Những quan điểm sai lầm khi sử dụng nội tạng động vật

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Nội tạng động vật như tim, gan, lòng…là những món ăn khoái khẩu của nhiều người nhưng không phải ai trong chúng ta cũng biết sử dụng nội tạng động vật thế nào để không hại cho sức khỏe.

Vậy những lưu ý khi sử dụng nội tạng động vật là gì để không hại sức khỏe, cách chọn nội tạng động vật ra sao, những người nào không nên sử dụng nội tạng động vật hãy cùng Benh.vn tìm hiểu.

Các chất có trong nội tạng động vật

Phần lớn các loại nội tạng đều chứa nhiều chất đạm, riêng các loại tim, gan chứa nhiều sắt và vitamin A. Tuy nhiên nhược điểm chủ yếu của các loại phủ tạng là chứa nhiều chất béo; đặc biệt cholesterol rất cao, nhất là trong óc, gan và thận.

Tác dụng của một số loại nội tạng động vật với sức khỏe

Tim

Trong tim có chứa nhiều chất sắt, kẽm, selen, vitamin nhóm B như B2, B6, axit folic và B12 tuyệt vời và đặc biệt giàu chất CoQ10 - rất quan trọng cho hoạt động của ty thể - bộ máy sản xuất năng lượng trong cơ thể. Hầu hết mọi người mắc bệnh mãn tính là do thiếu CoQ10 và bị tổn thương ty thể. Hơn nữa tim lại khá nạc, không chứa nhiều chất béo.



Gan là cơ quan giàu chất dinh dưỡng nhất trong các loại nội tạng động vật.

Gan

Gan là cơ quan giàu chất dinh dưỡng nhất trong các loại nội tạng động vật. Gan rất giàu retinol – một dạng tiền vitamin A. 85 g gan bò chứa khoảng 26.973 IU vitamin A, gan gà chứa khoảng 15.306 IU. Dầu gan cá là một nguồn retinol dồi dào khác, ăn gan 2 lần mỗi tuần sẽ mang đến cho bạn sức khỏe tối ưu. Gan rất giàu folate, choline và B12 - các chất dinh dưỡng cần thiết cho một số chức năng quan trọng trong cơ thể.

Những quan điểm sai lầm khi sử dụng nội tạng động vật

- Quan niệm "ăn óc bổ óc" là không đúng vì không có cơ sở khoa học. Trong óc lợn có hàm lượng chất đạm thấp, chỉ bằng một nửa gan hoặc thịt, cá nhưng hàm lượng cholesterol lại rất cao, chỉ cần ăn 100g óc lợn thì lượng cholesterol đã gấp 8 lần nhu cầu hàng ngày.

- Quan niệm "ăn thận bổ thận" cũng hoàn toàn không đúng và không có cơ sở khoa học.

- Quan niệm "ăn tim bổ tim" cũng vậy, người bị bệnh tim mạch thường có tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, nếu cứ ăn nhiều tim sẽ làm cholesterol máu tăng cao, rất nguy hiểm.

- Nhiều người cho rằng, không nên ăn gan động vật vì gan chứa nhiều chất độc. Nhưng trên thực tế, gan là loại phủ tạng chứa nhiều chất đạm nhất, chứa nhiều vitamin A và sắt nên rất tốt cho trẻ bị thiếu máu và suy dinh dưỡng. Bởi vậy nên ăn gan là tốt, tuy nhiên phải chọn mua gan của những động vật không bị bệnh để đảm bảo.\

Những người không nên sử dụng nội tạng động vật

Những người cao tuổi, thừa cân - béo phì nên hạn chế, người mắc các bệnh tăng mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh gout, thận hư nhiễm mỡ, suy tim... thì không nên ăn các loại phủ tạng.



Người bệnh gout, suy thận, mỡ máu, cao huyết áp...không nên sử dụng nội tạng động vật.

Cách chọn và sơ chế nội tạng động vật

Lựa chọn:

- Gan phải có màu nâu hoặc màu tím, tay chạm vào có tính đàn hồi, có cảm giác chắc tay và không có mùi lạ.

- Tim lợn tươi khi sờ vào phải có tính đàn hồi. Ấn tay vào quả tim sẽ có một chất dịch huyết hồng tươi chảy ra, không có dịch nhầy và không có mùi lạ.

- Lòng lợn tươi có màu hồng nhạt, bên ngoài có một màng mỏng, sáng bóng, có độ chắc, có tính đàn hồi, không biến sắc và không có mùi lạ.

- Dạ dày tươi có màu trắng hoặc vàng nhạt, có độ dày màu sáng, có tính đàn hồi, chất dịch nhiều, trong lòng dạ dày không có phần cứng hoặc hạt cứng.

Sơ chế:

Lòng lợn: Để luộc lòng lợn trắng, giòn, sau khi luộc chín, bạn vớt lòng ra ngâm vào một bát nước sôi để nguội đã vắt thêm vài giọt chanh.

Dạ dày lợn: Cho dạ dày vào nồi đổ ngập nước, cho một thìa muối, một củ gừng đập dập, một thìa giấm, một ít rượu. Đậy vung đun khoảng 20 phút, mở vung lấy đũa xiên thử vào miếng dạ dày thấy mềm là được. Vớt ra ngâm vào nước lạnh (có thể cho thêm vài cục đá cho mát hơn), bạn sẽ có ngay thành quả dạ dày lợn giòn, ngon.



Để luộc lòng lợn trắng, giòn, sau khi luộc chín, bạn vớt lòng ra ngâm vào một bát nước sôi để nguội đã vắt thêm vài giọt chanh.

Tim: Làm sạch tim lợn và bò bằng cách bổ đôi, rửa hết phần tiết đông bên trong dưới vòi nước sạch.

Gan: Cho một chút rượu vào nước và rửa cùng để bớt tanh. Khi chế biến gan lợn, quan trọng nhất là khâu ướp, nên cho vào gan ít giấm, gan sẽ giòn và không bị thấm máu ra ngoài.

Lưỡi: Cho một chút nước sôi vào nồi rồi nhúng phần mặt lưỡi có mảng bám xuống trong vòng khoảng hai phút, vớt ra cho ngay vào nước lạnh rồi dùng dao cạo mạnh. Sau cùng, để hạn chế mùi tanh, rửa lưỡi lại với ít nước pha giấm hoặc dùng muối hột chà xát vào phần mặt lưỡi rồi rửa lại.

Lời kết

Nội tạng động vật có thể chế biến thành rất nhiều món với hương vị thơm ngon, hấp dẫn nhưng trong nội tạng động vật chứa nhiều chất đạm, chất béo và đặc biệt là rất nhiều cholesterol nên nếu ăn nhiều sẽ có hại cho sức khỏe. Những người mắc bệnh cao huyết áp, mỡ máu, suy gan, thận, bệnh gout, tiểu đường tuyệt đối không nên ăn hoặc vô cùng hạn chế ăn nội tạng động vật để bảo vệ sức khỏe.

Benh.vn (tổng hợp)

 

Bình luận bằng Facebook

Top