Ôn tập môn Sinh: Kiến thức trọng tâm phần Sinh thái học

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Ghi nhớ các đặc trưng

Theo ma trận đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, phần Sinh thái chiếm 7 câu, gồm 2 câu nhận biết, 3 câu thông hiểu và 2 câu vận dụng. Như vậy, việc thí sinh trả lời đúng các câu hỏi, ghi điểm tuyệt đối ở từng phần kiến thức là điều quan trọng. Thí sinh cần nắm chắc kiến thức phần này.

Ở bài 35, thí sinh chú ý kiến thức ở phần Giới hạn sinh thái và ổ sinh thái. Ngoài việc học kĩ bài, các em cần biết phân tích biểu đồ. Chú ý hai khái niệm giới hạn sinh thái và ổ sinh thái, bởi nhiều em hay nhầm lẫn khi làm bài trắc nghiệm, cần ghi nhớ và gạch dưới ý quan trọng nhất để phân biệt. HS cần phân biệt nơi ở và ổ sinh thái.

Ở bài 36, thí sinh cần nhận biết đâu là quần thể sinh vật. Ở bài 37 và 38: Các đặc trưng cơ bản của quần thể sinh vật, các em cần nắm chắc: Tỉ lệ giới tính; Nhóm tuổi; Sự phân bố cá thể của quần thể; Mật độ cá thể của quần thể; Kích thước của quần thể; Tăng trưởng của quần thể. Ở phần này,tên của sáu đặc trưng của quần thể thường hỏi trong trắc nghiệm, các em cần làm bảng sơ đồ để dễ nhớ và đừng nhầm lẫn với các đặc trưng của quần xã. Ngoài ra,các em cần phân biệt khái niệm kích thước của quần thể với mật độ các thể trong quần thể.

Bài 39 đã giảm tải, HS có thể đọc tại nhà để hiểu rõ vấn đề hơn. Ở bài 40: Quần xã sinh vật và một số đặc trưng cơ bản của quần xã, HS cần lưu ý trọng tâm các đặc trưng cơ bản của quần xã; Đặc trưng về thành phần loài: Số lượng loài và số lượng cá thể của mỗi loài; Loài ưu thế và loài đặc trưng; Đặc trưng về phân bố cá thể trong không gian của quần xã.

Ngoài ra, HS cần lưu ý cấu trúc phân tầng và ý nghĩa của sự phân tầng; Quan hệ giữa các loài trong quần xã sinh vật. Ở phần này, câu hỏi thường cho ví dụ rồi yêu cầu thí sinh nhận định tên của mối quan hệ. Bài 41 được giảm tải,thí sinh có thể tự tham khảo.

Ở bài 42 về Hệ sinh thái cũng giảm tải ở phần III trong SGK (các kiểu hệ sinh thái), tuy nhiên phần không giảm tải các em cũng cần nắm kĩ. Vì câu hỏi kiến thức dạng bài này hay đưa ra ví dụ yêu cầu HS xác định đâu là hệ sinh thái lớn nhất, hệ sinh thái nhỏ nhất.

Bài 43 về Trao đổi vật chất trong hệ sinh thái, đã giảm tải phần II (Tháp sinh thái). Các mục còn lại, thí sinh cần phân biệt chuỗi thức ăn, lưới thức ăn; Phân biệt sinh vật sản xuất, sinh vật tiêu thụ (bậc 1, 2, 3…); Phân biệt các bậc dinh dưỡng. Phần này cũng thường xuất hiện trong đề thi những năm gần đây.

Bài 44 về Chu trình sinh địa hóa và sinh quyển, HS lưu ý kiến thức phần II của bài (Một số chu trình sinh địa hóa). Các em cần hiểu lượng khí CO2 tăng cao do nạn chặt phá rừng, khí thải của xe máy, xe hơi, khí thải nhà máy là một trong những nguyên nhân gây nên hiệu ứng nhà kính.

HS cần hiểu các biện pháp bảo vệ môi trường, nêu được biện pháp sinh học làm tăng năng suất cây trồng và cải tạo đất như: Trồng cây họ đậu, thả bèo hoa dâu, chế phẩm sinh học.

Bài 45 về Dòng năng lượng trong hệ sinh thái, có thể có bài tập đơn giản tính toán về hiệu suất chuyển hóa năng lượng.

