PGS.TS Đinh Gia Lê: Duyên nợ với giáo dục

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Biên soạn sách đòi hỏi cách làm khoa học, cẩn trọng

Xuất thân trong gia đình có truyền thống về mĩ thuật và giáo dục, khi nhận lời mời của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về biên soạn sách Mĩ thuật phổ thông, PGS.TS Đinh Gia Lê luôn trăn trở với những câu hỏi: Tại sao đa số học sinh càng lớn lên càng ngại tiếp xúc với mĩ thuật? Biên soạn sách Mĩ thuật phổ thông bắt đầu từ đâu?...

Để trả lời những câu hỏi này, ngay khi có Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, năm 2017, ông cùng các cộng sự đã biên soạn 2 cuốn Giáo dục Mĩ thuật phổ thông (giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn định hướng nghề nghiệp) trong đó xây dựng hệ thống lý luận làm cơ sở để biên soạn nội dung, phương pháp dạy học phù hợp trên tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện. Đây có lẽ là một cách làm khoa học và cẩn trọng đối với công việc liên quan đến giáo dục phổ thông, tác động đến nhiều thế hệ.

Ý thức tầm quan trọng, sức ảnh hưởng công việc của mình, ông cùng cộng sự từng bước nghiên cứu, học hỏi và dần hoàn thiện hệ thống nội dung và phương pháp dạy học mĩ thuật phổ thông, trong đó chú trọng đến việc xác định đối tượng của môn học, bởi theo ông, nếu ngay từ đầu đã nhầm lẫn thì càng đi càng sai.

Rồi xác định đâu là mục đích của bài học và mục đích này khi nào chuyển thành phương tiện để học sinh tiếp tục lấy đó là cơ sở để lĩnh hội những tri thức mới. Điều đó cũng tạo nên sự hấp dẫn, hứng thú đối với người học, thể hiện sự vận động, phát triển của đối tượng cần lĩnh hội, chứ không đứng yên, khô cứng như trước.

Cho rằng việc biên soạn sách giáo khoa trong bối cảnh ngày nay cần tính chuyên nghiệp nên mỗi tác giả tìm cho mình hướng đi đúng trên cơ sở đáp ứng được tính chuyên ngành, cũng như yếu tố sư phạm (dạy được và học được). Điều này phải dựa trên thành tựu của tâm lý học và khoa học chuyên ngành chứ không thể dựa vào kinh nghiệm, vì tư duy kinh nghiệm chỉ điều chỉnh được những việc đã có chứ không có ích nhiều đối với việc sẽ có, nhất là những cách tiếp cận theo nguyên lý mới.

Người biên soạn sách: Tác giả kiêm người thầy đứng lớp


Một cuốn sách đẹp về hình thức, có nội dung và phương pháp dạy học tích cực nhưng không triển khai được trong nhà trường, giáo viên không dạy được và học sinh không học được thì cũng thất bại. Và khi giáo viên tổ chức dạy học theo đúng nội dung, phương pháp trong sách do mình biên soạn thì không thể đổ lỗi vì bất kỳ lý do nào.

Do đó, tác giả sách giáo khoa hiện nay không chỉ ngồi trong phòng viết theo ý chí chủ quan mà phải xuống nhà trường, dự giờ xem thực tiễn dạy học ở cơ sở như thế nào, từ việc dạy của giáo viên, phòng học của nhà trường cho đến hoạt động nhận thức của học sinh để từ đó xây dựng nội dung, phương pháp dạy học phù hợp giữa lý luận và thực tiễn. Sau đó, người biên soạn tập huấn về nội dung, phương pháp cho giáo viên đứng lớp và hỗ trợ kỹ thuật định kỳ để đảm bảo hoạt động dạy – học trong nhà trường có hiệu quả nhất.

Hay có thể hiểu rằng, người biên soạn sách hiện nay phải đảm nhận cả 3 vị trí: Người thầy viết sách – người thầy đứng lớp – người thầy tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật. Chính việc xác định bản thân mình có nhiều vị trí trong hệ thống nên trong công việc, người biên soạn sách phải xử lý được các mối quan hệ này một cách hài hòa và khi đó, người biên soạn sách mới đưa ra được những giải pháp hữu hiệu, không xa rời với thực tế nhà trường, tránh đi vào “vết xe đổ” trước đây.

PGS.TS Đinh Gia Lê xuất thân trong một gia đình có truyền thống về giáo dục mĩ thuật. Ông được đào tạo mĩ thuật bài bản tại Trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam và Đại học Mĩ thuật Dresden – CHLB Đức. Trong mấy chục năm công tác, ông đảm nhận các công việc chủ yếu liên quan đến hoạt động giáo dục nghệ thuật tại các trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực này như: Trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam, Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Hà Anh
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top