PGS.TS Mai Thanh Phong: Khẳng định đẳng cấp với thế giới

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Làm thế nào trường ĐH chưa hoạt động theo mô hình tự chủ đạt được kết quả đáng tự hào như vậy? Báo GD&TĐ có cuộc trao đổi với PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa xung quanh vấn đề này.

Kiên trì theo đuổi mục tiêu

- Dẫn đầu cả nước với 27 CTĐT đạt các chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế, nhà trường đã có sự chuẩn bị thế nào, thưa ông?

- Trường ĐH Bách khoa đã định hướng cho công tác đào tạo với mục tiêu hội nhập quốc tế từ rất sớm. Để thực hiện mục tiêu này, nhà trường kiên trì và tập trung nguồn lực để xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng nhằm đạt được sự công nhận chất lượng đào tạo từ các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín.

Cột mốc đầu tiên năm 2004, trường được Ủy ban văn bằng kỹ sư Pháp (Commission des Titres d’Ingénieur - gọi tắt là Ủy ban CTI) kiểm định và công nhận trong thời gian từ 2004 - 2010, cho 5 ngành: Viễn thông, Hệ thống năng lượng, Cơ điện tử, Hàng không, Vật liệu tiên tiến. Sự kiện này và các chứng nhận kiểm định quốc tế khác về chất lượng các CTĐT của nhà trường trong thời gian tiếp sau, là kết quả của quá trình nỗ lực tự hoàn thiện trong hoạt động đào tạo và phục vụ đào tạo của nhà trường.

- Nhiều CTĐT đạt chuẩn quốc tế mang lại những thuận lợi gì đối với người học và nhà trường?

- Trước tiên, các chứng nhận kiểm định CTĐT đạt chuẩn mực quốc tế khẳng định cam kết về chất lượng đào tạo của tập thể lãnh đạo, giảng viên - viên chức nhà trường đối với sinh viên, phụ huynh, đơn vị sử dụng lao động và đối với xã hội. Ngoài ra, việc khẳng định được chất lượng đào tạo đạt trình độ quốc tế cũng là một trong những mục tiêu chính yếu góp phần hoàn thành sứ mệnh của nhà trường.

Đồng thời, giúp nhà trường xây dựng "văn hóa chất lượng" đúng nghĩa cho mọi hoạt động, không chỉ riêng trong hoạt động đào tạo. Cũng cần nói thêm, các thành tích này góp phần nâng cao hình ảnh của nhà trường trong xã hội, đóng vai trò quan trọng trong khẳng định đẳng cấp của nhà trường với hệ thống các ĐH trên thế giới.

Về phía người học, các kết quả kiểm định chất lượng đào tạo quốc tế giúp họ nhanh chóng gia nhập đội ngũ lao động chất lượng cao toàn cầu. Sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình đạt chuẩn quốc tế này có nhiều lợi thế trong tuyển chọn của các doanh nghiệp quốc tế. Các sinh viên có nguyện vọng tiếp tục học tập – nghiên cứu ở mức cao hơn được ưu tiên trong các kỳ tuyển chọn của các trường ĐH danh tiếng trên thế giới. Các chứng nhận ABET, CTI, ACBSB… và mở rộng cửa cho người học tham dự vào những thị trường lao động khó tính nhất như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản…

- Các ngành học của trường thay đổi như thế nào sau khi đạt các chuẩn kiểm định quốc tế?

- Các đoàn kiểm định quốc tế, khi làm nhiệm vụ tại trường, luôn công bố báo cáo chỉ rõ những tiêu chí đạt tốt cần phát huy và cả tiêu chí cần điều chỉnh, hoàn thiện. Đây là điều kiện cốt lõi để nhà trường luôn có những định hướng đúng trên con đường vươn tới đào tạo tinh hoa. Cũng cần phải ghi nhận, tác dụng lan tỏa của hoạt động kiểm định trong toàn trường cho các ngành khác, kinh nghiệm triển khai hoạt động đào tạo chất lượng quốc tế, quy trình để bảo đảm chất lượng đào tạo đồng bộ trong toàn trường.


PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM). Ảnh: NTCC

CDIO - huấn luyện viên tài tình

- Trường là thành viên đầu tiên của ĐHQG xây dựng CTĐT theo phương pháp luận CDIO. Phải chăng nhà trường có nhiều CTĐT đạt chuẩn quốc tế là kết quả quá trình áp dụng phương pháp này?

- Phương pháp luận CDIO là công cụ hướng dẫn cách thức xây dựng, triển khai và vận hành chương trình đào tạo. Việc sử dụng hiệu quả công cụ này trong xây dựng CTĐT đã chứng minh CTĐT của nhà trường được xây dựng chặt chẽ, khoa học và logic với các chuẩn đầu ra phù hợp với cơ hội việc làm quốc tế. Có thể ví phương pháp luận CDIO như một huấn luyện viên tài tình giúp nhà trường đạt thành tích cao trong đường đua chất lượng đào tạo đẳng cấp quốc tế.

Hiện nay, bên cạnh việc sử dụng phương pháp luận CDIO cho hoạt động đào tạo, nhà trường cũng triển khai hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 vào các hoạt động hành chính, quản lý. Các công tác chính yếu của từng đơn vị đều được xây dựng thành quy trình rõ ràng, cụ thể, tạo sự phối hợp nhịp nhàng trong toàn hệ thống, từ đó giúp nhà trường đạt được kết quả kiểm định nói riêng và chất lượng đào tạo nói chung như hiện nay.

- Việc tham gia kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế rất tốn kém. Đây có phải rào cản với trường chưa hoạt động theo mô hình tự chủ ĐH?

- Trường ĐH Bách khoa đang trong tiến trình trở thành một ĐH tự chủ. Tuy nhiên, từ lâu trường đã có định hướng chiến lược là đào tạo chất lượng cao chú tâm đến hội nhập quốc tế cho người học. Do xác định cụ thể mục tiêu như vậy nên nhà trường luôn kiên định tìm kiếm và tận dụng kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau như ngân sách Nhà nước, nguồn thu sự nghiệp của trường, nguồn tài trợ...

Bên cạnh đó, để duy trì và nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn kiểm định, ngoài việc chuẩn bị tốt nguồn lực về con người, việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất cũng quan trọng không kém và tốn không ít chi phí. Chính vì thế, trong nhiều năm qua, nhà trường chú tâm thu hút đầu tư, hợp tác với doanh nghiệp, cựu sinh viên, tổ chức, cơ sở giáo dục trong và ngoài nước nhằm duy trì và nâng cao chất lượng mọi hoạt động của trường, trong đó có hoạt động đào tạo. Đây là nguồn kinh phí quan trọng để cải tạo, nâng cấp, trang bị mới cơ sở vật chất dùng cho đào tạo – một trong những tiêu chí để đạt được chứng nhận kiểm định.

- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top