Ốm nặng vì “bác sĩ Google“

hoangtungoc

Thành viên
#1
“Đi bác sĩ” phổ biến nhất hiện nay là đi tìm thông tin y khoa từ “BS. Google”, từ cảm lạnh thông thường đến các chứng bệnh nan y.


Phần lớn chúng ta thích chơi trò bác sĩ, tìm kiếm thông tin y khoa chỉ bằng một cú nhấp chuột, và so sánh hàng chục trang web sẵn có. Các chuyên gia cảnh báo, hãy cẩn thận với việc tự chẩn đoán.

Chứng phình mạch có thể “giả mạo” như một cơn đau đầu, bạn cho rằng chỉ cần uống thuốc đau đầu trong khi bạn thật sự cần phải có một chỉ định để chụp hình não.

Ngược lại, bạn có thể luôn trong trạng thái thần kinh căng thẳng tưởng tượng tất cả các triệu chứng bạn đang trải qua cần phải chụp chiếu, các xét nghiệm chuyên biệt và đâm ra trở nên nghiện các cách thức xoa dịu tạm thời này.

Dọa mình khi tự chẩn đoán

Chị Phạm T. H. (49 tuổi, Bình Thạnh, TP.HCM) vừa trải một cuộc kiểm tra sức khoẻ định kỳ hàng năm theo chính sách công ty. Trong lúc siêu âm tim phổi, cô kỹ thuật viên buột miệng lầm bầm: “Trời, kỳ quá. Chị có dấu hiệu bị tràn khí màng phổi”.

Một tuần sau đó, chị H. mất ăn mất ngủ, rơi vào trạng thái trầm cảm. Chị càng lúc càng lo sợ khi lên mạng tra cứu thông tin về tràn khí màng phổi, tiếng Việt xong lại qua các trang thông tin y khoa bằng tiếng Anh.

Đọc những dòng chữ như: “hội chứng tràn khí màng phổi dẫn đến đau chói ở ngực, khó thở cho đến khó thở nhiều, người bệnh thường trong bệnh cảnh sốc…”, “tràn khí màng phổi thay đổi từ đau tức ngực và khó thở nhẹ kiểu viêm màng phổi cho tới suy hô hấp và trụy tim mạch cần phải can thiệp cấp cứu ngay lập tức…”, chị H. càng cảm thấy chị có nhiều triệu chứng giống vậy, khó thở về chiều, nằm cũng khó thở, thỉnh thoảng đau ngực…

Chị H. bất an, lo lắng. Sau 10 ngày tự dày vò mình, chị quyết định đến kiểm tra lại phổi tại BV. Phạm Ngọc Thạch. Sau khi đọc kết quả siêu âm, chụp phim phổi, đo hô hấp ký đủ các kiểu, các bác sĩ ở đây kết luận phổi của chị H. vẫn bình thường.

Còn chị Nguyễn Thị K. T. (36 tuổi, Q. 10) cũng thường dò tìm thông tin mỗi khi bản thân có các triệu chứng “gì đó”. Có lần chị vào BV tốn hàng triệu đồng để chụp MRI cột sống chỉ vì bị đau lưng không chịu nổi. Hoặc có khi chị K.T. vào bệnh viện trải qua các xét nghiệm tìm vi khuẩn HP chỉ vì đau bụng, khó tiêu.

Chị K. T. cho biết đọc trên mạng, “HP có thể gây ra ung thư dạ dày nên chị rất lo sợ. Trong khi đó, ung thư dạ dày khó phát hiện. Khi đau quá không chịu được đã ở giai đoạn nguy hiểm, rất ít tỷ lệ sống thêm được 5 năm”.

PGS.TS. BS. Nguyễn Hoài Nam - Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM khuyến cáo: “Việc tra khảo thông tin là một xu hướng hoàn toàn dễ hiểu. Sử dụng các công cụ tra cứu như thế nào cho hiệu quả, và đúng đắn là một điều rất khó.

