là độ cao chất ngất, ngoằn ngoèo khó đi. Đã “ngàn thước lên cao” rồi lại “ngàn thước xuống”, tất cả những đặc điểm ấy diễn tả nỗi khó khăn của đoàn Tây Tiến khi hành quân. Nó có ghi lại một ấn tượng về một miền rừng núi thật là dữ dội và khắc nghiệt. Quang Dũng có những cách dùng từ rất tinh tế mà cũng hết sức tinh nghịch: núi cao chạm mây nối thành cồn “heo hút”, và để diễn tả chiều cao của núi thì chỉ ba chữ “súng ngửi trời” là đủ đưa ta đến tuyệt đỉnh cao vời. “Súng ngửi trời” nghe thật ngộ nghĩnh. Phải chăng đó là cách gọi của lính mà Quang Dũng ghi lại với tư cách một người trong cuộc. Dù sao, qua những từ ngữ, chi tiết và cách kết cấu âm của đoạn thơ cũng đã đủ vẽ lên trước mắt ta hình ảnh một miền rừng núi mà đoàn quân Tây Tiến đã từng đi qua. Có những câu thơ dùng toàn thanh bằng rất hay, rất đắt:
“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Sau khi “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”, người chiến sĩ Tây Tiến như đứng trước đỉnh núi cao nhìn xuống thung lũng phủ kín trong màn mưa. Những ngôi nhà như đang trôi bồng bềnh trong màn mưa trắng. Thanh bằng của từng chữ trải ra, mênh mang, diễn tả cái màn mưa phủ giăng thung lũng”.
(Trích bài thi Giải nhi 16 điểm, thi học sinh giỏi Văn toàn quốc)
- Nguyễn Thị Minh Tâm, lớp 12 trường PTTH Đồng Hới, Quảng Bình đã phân tích:
“(…) Nỗi nhớ dẫn tác giả trở về với những kỷ niệm khó quên. Đó là những vất vả, gian nan mà người lính đã trải qua:
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.
Người lính hay nhớ đến những đêm dài hành quân, bởi đời lính thường gắn với những cuộc hành quân. Nói đến người lính là nói đến những cuộc hành quân dài, vất vả, gian khổ, mệt nhọc mà vẫn thắm đẹp chất oai hùng. Quang Dũng cũng nói đến những cuộc hành quân như vậy:
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”
Ta chợt thấy lạ! Ít ai nói như Quang Dũng: “đoàn quân mỏi”. Nhưng đâu có sai, mỏi chứ, những cuộc hành quân suốt ngày đêm; vượt qua hàng chục cây số đèo dốc thì “mỏi” là đúng. Đưa hình ảnh “đoàn quân mỏi” vào đây mà lại hay, hay ở chính cái thực của nó. Và hay bởi vì còn xó câu thơ tiếp theo:
“Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
“Đoàn quân mỏi” nhưng tâm hồn, ý chí của họ không “mỏi”. Cho nên tâm hồn của họ vẫn biết hướng vào cái đẹp, vẫn nghĩ đến những cái còn cao hơn, đẹp hơn những gian khổ mà họ đã trải qua: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Lại những thanh bằng tạo nên trong lòng ta một cảm giác thật nhẹ nhàng, nó cân bằng, trung hòa với những gì mà câu thơ tạo ra. Có như thế, những câu thơ mạnh mẽ, gãy khúc, nhịp thơ ngắn, nặng lại đi với những câu thơ nhẹ nhàng, mênh mang:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.
Có thực sự sống trong cuộc kháng chiến như Quang Dũng, thì mới có những câu thơ thực và đúng về những gian khổ của người lính như thế. Những câu thơ làm cho ta tưởng như được thấy, được trải qua gian khổ đó. Đã “dốc lên khúc khuỷu” rồi lại còn “dốc thăm thẳm” nữa. Chỉ hai từ “thăm thẳm” thôi mà vẽ lên trong ta một hình ảnh rõ nét, tạo cho ta cảm giác choáng ngợp: “thăm thẳm” là cao, lại là sâu. Không phải là “cao chót vót” mà là “thăm thẳm” thì mịt mù lắm, cao lắm, nó vượt ra khỏi tầm mắt của ta. Cũng vì có từ “thăm thẳm” cho nên mới “heo hút”, chứ “chót vót” thì không thể “heo hút” được. Cái tài của Quang Dũng là đó. Và chợt ta bắt gặp hình ảnh “súng ngửi trời”. Phải là “súng ngửi trời” thì mới nói hết độ cao của dốc, của gian khổ. Nhưng cũng vì có hình ảnh “súng ngửi trời” mà câu thơ viết về gian khổ lại không mang chút bi quan mà phảng phất chút dí dỏm. Đã dốc “khúc khuỷu”, đã “thăm thẳm”, “heo hút” rồi lại còn “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” nữa mới thật rõ cái gian khổ, vất vả của người lính. Nhưng từ đỉnh cao “ngàn thước” đó, tâm hồn người lính lại mở ra, phóng tầm mắt ra giữa ngút ngàn trời đất:
“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Vẫn là một câu thơ rất nhẹ với những thanh bằng, với vần “ơi” mênh mang, tạo nên trong ta một cảm giác mênh mông, dàn trải, lại vừa gợi lên một màn mưa lưa thưa, mờ mờ. Đó chính là nét thi sĩ trong tâm hồn người lính - học sinh. Câu thơ như thoảng một chút mơ màng, một chút mộng mơ rất đáng yeu”.
 

Bình luận bằng Facebook

Top