Ông chủ tạp hóa có hàng trăm học trò

Duy Ly

Lang thang mạng
#1
Mỗi khóa học hè mất khoảng 40 triệu đồng, ông Hiền tự bỏ tiền túi ra thuê thày cô giỏi về bồi dưỡng Toán, Văn cho 300 học sinh trong vùng suốt 4 năm qua.
Chưa một lần đứng trên bục giảng nhưng ông Trịnh Xuân Hiền (50 tuổi) được người dân làng chài nghèo Phương Tân, xã Bình Nam (Thăng Bình, Quảng Nam) trìu mến gọi bằng thầy bởi đã tổ chức lớp học tình thương suốt 4 năm qua.

Là chủ tiệm tạp hóa nhỏ ở Phương Tân, ông Hiền bỏ tiền thuê các thầy cô về dạy hè cho học sinh. Mỗi khi kết thúc năm học, ngôi nhà của ông lại chật kín các bé đến xin đăng ký bồi dưỡng. Cứ như vậy trong suốt 4 năm qua, nhà của ông trở thành ngôi trường thứ hai của hàng trăm học sinh làng chài.


Thấy học sinh trong vùng vì hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện học tập nên ông Trịnh Xuân Hiền đã bỏ tiền túi mở lớp học tình thương 4 năm nay. Ảnh: Tiến Hùng.

"Ở đây đời sống kinh tế còn khó khăn nên điều kiện học tập của các cháu còn rất thiếu thốn, không được học thêm như những vùng khác nên thành tích học tập còn rất hạn chế. Tỷ lệ học lên cấp 3 của học sinh nơi đây rất ít", ông Hiền chia sẻ về ý tưởng mở lớp tình thương của ông.

Năm 2011, ông Hiền thuê 3 thầy cô giỏi của các trường trong huyện để về dạy kèm 3 môn cho các em lớp 9 thi chuyển cấp. Lúc đầu, nhiều người chưa tin lớp học miễn phí nên còn ngại ngùng, ông phải đến từng nhà để vận động. Một thời gian sau, hàng trăm học sinh gần xa kéo đến nhà ông xin học.

Nhiều em lớp 7, lớp 8 cũng bày tỏ nguyện vọng được tham gia. Thấy tinh thần hiếu học được nhen nhóm, ông mở thêm 4 khóa học, từ lớp 6 đến lớp 9, mỗi khóa với 3 môn chính là Toán, Ngữ văn và Hóa học. Mỗi năm có khoảng 300 học sinh tham gia lớp học hè của ông Hiền.

Năm học 2014, xen lẫn các tiết học chính, các em học sinh còn được ông Hiền cùng thầy cô chuyển tải các kiến thức về biển, đảo quê hương, về cuộc chiến bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa. "Gia đình em làm nghề đi biển, nhờ tham gia khóa học này mà em hiểu biết hơn về những khó khăn cha, ông đang gặp phải khi ra khơi", Đỗ Thị Mai, học sinh lớp 8, xã Bình Nam chia sẻ.


Ngoài việc bồi dưỡng kiến thức trước khi vào năm học mới, lớp học còn là nơi chuyển tải những hiểu biết về biển, đảo quê hương, về những khó khăn mà cha, ông các em đang gặp phải khi đang ra khơi đánh cá. Ảnh: Tiến Hùng.

Kết thúc mỗi năm học, ông Hiền trao 20 suất học bổng động viên 50.000 đồng cho các em có thành tích xuất sắc. "Mỗi khóa học hè, từ tiền thuê thầy cô, tiền nước, điện phục vụ lớp học hết khoảng 40 triệu đồng. Số tiền đó phần lớn tôi trích ra từ việc buôn bán. Ngoài ra, bạn bè gần xa thấy việc làm có ích nên thỉnh thoảng cũng ủng hộ".

Ngày khai giảng khóa học năm 2014, nhiều đơn vị cá nhân ở địa phương đã quyên góp cho ông gần 6 triệu đồng, nhưng ông Hiền đã dùng số tiền đó để ủng hộ cho Quỹ chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo của huyện Thăng Bình.

"Trước đây, học lực của các em còn nhiều hạn chế, từ khi có lớp tình thương của ông Hiền, chất lượng học tập được nâng cao rất nhiều. Điểm thi chuyển cấp lên lớp 10 của trường đạt tỷ lệ cao. Việc làm của ông Hiền rất hiệu quả với học sinh vùng biển khó khăn này", thầy Nguyễn Văn Quang, Hiệu trường trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Bình Nam, Thăng Bình) nói.

Ông Võ Xuân Tùng, Bí thứ Đảng ủy xã Bình Nam cho hay, hầu hết các em tham gia khóa học đều có gia đình làm nghề đánh cá ngoài khơi xa. Lớp học ở thôn Phương Tân do ông Hiền mở ra không những đóng góp vào việc học tập của con em mà còn giúp phụ huynh gửi con vào đây an tâm đi biển.

Tiến Hùng
Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/ong-chu-tap-hoa-co-hang-tram-hoc-tro-3021532.html
 

Bình luận bằng Facebook

Top