Nơi tuyến đầu “thời hoa lửa”

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Đây là nơi tưởng niệm 32 anh hùng liệt sĩ đã hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ tại bãi Dứa thuộc bưng Láng Sấu đêm 15/6/1968 tức 20/5 năm Mậu Thân.

Đường Nữ dân công ngày nay chính là con đường “Dân công hỏa tuyến” ngày xưa của các đoàn dân công vận chuyển súng đạn từ căn cứ Bình Thủy (Đức Hòa, tỉnh Long An) ra chiến trường là thành phố Sài Gòn – Gia Định và ngược lại tải thương về tuyến sau.

Đêm đẫm máu

Khu tưởng niệm 32 dân công hỏa tuyến tọa lạc tại ấp 4, xã Vĩnh Lộc, cũng chính là nơi hai chiếc trực thăng Mỹ vừa rọi đèn vừa điên cuồng xả đạn đại liên và M79, bắn giết đoàn dân công khi làm nhiệm vụ ở vùng ấp chiến lược Tân Hòa, cách đây hơn nửa thế kỷ.

Bà Nguyễn Thị Khỏi năm nay 76 tuổi, tên thường gọi cô Ba Khỏi. Cô Ba “Dầu Cù Là”, là nữ dân công may mắn thoát khỏi cuộc tàn sát đẫm máu ở vùng chiến lược năm xưa… Bà Ba Khỏi nhớ lại: “Ngày ấy tôi 24 tuổi. Khoảng gần 11 giờ đêm ngày 15/6/1968, (nhằm ngày 20/5 âm lịch), đoàn dân công của huyện gồm 55 người trên đường đưa thương binh về cứ. Khi chúng tôi tới đầu bưng Láng Sấu thì nghe tiếng động cơ máy bay. Một lát sau đã thấy hai trực thăng địch lao tới. Linh tính có chuyện chẳng lành, mọi người làm ám hiệu cho nhau dừng lại ẩn nấp, chờ nó bay qua rồi đi tiếp.

Nhưng máy bay vòng lại và hạ dần độ cao, pha đèn sáng rực lộ ra cả mấy mươi con người đang lõm bõm dưới bưng, dưới ruộng. Từ trên cao những khẩu đại liên và M79 cứ thế bắn xối xả như vãi trấu vào đội hình. Không còn cách nào khác, mọi người đồng loạt hô hét, mạnh ai nấy chạy, nhiều người bị máy bay đuổi theo bắn, thi thể nằm rải rác khắp nơi”.

Đường cùng, bà Ba Khỏi nhanh chân lẩn ngay vào đìa nước xung quanh có mấy cây dứa dại, hết ngụp xuống rồi lại ngoi lên dầm mình dưới vũng nước ngầu đục loang lổ máu đồng đội…

Bà Khỏi kể: “Một bụi dứa bật tung phủ lên đầu tôi. Qua kẽ bụi dứa, tôi thấy quân Mỹ đen đang xả súng xuống. Bụi dứa lại bật ra. Chờ cho mỗi lần trực thăng đảo lui là tôi bò, trườn một vài bước theo bờ ruộng. Sau cùng, gần 3 giờ sáng tới bìa xóm, muốn ngất xỉu nhưng phải kêu lớn: “Mau đi tiếp cứu, chị em chết nhiều lắm ở đầm Dứa”.

Khi những người bị thương nặng được đưa vào trong ấp thì có tin lính Mỹ ngụy tới bao vây ấp trên. Mọi người lại xuống hầm bí mật hoặc chuyển đi nơi khác. Gần trưa, chúng có lệnh cho bà con ra đầm dứa dọn dẹp tử thi. Bà Khỏi đưa tay lau giọt nước mắt: “Tới bây giờ, tâm trí tôi vẫn chưa quên được cảnh tượng hy sinh đẫm máu của 25 chị và 7 anh trong đêm kinh hoàng ấy...”.

Nơi lưu giữ ký ức “tuyến đầu hoa lửa”


Bà Nguyễn Thị Khỏi thường ngày vẫn đến thắp hương và kể về những chiến tích hào hùng năm xưa của mình và đồng đội cho thế hệ trẻ học tập. Ảnh: TL

Chiến tranh qua rồi nhưng vẫn còn lại nhiều thương đau, mất mát của bà con trong ấp 4 và 5 xã Vĩnh Lộc. Ngoài số chị em chết, bị thương, tới nay chỉ còn lại vài người, có người hiện ở xa, nay cũng đã già yếu. Bà Khỏi là người nữ dân công may mắn nhất. Sự mất mát, đau thương luôn canh cánh trong lòng khiến bà không nghĩ tới chuyện lập gia đình.

Bà luôn tự hào đã thay mặt cho các anh chị em liệt sĩ có tên trên hai tấm bia đặt trong đền thờ của khu di tích lịch sử để có ý kiến với ngành chức năng trân trọng đặt tên con đường mở ngay trên đường mòn công tác trong thời chống Mỹ cứu nước là “đường Nữ dân công”, dẫn từ trung tâm xã tới khu di tích.

Cách đây 14 năm, đúng vào giỗ (20/5) các liệt sĩ tại bưng Láng Sấu, huyện Bình Chánh đã khánh thành Khu di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân 1968. Nỗi đau theo năm tháng rồi sẽ dần vơi, nhưng bưng Láng Sấu của cái đêm trắng định mệnh ấy đã trở thành mảnh đất thiêng. Tên, tuổi, hương hồn các chị, các anh vẫn trẻ trung, thơm ngát như những bông hoa đồng nội quê nhà.

Khu di tích cũng chính là bản hùng ca về hình ảnh các cô gái vùng ven Sài Gòn đi dân công phục vụ chiến trường, là địa chỉ đỏ lưu giữ những tấm gương sáng ngời của thế hệ thanh niên dân công ở “tuyến đầu hoa lửa” trong cuộc chiến đấu vì lý tưởng cách mạng để mang lại hòa bình trọn vẹn cho dân tộc.


Khu di tích dân công hỏa tuyến tọa lạc tại ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, được UBND TPHCM công nhận là Khu di tích lịch sử cấp TP. Năm 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể đoàn dân công hỏa tuyến huyện Bình Chánh.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top