Những nguyên tắc quan trọng đảm bảo thành công học hợp tác nhóm

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Nguyên tắc phối hợp tích cực

Trong hoạt động hợp tác nhóm, học sinh phải nhận thấy trách nhiệm giải quyết nhiệm vụ chung.

Vì vậy các thành viên của nhóm phải gắn kết với nhau theo cách: mỗi cá nhân cũng như toàn nhóm chỉ có thể thành công nếu cố gắng hết sức mình. Nếu một bạn nào trong nhóm không hoàn thành thì chắc chắn nhiệm vụ của cả nhóm sẽ không hoàn thành.

Vì vậy, giáo viên nên xác định rõ cho học sinh, trong nhóm học tập, học sinh có hai trách nhiệm: Thực hiện nhiệm vụ được giao. Đảm bảo các thành viên trong nhóm mình cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao (Bạn nào xong trước thì cùng hỗ trợ cho bạn mình để nhiệm vụ của nhóm được hoàn thành).

Tạo môi trường hợp tác trong nhóm

Học hợp tác nhóm đòi hỏi sự trao đổi qua lại tích cực giữa các học sinh trong nhóm. Điều đó được thực hiện khi các thành viên nhóm nhìn thấy nhau trong trao đổi.

Tương tác mặt đối mặt, có tác động tích cực đối với học sinh như: tăng cường động cơ học tập, làm nảy sinh những hứng thú mới, kích thích sự giao thiệp chia sẻ tư tưởng và đáp án giải quyết vấn đề, tăng cường các kĩ năng tỏ thái độ, biểu đạt, phản hồi bằng các hình thức: lời nói, ánh mắt, cử chỉ, khích lệ mọi thành viên tham gia, phát triển mối quan hệ gắn bó, quan tâm đến nhau.

Vì vậy, giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách góp ý cho bạn sao cho dễ nghe, dễ tiếp thu, tranh luận có lí nhưng không gay gắt, nóng nảy, khi nói nhìn thẳng vào bạn, mạnh dạn, tự tin; động viên khích lệ bạn khi bạn có tiến bộ, giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn trong diễn đạt hay trình bày.

Nâng cao trách nhiệm cá nhân

Nhóm học tập được tổ chức sao cho từng thành viên trong nhóm không thể trốn tránh công việc, hoặc trách nhiệm học tập. Mọi thành viên đều phải học, đóng góp phần mình vào công việc chung và thành công của nhóm.

Mỗi thành viên thực hiện một vai trò nhất định. Các vai trò ấy được luân phiên thường xuyên trong các nội dung hoạt động khác nhau (Nhóm trưởng, thư kí, báo cáo viên ...).

Mỗi thành viên đều hiểu rằng không thể dựa vào công việc của người khác. Khi nhiệm vụ cá nhân, dưới sự điều khiển của nhóm trưởng, tất cả các thành viên trong nhóm đều phải làm việc.

Có thể mỗi cá nhân có tiến độ thực hiện công việc khác nhau, nếu gặp khó khăn hay tốc độ chưa đảm bảo, tôi khuyến khích các em giỏi hơn theo dõi giúp đỡ bạn.

Khi cần thảo luận hoặc thống nhất nội dung gì, nhóm trưởng nêu yêu cầu, mọi thành viên trong nhóm đều có trách nhiệm đóng góp ý kiến. Nhóm sẽ kịp thời biểu dương những học sinh có nhiều ý kiến hoặc những thành viên vốn rụt rè nhút nhát mà có tiến bộ. Từ đó nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong nhóm.

Sử dụng kĩ năng giao tiếp và kĩ năng xã hội

Giáo viên cần chú ý rèn cho học sinh các kĩ năng làm việc trong nhóm nhỏ. Đó là các kĩ năng:

Kĩ năng hình thành nhóm như tham gia ngay vào hoạt động nhóm, không rời khỏi nhóm.

Kĩ năng giao tiếp như biết chờ đợi đến lượt, tóm tắt và xử lí thông tin, biết chấp nhận ý kiến đúng và bổ sung ý kiến...

Kĩ năng xây dựng niềm tin như bày tỏ sự ủng hộ qua ánh mắt, nụ cười, yêu cầu giải thích, giúp đỡ và sẵn sàng giải thích giúp bạn.

Kĩ năng giải quyết mối bất đồng như kìm chế bực tức, không xúc phạm bạn khi phản đối ý kiến...

Có những kĩ năng có thể rèn được ngay, nhưng cũng có những kĩ năng với một số học sinh thì phải cần cả một quá trình.

Rút kinh nghiệm tương tác nhóm

Sau mỗi hoạt động hợp tác, giáo viên hướng dẫn học sinh đánh giá quá trình hoạt động của mỗi thành viên nhóm như những mặt tốt trong hoạt động chung và những đóng góp cá nhân nổi bật cần được phát huy, những mặt cần thay đổi, cải thiện để hoạt động của nhóm có hiệu quả hơn. Điều này, giúp học sinh học được kĩ năng hợp tác với người khác một cách có hiệu quả.

Tóm lại, dạy học theo phương thức hợp tác nhóm là giáo viên tổ chức cho học sinh đối diện nhau trong nhóm học tập cùng trao đổi, chia sẻ, tìm tòi những kinh nghiệm, những kiến thức hay giải quyết nhiệm vụ học tập được giao.

Trong khi đó, giáo viên bao quát, theo dõi hoạt động của học sinh và sẵn sàng làm cố vấn, trọng tài hay hỗ trợ các nhóm khi cần thiết.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top