Bởi vì, tra cứu thông tin trên mạng phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của người tra cứu. Nếu là người có trình độ cao, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, họ có thể có nguồn thông tin phong phú và chính xác hơn người trình độ thấp và không có khả năng về ngoại ngữ.

Tuy nhiên, càng nhiều thông tin, người tra cứu càng loạn, càng dễ lo lắng về tình trạng sức khỏe”.

Tự chẩn đoán: khó kiểm soát bệnh trạng

Nhiều bệnh nhân cho rằng, BS chỉ định cho họ quá nhiều các xét nghiệm, trong khi bỏ qua những căn bệnh thực thể. Vậy tại sao họ không chủ động tự làm, tự chẩn đoán và tự đưa ra quyết định mình cần phải có những xét nghiệm gì.

Tuy nhiên, một BS cho biết: “Ví dụ, một bác sĩ có thể dùng kỹ thuật chẩn đoán này để xác định nguyên nhân bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, mà không cần đến kiểm tra độ nhạy cảm của mũi hoặc xét nghiệm dịch tiết.

Điều đó còn phụ thuộc vào các loại vi sinh vật gây nhiễm trùng hay mô hình “miễn dịch cộng đồng” tại thời điểm đó về mặt địa lý”.

Theo BS. Hoài Nam, đối với các chuyên gia y tế, thông tin về sức khỏe, kể cả những thông tin chính xác và không chính xác, hiện đang tràn lan trên các mạng internet, có cả hai mặt lợi và không có lợi.

Tuy nhiên, về thực hành điều trị, hại nhiều hơn là lợi, nhất là về mặt tâm lý của bệnh nhân.Tự chẩn đoán có thể làm bạn có thể đánh giá thấp hoặc thái quá mức độ cần y tế đối với tình trạng sức khỏe.

Và trong cả hai trường hợp, người bệnh đều tự hủy hoại sức khỏe của mình. BS. Hoài Nam cảnh báo: “Bạn sẽ đặt mình vào nguy cơ với tự chẩn đoán như bạn có thể bỏ lỡ một căn bệnh mà nếu nó được chẩn đoán sớm sẽ có kết quả tiên lượng tốt hơn hoặc bạn có thể đặt mình vào tình trạng căng thẳng hoặc sử dụng các loại thuốc không cần thiết với những căn bệnh thật ra không quá nghiêm trọng.”

Cố gắng tự điều trị sau khi tự chẩn đoán vô cùng nguy hiểm, đặc biệt khi bạn tự kê toa để sử dụng thuốc, nhất là kháng sinh. Theo các chuyên gia y tế, thuốc không kê toa là lựa chọn khá tốt cho các bệnh thông thường như: cảm cúm, giúp bệnh tự hết trong điều kiện không có bệnh khác đi kèm.

Nhưng đối với các bệnh mãn tính liên quan đến lối sống như đái tháo đường, cao huyết áp, mỡ máu… cần phải khẳng định “BS. Google” là lựa chọn có thể dẫn đến chết người.

Đặc biệt, bệnh nhân có tiền sử dị ứng, với một nhóm thành phần của thuốc nhất định, hoàn toàn có khả năng bị dị ứng chéo với các nhóm thuốc khác. Bệnh nhân đừng tự mạo hiểm mạng sống của mình khi tự kê toa.

Với các loại thuốc kháng sinh tự kê toa theo chỉ dẫn của “BS. Google”, bệnh nhân có thể làm hại chính mình bằng cách phát triển kháng thuốc kháng sinh, các bác sĩ cảnh báo. Uống thuốc vô tội vạ sẽ không dẫn đến chữa bệnh, thậm chí còn đánh bại các mục đích uống thuốc.

Trong trường hợp uống thuốc kháng sinh với một liều lượng nhỏ hơn (so với liều lượng/ viên/thời gian đã được quy định) sẽ dẫn đến sự phát triển của một loại bệnh nhiễm trùng kháng thuốc, khi đó căn bệnh đòi hỏi phải có áp dụng một loại thuốc kháng sinh mạnh hơn và cao hơn; bệnh nhân sẽ bị căng thẳng hơn và chi phí nhiều hơn.

