Ôn tập môn Hóa giai đoạn “nước rút”: Học hiểu không học “vẹt”

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Lưu ý với từng mảng kiến thức

Với phần câu hỏi thực nghiệm: Các câu hỏi về kiến thức thực tiễn, HS cần quan tâm đến những kiến thức và vấn đề của Hóa học tác động đến kinh tế, xã hội, môi trường (cả lợi ích và tác hại). Hoặc HS có thể vận dụng kiến thức Hóa học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn quen thuộc như xử lí ô nhiễm môi trường, hóa chất tác động đến môi trường nước, đất, không khí, con người, cách sử dụng hóa chất hợp lí…

Ở dạng bài tập về peptit và muối amoni của amin, aminoaxit, este của aminoaxit và peptit, lưu ý HS tăng cường ôn tập về những phản ứng thể hiện được bản chất hóa học của amin, aminoaxit, peptit như phản ứng axit-bazơ, thủy phân, este hóa và tập trung vào amin, aminoaxit cơ bản mà SGK cung cấp.

Loại bài tập vận dụng cao trong đề minh họa năm nay không tập trung khai thác vào loại bài khó của peptit cần phải áp dụng các phương pháp giải phức tạp như đồng đẳng hóa và trùng ngưng hóa.

HS muốn làm tốt những câu này thường phải có kiến thức về tính chất hóa học của amin, amino axit và peptit phải chắc chắn, đồng thời có tư duy nhanh nhạy, kết hợp khả năng suy luận tốt chứ không chỉ áp dụng 1 cách máy móc các phương pháp giải tham khảo trên mạng.

Với chương điện li: Về lí thuyết HS cần nắm vững các kiến thức về chất điện li, sự điện li, điều kiện để xảy ra phản ứng trong dung dịch các chất điện li, viết được phương trình dạng ion, pH của dung dịch, khái niệm axit – bazơ – muối, xác định được môi trường của 1 dung dịch là axit hay bazơ. Những câu lí thuyết vận dụng cao hay có sự kết hợp kiến thức về phản ứng oxi hóa – khử với dung dịch điện li.

Về bài tập tính toán: HS cần nắm được các bài tập về tính pH của dung dịch, nồng độ dung dịch, áp dụng các định luật bảo toàn khối lượng và bảo toàn điện tích trong các dung dịch chất điện li.


Cô Nguyễn Mai Phượng – Tổ trưởng tổ Hóa học trường THPT Chuyên Lào Cai

Ở chương hidrocacbon. Với việc học lí thuyết, HS cần hệ thống hóa được những phản ứng cơ bản và đặc trưng của hidrocacbon và liên hệ những tính chất của các loại hidrocacbon cơ bản đó với nhau tránh việc nhớ máy móc. Nắm được cách gọi tên của các hidrocacbon thường gặp mà SGK cung cấp.

Về Hidrocacbon và Hóa học hữu cơ (HCHC) nói chung, HS cần phân tích được điểm cấu tạo của HCHC để HS có thể hiểu và suy luận được tính chất của các chất mà không cần học thuộc lòng một cách máy móc.

Việc giải các bài tập toán hidrocacbon chủ yếu sử dụng các định luật bảo toàn nguyên tố, bảo toàn khối lượng, bảo toàn liên kết p, phương pháp sử dụng công thức trung bình. Tuy nhiên tùy từng bài tập mà HS vận dụng 1 cách linh hoạt các phương pháp này để giải quyết.

Với nhóm IVA: Vẫn như những cách học những mảng kiến thức về nguyên tố khác HS cần nắm đặc điểm cấu tạo nguyên tử để từ đó suy luận ra tính chất hóa học của Cacbon (C), Silic (Si) và hợp chất của chúng.

Những nguyên tố này tính chất hóa học, vật lí không quá phức tạp nhưng đơn chất và hợp chất của chúng lại gần gũi và có nhiều ứng dụng trong thực tế. Vì vậy HS cần chú ý đến những câu hỏi liên quan đến ứng dụng và giải quyết các vấn đề thực tế có liên quan đến đơn chất và hợp chất của C, Si…


HS khối 12 cần phương pháp ôn tập hiệu quả trong giai đoạn "nước rút"

Từ bỏ kiểu học thuộc lòng

Cô Nguyễn Mai Phượng đưa ra lời khuyên: HS cần cố gắng học hiểu bản chất chứ không học thuộc lòng. Phải luyện viết phương trình phản ứng thay vì học thuộc phương trình vì khi làm các bài ở mức độ thông hiểu trở lên HS không thể nhớ máy móc mà có thể trả lời dễ dàng.

Một cách học thông minh và khoa học là khi trả lời một câu hỏi trắc nghiệm HS không chỉ cần học mỗi câu trả lời đúng mà những câu trả lời sai cần phải hiểu tại sao sai. Từ một câu hỏi có thể tự xây dựng thêm những câu hỏi khác tương tự bằng cách thay đổi: cách hỏi, các chất hóa học khác, số liệu, hiện tượng hóa học… Cách học này giúp HS có thêm kiến thức và trả lời được nhiều câu hỏi trắc nghiệm, hiểu bài sâu sắc, lường trước những tình huống đề bài có thể đề cập.

Cô Phương khẳng định, bước vào làm bài thi thì kiến thức là quan trọng hàng đầu vì có chắc chắn kiến thức thì tâm lí mới vững vàng. "Yếu tố tâm lí chỉ đóng vai trò nhỏ trong việc làm các bài thi. Nếu kiến thức chắc chắn HS sẽ tự tin làm bài, nếu không sẽ hoang mang và bị áp lực" - cô Phượng đưa ra lời khuyên.

Cũng theo cô Phượng, trong trường hợp HS có kiến thức chắc nhưng vẫn bị yếu tố tâm lí tác động thì phải tự luyện cho mình tâm lí vững vàng hơn bằng cách tự luyện giải đề thi. HS bấm thời gian giải đề như qui định để biết năng lực bản thân đến đâu? những sai lầm hay gặp trong quá trình làm bài là gì?... Từ đó rút kinh nghiệm cho bản thân và củng cố chắc hơn kiến thức bản thân.

"Các đề thi thử, HS có thể tự tìm kiếm trên các trang mạng hoặc xin đề từ GV để luyện và chủ động hỏi những kiến thức chưa hiểu, chưa chắc chắn. Đó là cách củng cố kiến thức hiệu quả và có lời giải chính xác cho các câu hỏi khi làm bài..." – cô Phượng chia sẻ.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top