Những vũ khí trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng ngàn năm vẫn không rỉ sét

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Tần Thủy Hoàng (210 – 259 TCN) là vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, có công thống nhất đất nước và có tầm ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử của quốc gia này. Lăng mộ ông được phát hiện vào năm 1974, nằm ở phía bắc núi Ly Sơn thuộc địa phận tỉnh Thiểm Tây, cách Tây An 50 km về phía Đông.



Sau nhiều năm nỗ lực làm việc, các nhà khoa học Trung Quốc và quốc tế đã phát hiện ra hơn 8.000 bức tượng binh sĩ đất nung cùng nhiều hiện vật quý giá khác sau hơn 2.000 năm “ngủ yên” với sứ mệnh bảo vệ cho thế giới bên kia của hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Theo các nghiên cứu hiện nay, lăng mộ Tần Thủy Hoàng được xây dựng trong khoảng từ năm 246 TCN cho đến năm 208 TCN, trải dài trong 39 năm. Căn cứ theo các chứng cứ khảo cổ học thì binh đoàn đất nung cũng được tạo ra trong cùng khoảng thời gian đó.



Đối với các nhà sử học, lăng mộ của ông là một kho tàng kiến thức, ẩn chứa những chủ đề bí ẩn và gây tò mò. Một trong số đó là số vũ khí bằng đồng - gồm hơn 40.000 món nằm rải rác khắp khu di tích. Điều bí ẩn nằm ở chỗ, trải qua hơn 2.200 năm nằm dưới lòng đất ẩm ướt, những vũ khí này vẫn cực kỳ sắc bén, thậm chí có phần bóng loáng.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, những kiếm, rìu chiến, cung nỏ... được chế tác từ đồng. Thông thường, chúng sẽ bị oxy hóa thành sắc xanh lá cây theo chiều dài năm tháng. Thế nhưng, những vũ khí làm từ đồng trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng còn khá nguyên vẹn và cực kỳ sắc bén.



Vậy lý do là gì?

Sau khi kiểm tra 464 bộ phận và vũ khí bằng đồng, các nhà khoa học của Viện nghiên cứu Kim loại Trung Quốc và Học viện khoa học khảo cổ quốc gia cho rằng, số vũ khí này đã được phủ lên một lớp oxit crom dày 10 – 15 micron (1 micron = 1/1000 mm), chiếm khoảng 2% khối lượng kim loại. Lớp oxit này rất bền vững, và chính nó đã bảo vệ phần kim loại bên trong khỏi sự tấn công của thời gian.



Các chuyên gia nhận định nhà Tần sở hữu kỹ thuật rèn kim loại vô cùng phát triển. Tuy nhiên, điều đó vẫn chỉ dừng lại ở giả thuyết. Thực sự, người Tần sở hữu kỹ thuật rèn kim loại tiên tiến, hay tất cả chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Đó vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải.
Nguồn: Báo điện tử Kiến Thức
 

Bình luận bằng Facebook

Top