Lưu ý với các câu hỏi liên quan


Học sinh lớp 12 tại TPHCM trong giờ ôn tập môn Sinh.

Ở phần kiến thức bài 35, đề tham khảo lần 1 của Bộ GD&ĐT công bố ở câu 107 hỏi: Một loài cá chỉ sống được trong khoảng nhiệt độ từ 50C - 420C. Đối với loài cá này, khoảng nhiệt độ từ 50C - 420C được gọi là? Các em phải nhớ từ khoá giới hạn sinh thái về nhiệt độ.

Ngoài ra, những câu hỏi đơn giản liên quan đến phân biệt nơi ở và ổ sinh thái, HS cũng cần lưu ý. Ví dụ: Trên một cây to có nhiều loài chim sinh sống, có loài sống trên cao, có loài sống dưới thấp. Như vậy chúng cùng nơi ở nhưng thuộc hai ổ sinh thái khác nhau. Ví dụ: Trên một cây to, có chim ăn sâu và chim ăn hạt, chúng cùng nơi ở nhưng thuộc hai ổ sinh thái khác nhau.

Ở phần kiến thức bài 37 và 38 về Các đặc trưng cơ bản của quần thể sinh vật. Tên của sáu đặc trưng của quần thể hay được đề cập trong câu hỏi của đề thi. Thí sinh đừng nhầm lẫn với đặc trưng của quần xã và cần phân biệt khái niệm kích thước của quần thể với mật độ các thể trong quần thể.

Câu trắc nghiệm có thể hỏi: Hãy cho biết kích thước của quần thể voi trong rừng mưa nhiệt đới là bao nhiêu? Thí sinh lưu ý ngay đến 25 con/quần thể. Ví dụ về mật độ cá thể của quần thể: Mật độ cây thông là 1.000 cây/ha đồi.

Câu hỏi có thể ra tương tự như câu 96 trong đề tham khảo lần 1 của Bộ GD&ĐT: Quần thể sinh vật không cóđặc trưng nào? Thí sinh lưu ý đến cách đặt câu hỏi vào từ "không có đặc trưng nào" và đáp án về thành phần loài. Vì thành phần loài là đặc trưng của quần xã, nên không phải là đặc trưng của quần thể.

Ở bài 40, câu hỏi thường xuất hiện như: Sự phân tầng của thực vật trong rừng mưa nhiệt đới chủ yếu do sự khác nhau về nhu cầu? Các em nhớ từ khoá Ánh sáng.

Liên quan đến nội dung mục quan hệ giữa các loài trong quần xã sinh vật, phần này, câu trắc nghiệm hay cho ví dụ rồi yêu cầu thí sinh nhận định tên của mối quan hệ. Ví dụ: Chim mỏ đỏ và linh dương có mối quan hệ gì? Câu trả lời là Hợp tác. Hay câu hỏi Sử dụng ong mắt đỏ để tiêu diệt sâu đục thân là hiện tượng gì? Đáp án là: Hiện tượng khống chế sinh học.

Ngoài ra, ở đề tham khảo lần 2, câu 89 hỏi: Quan hệ giữa lúa và cỏ trong một ruộng lúa thuộc quan hệ? Đáp án là Cạnh tranh. Hay câu hỏi: Hệ sinh thái nào có kích thước nhỏ nhất? Thí snh nhớ ngay tới: Một giọt nước ao.

Bài 43 về Trao đổi vật chất trong hệ sinh thái có xuất hiện trong đề tham khảo lần 1. Ở câu 100: Trong một chuỗi thức ăn mở đầu bằng sinh vật sản xuất, sinh vật nào sau đây thuộc bậc dinh dưỡng cấp 2? Hay ở câu 108 cho chuỗi thức ăn Cây ngô -> Sâu ăn lá ngô -> Nhái -> Rắn hổ mang -> Diều hâu. Trong chuỗi thức ăn này, loài nào là sinh vật tiêu thụ bậc 3? Đáp án: Rắn hổ mang.

Ở bài 44 về Chu trình sinh địa hóa và sinh quyển, đề tham khảo lần 2 câu 102: Hoạt động nào sau đây của con người làm giảm nồng độ CO2 trong khí quyển, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính? Từ khóa là: Trồng rừng và bảo vệ rừng.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top