TS. BS. Nguyễn Trọng Minh - Phụ trách phòng khám Tai Mũi Họng (BV Chợ Rẫy) đưa ra ví dụ: “Bệnh nấm thanh quản hiện nay có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng một phác đồ kéo dài khoảng 1 tháng.

Bệnh nhân sau đó hoàn toàn bình thường. Nhưng với cách tự điều trị, tự mua thuốc, nhiều bệnh nhân đã làm cho bệnh của mình nặng hơn. Không ít trường hợp chúng tôi tiếp nhận khi đã trong tình trạng tắc tiếng, khó thở, nấm mọc rải rác khắp thanh quản.

Kháng sinh phải dùng liều cao hơn, kéo dài không chỉ một tháng. Bệnh nhân thậm chí phải nhập viện để điều trị nâng đỡ trước, rồi chích kháng sinh kháng nấm trực tiếp chứ không thể dùng thuốc đường uống. Mà chúng ta đều biết, thuốc kháng nấm có một phần là độc tính”.

Hỗ trợ những kiến thức chung

Trong những trường hợp nào đó, internet là một công cụ tốt để hỗ trợ cuộc sống hàng ngày cho người dân, trong đó có vấn đề sức khỏe.

Tuy nhiên, theo BS. Hoài Nam, “BS. Google” chỉ cung cấp những kiến thức thông thường, chung chung về sức khỏe mà thôi. Những trường hợp chuyên sâu hơn, việc tra cứu sẽ mang lại nhiều hoang mang cho người tra cứu và gây ra những ấn tượng rất khó giải quyết khi đến khám tại bệnh viện vì bệnh nhân bị những ấn tượng về kiến thức trong thế giới ảo làm cho cuộc đối thoại giữa thầy thuốc và bệnh nhân trở nên khó khăn rất nhiều.

Người dân phải rất cẩn thận khi tiếp xúc với các thông tin tràn lan trên mạng. Nên khám và tư vấn ở một bác sĩ có uy tín mà mình tin tưởng hơn là tham khảo tràn lan các thông tin trên mạng như nhiều người đang làm hiện nay.

Người ta có thể tham khảo các trang web tìm kiếm cung cấp thông tin y tế để có được một ý tưởng chung về các triệu chứng dẫn đến khả năng chẩn đoán nhiều bệnh khác nhau.

Ví dụ, đau lưng có thể là viêm dây thần kinh tọa hoặc cũng có thể là do các bệnh phụ khoa. Nói cách khác, biết trước những gì bác sĩ có thể chẩn đoán, có thể giúp bạn không mất thời gian trong việc tìm kiếm các chuyên gia. Sử dụng các trang web là một ý tưởng tốt nhưng không phải là một công cụ để bạn ra quyết định chắc chắn.

Vì vậy, theo các khuyến cáo của chuyên gia y tế, người bệnh chỉ nên kiểm tra các triệu chứng chung trên mạng. Điều đó sẽ giúp bạn giao tiếp thông tin chính xác với bác sĩ chuyên khoa.

Cố gắng hiểu những gì bạn đọc trên các trang web và tóm tắt ngắn gọn về những kế hoạch hành động bác sĩ của bạn có thể chỉ định cho bạn, giúp tập hợp các triệu chứng và chẩn đoán, để chuẩn bị tốt hơn.

Qua thông tin tham khảo, bạn thử quản lý tốt hơn mong đợi của bạn về điều trị và thời gian cần thiết để phục hồi sức khỏe.

Nên khám và tư vấn ở một bác sĩ có uy tín mà mình tin tưởng hơn là tham khảo tràn lan các thông tin trên mạng.


Nguồn: giaoducthoidai.vn
 
Last edited by a moderator:

Bình luận bằng Facebook

Top