Những phát ngôn “để đời” của vua chúa Việt về sách

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
(Kiến Thức) - Ở bất kỳ thời đại nào, việc tiếp thu kiến thức cũng luôn gắn liền với các cuốn sách. Vậy các vua chúa Việt thời phong kiến đã từng viết gì, nói gì về vai trò của sách?


Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) viết về vai trò của sách trong lời tựa ngự chế cho tập Quỳnh uyển cửu ca:

“Lúc rảnh sau muôn việc, trong khoảng nửa ngày, mắt xem rừng sách, lòng dạo vườn văn, không nghe huyên náo, lòng như hoa thơm, dục thần ít trong, ở yên cao hứng, bèn hăng hái nghĩ đến các bậc đế vương thánh triết, đến lòng cặn kẽ của những bề tôi trung lương, mới gọi Giấy, Bút, Mực, Nghiên đến bảo cho biết rằng: Tình của ta thư thái, khí tinh anh cuồn cuộn tuôn ra, lời khuôn mẫu từng từng lớp lớp, các ngươi có thể vì ta ghi lấy được không?...

...Bài nào cũng chọn chữ kỹ càng, điệu vần sang sáng, dâng lên ta xem, lòng ta rất vui, xem kỹ hai ba lần. Ta nghĩ cán cân văn chương phải là công khí, không muốn chỉ để riêng ta thưởng thức một lúc, mới sai khắc bản in để truyền bá được rộng”.

Chúa Trịnh Sâm (1739-1782) viết về tầm quan trọng của việc tiếp thu kiến thức từ sách trong bài tựa của tập thơ Tâm thanh tồn dụy tập:

“Ta lúc trẻ xem thơ Đường, thấy thơ của các danh gia đại để là để ý đến thanh âm niêm luật khéo hay vụng. Nhân đọc bài tựa Kinh Thi của Chu tử có nói: “Thơ là do cảm xúc trong lòng người mà hình ra lời nói. Lòng cảm xúc có tà có chính nên hình ra lời nói có phải có trái”, bấy giờ ta mới biết được mấu chốt của việc học Kinh Thi”.


Kim sách - sách làm bằng vàng ghi lại sắc mệnh, chiếu dụ vua ban thời nhà Nguyễn.

Vua Lê Hiển Tông (1717-1786) đưa ra lời khuyên về việc viết sách trong bài tựa ngự chế cho tập Hoàng Lê ngọc phả của Trịnh Viêm và Nguyễn Hài:

"Ta nối nghiệp ông cha, nghĩ đến dấu nghĩa của các triều trước, không ngày nào quên, từng biên chép thành sách, để hàng ngày xem đọc. Gần đây thấy bản chép cũ của các hương thân, so với những điều trong bản chép của ta thấy có hơi khác nhau, nên ta giao cho bọn gia thần khảo cứu biên chép lại, cốt cho đầy đủ hoàn toàn…”.

Vua Minh Mạng (1791-1941) viết trong một chỉ dụ cho quần thần sau khi lên ngôi:

“Đạo trị nước chép ở sách vở, không xem rộng xét kỹ không thể biết hết được. Nay thư viện Thanh Hòa chứa nhiều sách lạ bốn phương, bọn khanh lúc rỗi việc mà có chí đọc sách thì mượn mà xem”.

Lời của vua Minh Mạng phê phán các quan ở Khâm Thiên giám được dẫn lại trong bộ Đại Nam thực lục:

“Chỉ đọc sách cổ, mà không xét đoán theo khí hậu thì chẳng phải sách làm lầm các ngươi, mà chính các ngươi tự làm lầm mình! Đọc sách quý ở chỗ biết suy xét cho thấu nghĩa lý. Các ngươi kiến thức nông cạn, sao đủ nói điềm hay, điềm dở?".

Lời vua Thiệu Trị (1807-1847) nói với Đại học sĩ Trương Đăng Quế được ghi lại trong sử nhà Nguyễn:

"Đọc sách có ích rất nhiều. Trẫm gần đây xem sách Vận phủ, xét trong Tự điển, sách ấy còn thiếu sót nhiều. Nay nhà nước nhàn rỗi, phong nhã rất thịnh, trẫm muốn sai quan khảo cứu so sánh làm thành bộ sách đầy đủ của nước Nam ta, để giúp những người hậu học".
Nguồn: Báo điện tử Kiến Thức
 

Bình luận bằng Facebook

Top