Những cô giáo mầm non tâm huyết, sáng tạo

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Lan tỏa phương pháp giáo dục mới

Đổi mới, sáng tạo, đó là những nhận xét của đồng nghiệp về cô Lê Thu Hằng. Tận dụng lợi thế trường có không gian rộng, thoáng mát, cô Hằng lên ý tưởng cải tạo môi trường bên ngoài lớp học. Đó là sáng tạo ra những con vật và đồ dùng bằng lốp xe bỏ đi, vẽ hệ thống các trò chơi dân gian và trò chơi học tập ở sân trường. Ý tưởng của cô đã được Ban giám hiệu, các tổ chuyên môn và tập thể sư phạm nhà trường đồng tình ủng hộ.

Kết quả sau một tháng hè (tháng 7/2019) miệt mài không ngơi nghỉ, cô Hằng cùng các đồng nghiệp đã tạo ra những con vật ngộ nghĩnh, chậu cây, giỏ treo cây, bàn ghế bằng lốp xe và cả một hệ thống các trò chơi dân gian, trò chơi học tập ở sân trường, tạo điều kiện và cơ hội cho trẻ được vui chơi thỏa thích trong những giờ hoạt động ngoài trời hay những giờ đón trả trẻ…

Được biết, cô Hằng cũng từng đã tham gia và hoàn thành khóa học chuyên sâu về phương pháp giáo dục Montessori, khóa học về “Nghệ thuật gấp giấy Hàn Quốc”. Cô tâm niệm, mỗi người là một kho kiến thức, kiến thức mình biết được chia sẻ cho mọi người thì kiến thức của mình sẽ còn mãi với thời gian. Chính vì thế sau khi hoàn thành các khóa học, cô đã tham gia nhiều đợt tập huấn cho giáo viên trong toàn huyện Sóc Sơn về “Nghệ thuật gấp giấy Hàn Quốc” hay “Ứng dụng phương pháp giáo dục Montesssori vào lớp học truyền thống”.

Cô Lê Thu Hằng - giáo viên Trường Mầm non Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội)

Giáo cụ Montessori rất đắt đỏ, nên việc đầu tư các đồ dùng học tập hiện đại phổ biến cho tất cả các lớp là rất khó. Chính vì thế, cô Hằng trăn trở, tìm kiếm các nguyên vật liệu dễ tìm, rẻ tiền, thậm chí phế thải để thiết kế các đồ dùng học tập hiện đại. Cô luôn mong muốn các em được tiếp cận với phương pháp giáo dục mới. Sau khi thử nghiệm thành công tại lớp cô phụ trách, cô đã nhân rộng ra 20 lớp trong toàn trường về tự làm đồ dùng, giáo cụ Montessori. Kết quả là HS hăng say học tập, chủ động tham gia vào các hoạt động giáo dục. Dịp 20/11 vừa qua, cô Hằng vinh dự được nhận Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” do công đoàn ngành Giáo dục Thủ đô tổ chức.

Thay đổi cũng là sáng tạo

Là một giáo viên trẻ, cô Nguyễn Thị Thu Linh luôn nhiệt tình, có trách nhiệm với công việc được giao. Cô luôn suy nghĩ làm sao để việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục (GD) trẻ ngày một tốt hơn. Thay đổi cũng là sáng tạo. Thay đổi không nhất thiết phải là những gì to lớn, xa lạ. Đó có thể là những việc đơn giản, dễ làm, dễ thực hiện nhưng sát với thực tế, có tác động tích cực đến học sinh, nhà trường và phụ huynh.

Theo đó, cô đã sáng tạo các hình thức tổ chức hoạt động, áp dụng các phương pháp GD tiên tiến, góp phần đẩy mạnh phong trào đổi mới phương pháp dạy học của nhà trường. Từng đạt giải Nhất hội thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” của nhà trường trong năm học 2018 - 2019, cô Linh tiếp tục xây dựng môi trường học tập trong lớp. Cô thiết kế các góc chơi thân thiện, nhiều góc chơi mở, đồ chơi sáng tạo và tạo nhiều không gian cho trẻ hoạt động.

Năm học 2018 - 2019, cô bắt tay vào việc thay đổi một số đề tài trong hoạt động học của trẻ. Chẳng hạn như: Hoạt động “Làm quen với văn học”. Đây là hoạt động tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng quan trọng là làm thế nào để không đi theo lối mòn và trở nên sinh động hơn. Cô Linh mạnh dạn lựa chọn tiết kể chuyện, sáng tạo áp dụng trên trẻ lứa tuổi mẫu giáo lớn. Đặc thù của tiết học này là có tính tư duy cao, giúp trẻ phát huy tối đa tính chủ động. Trẻ được sáng tạo những tình tiết, diễn biến và hệ thống nhân vật trong câu chuyện.


Năm học 2018 - 2019, cô Linh đã tham gia và đạt giải Nhì Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Đến với hội thi, cô lựa chọn hoạt động khám phá xã hội để dạy trẻ với đề tài “Làm thế nào để hạn chế tắc đường”. Đây là một đề tài mang tính bức thiết trong xã hội phát triển hiện nay. Đặc biệt, việc ùn tắc giao thông hàng ngày, hàng giờ vẫn đang xảy ra xung quanh các em HS, tại địa phương nơi trẻ em sinh sống. Vì thế, HS của cô thực sự say mê và cuốn hút vào các hoạt động.

Cô Nguyễn Thị Thu Linh -
GV Trường Mầm non B xã Liên Ninh (Thanh Trì, Hà Nội)

Các em được tìm hiểu thông tin về tình hình giao thông cùng với bố mẹ ngay từ ở nhà, bằng nhiều cách khác nhau, được tự tay chuẩn bị những nguyên vật liệu cần thiết cho buổi học. Ngoài ra, các em được hoạt động nhóm một cách tích cực, được thỏa sức sáng tạo những cách cải thiện tình hình giao thông ngay tại địa phương mình sinh sống. Quan trọng là, trẻ được chia sẻ và lắng nghe các bạn trao đổi, đóng góp ý kiến, không còn thụ động như trước. Bài học thật sự nhẹ nhàng nhưng mang lại hiệu quả rất cao, được Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá cao và chia sẻ để các trường mầm non khác cùng tham khảo.

Cũng trong năm học 2018 - 2019, cô Linh là một trong những giáo viên được tham gia lớp học STEAM do chuyên gia nước ngoài giảng dạy theo chương trình của Sở GD&ĐT Hà Nội. Đây là chương trình dạy học hoàn toàn mới; phương pháp này sẽ phát triển các kỹ năng cho trẻ, để các em có thể vận dụng trong cuộc sống.

Cô đã tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường đầu tư bảng tương tác vì đây là phương tiện hữu ích để trẻ tiếp cận với công nghệ. “Tôi tiến hành bổ sung các góc hoàn toàn mới trong lớp học, đó là góc kỹ thuật. Sự thay đổi các góc chơi có tích hợp phương pháp dạy học STEAM đã giúp trẻ được trải nghiệm với những nhiệm vụ hoàn toàn mới. Trẻ linh hoạt hơn, có nhiều ý tưởng sáng tạo và đột phá; qua đó, ngôn ngữ của trẻ cũng được phát triển mạnh mẽ hơn” - cô Linh chia sẻ.

Minh Phong
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top