Ôn tập kỹ năng làm văn nghị luận văn học về 1 bài thơ

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Mở bài - giới thiệu vấn đề nghị luận

Dưới đây là 2 trong nhiều cách mở bài:

Cách 1: Giới thiệu tác giả (vài nét về tác giả, phong cách nghệ thuật tiêu biểu), giới thiệu bài thơ (hoàn cảnh sáng tác, vị trí,…); dẫn bài thơ.

Ví dụ: Với mở bài cho đề: Cảm nhận về bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương” của Phan Bội Châu, có thể mở bài như sau:

Phan Bội Châu được nhắc đến là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có ý thức dùng văn chương để vận động, tuyên truyền cách mạng. Ông cũng chính là người khơi dòng cho loại văn chương trữ tình chính trị. Trong đó, bài thơ "Lưu biệt khi xuất dương" là một tác phẩm tiêu biểu. Đây là bài thơ được viết trong bữa cơm ngày Tết mà Phan Bội Châu đã tổ chức ở nhà mình để chia tay với các bạn bè, đồng chí trước lúc lên đường sang Nhật Bản năm 1905. "Lưu biệt khi xuất dương" đã thể hiện ý tưởng lớn lao, mới mẻ đầy trách nhiệm của tác giả, thể hiện niềm hăm hở, quyết tâm cao độ trong buổi đầu vượt biển đi ra nước ngoài để "mưu sự phục quốc".

Cách 2: Mở bài bằng cách đưa câu nói, câu thơ…liên quan đến vấn đề nghị luận. Cụ thể: Dẫn câu nói, câu thơ… liên quan đến vấn đề nghị luận ; giới thiệu về tác giả (phong cách nghệ thuật tiêu biểu) ; trích dẫn đề.

Ví dụ, cũng với đề bài như trên, có thể mở bài như sau: “Chúng ta có thể nói rằng trong lịch sử giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu là một nhân vật vĩ đại” (Tôn Quang Phiệt). Phan Bội Cháu là linh hồn của các phong trào vận động giải phóng Tổ quốc khoảng 25 năm đầu thế kỉ XX. Tên tuổi ông gắn liền với các tổ chức yêu nước như Hội Duy Tân, phong trào Đông du, Việt Nam Quang Phục Hội.

Thơ văn Phan Bội Châu là thơ văn tuyên truyền, cổ vũ lòng yêu nước, khơi gợi lòng căm thù giặc ; thấm đượm cảm xúc, sôi sục nhiệt huyết, có nhiều hình tượng đẹp nói về cảm hứng yêu nước và lí tưởng anh hùng. Tiêu biểu nhất là bài thơ “Xuất dương lưu biệt” ông làm tặng các đồng chí trong buổi đầu lên đường. Có thể nói, bài thơ này như một mốc son chói lọi trong sư nghiệp giải phóng dân tộc của nhà chí sĩ Phan Bội Châu. ..

Thân bài: Lần lượt triển khai từng luận điểm

Ví dụ, với đề bài yêu cầu cảm nhận về một bài thơ (thể thất ngôn bát cú đường luật), triển khai từng luận điểm như sau:

Luận điểm 1- phân tích hai câu đề: Phân tích nội dung; phân tích nghệ thuật; liên hệ dẫn chứng mở rộng (nếu có). Câu chuyển sang luận điểm 2 (dùng cụm từ chuyển ý: nếu như, bên cạnh đó, nếu…thì, hơn thế nữa…).

Luận điểm 2 - phân tích hai câu thực: Phân tích nội dung; phân tích nghệ thuật; liên hệ dẫn chứng mở rộng (nếu có). Câu chuyển sang luận điểm 3 (dùng cụm từ chuyển ý: nếu như, bên cạnh đó, nếu…thì, hơn thế nữa…).

Luận điểm 3 - phân tích hai câu luận: Phân tích nội dung; phân tích nghệ thuật; ;iên hệ dẫn chứng mở rộng (nếu có). Câu chuyển sang luận điểm 4 (dùng cụm từ chuyển ý: nếu như, bên cạnh đó, nếu…thì, hơn thế nữa…).

Luận điểm 4 - phân tích hai câu kết: Phân tích nội dung; phân tích nghệ thuật; liên hệ dẫn chứng mở rộng (nếu có); câu chuyển ý sang phần đánh giá.

Lưu ý: Phần triển khai các luận điểm, để tránh gập khuôn máy móc, học sinh cần linh hoạt về cách diễn đạt các đoạn văn. Ví như ở luận điểm 1 diễn đạt theo lối diễn dịch, đến luận điểm 2 diễn đạt theo lối qui nạp.

Khi chuyển ý nhớ xem nội dung chính của đoạn thơ mình sẽ triển khai là gì? Để có cách triển ý hay, phù hợp.

Liên hệ dẫn chứng mở rộng: Khi cần mới liên hệ, không phải đoạn văn nào cũng liên hệ. Liên hệ thơ, ca dao, tục ngữ, câu nói hay, lí luận phải phù hợp với nội dung phân tích.

Luận điểm 5 - đánh giá

Kết bài: Khái quát những vấn đề đã trình bày ở phần thân bài

Giáo sư Trần Đình Sử đã nêu vấn đề này như sau: Một kết bài phải thể hiện đúng quan điểm đã trình bày ở phần thân bài, chỉ nêu những ý khái quát có tính tổng kết, đánh giá. Không lan man hay lặp lại cụ thể những gì đã trình bày ở thân bài hay lặp nguyên văn lời lẽ mở bài.

Có 3 cách kết bài như sau:

Cách một : Tóm lược (tóm tắt quan điểm, nội dung đã nêu ở thân bài).

Cách hai: Phát triển, mở rộng thêm vấn đề đặt ra.

Cách ba: Liên tưởng, mượn ý tương tự – những ý kiến có uy tín- để thay cho lời tóm tắt của người làm.

Ví dụ: Lưu biệt khi xuất dương khép lại trong một niềm hân hoan, hứng khởi trào dâng mãnh liệt của nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu trong buổi ra đi tìm đường cứu nước. Sự kết hợp đầy mới mẻ đậm chất thơ văn trung đại với những tư tưởng nội dung mang hơi thở của nhịp sống đương thời đã làm nổi bật hình tượng người chí sĩ yêu nước những năm đầu thế kỉ XX. Giọng thơ nhiệt huyết, lay động này đã tiếp thêm sức mạnh, đã thổi bùng khát khao cho biết bao kẻ sĩ thời ấy có mong muốn thực hiện chí lớn vì sự nghiệp dân tộc của mình. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã nhận xét “ Phan Bội Châu câu thơ dậy sóng” .
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top