Những cô giáo đón Tết qua sóng điện thoại

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Những cái Tết thiếu vắng một nửa yêu thương

Là giáo viên Trường THPT Đào Duy Từ (Hà Nội), cô Trịnh Thị Phương Liên, có chồng là sĩ quan, đang công tác tại đảo Ngọc Vừng, Lữ đoàn 242, Quân khu 3 chia sẻ: Hai vợ chồng xây dựng gia đình năm 2014 và có 1 cháu gái đầu lòng chuẩn bị bước vào lớp 1. Mỗi dịp Tết đến xuân về, ai cũng có một gia đình để quây quần bên nhau và gửi cho nhau những lời nói yêu thương và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Nhưng là vợ của lính đảo, tôi chấp nhận những cái Tết thiếu vắng một nửa yêu thương của mình.

Cô kể, vì nhiệm vụ nên anh thường xuyên công tác xa nhà. Những ngày không có chồng ở nhà, cô thay anh làm “trụ cột” của gia đình. Mọi việc trong nhà đều do cô cáng đáng. Những lúc con ốm đau, một tay cô chăm sóc, nuôi dưỡng. Cô chu toàn, vun vén mọi việc lớn, nhỏ để anh yên tâm công tác. Bận rộn và vất vả là thế nhưng cô luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì được là vợ lính đảo. “Xa chồng thường xuyên, ngay cả những cái Tết đoàn viên cũng thiếu vắng chồng. Nhưng không vì thế mà Tết của hai vợ chồng tôi kém vui. Chúng tôi đón Tết qua điện thoại, gọi điện qua Zalo… không khí Tết vẫn rộn ràng không kém” – cô Liên bộc bạch.


Cô giáo Trịnh Thị Phương Liên

Nhắn gửi với chồng yêu nơi đảo xa, cô Liên tâm sự: “Anh hãy vững lòng tin và luôn nhớ rằng mẹ con em luôn chờ anh bên mâm cơm nhỏ, giản dị nhưng đó là sự chờ đợi của hạnh phúc”. Cô cũng thường xuyên tâm sự với con rằng: Cuộc sống của hai mẹ con phải xa bố hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng; dẫu biết rằng, đó là sự thiếu vắng của tình thương yêu mà bố dành cho con nhưng cả hai mẹ con cùng cố gắng thật nhiều để là hậu phương vững chắc cho bố yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong buổi gặp mặt, tặng quà cán bộ, giáo viên, nhân viên là vợ và học sinh là con chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại biển đảo nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 của ngành Giáo dục Hà Nội, ai nấy không khỏi xúc động khi nghe cô Đinh Thị Hường – Trường Mầm non Việt Hùng (Đông Anh, Hà Nội) và 2 con tâm sự với chồng qua sóng điện thoại chập chờn.

Chồng cô là Thượng úy Trần Văn Sĩ – công tác tại Đảo Đá tây A (quần đảo Trường Sa). Câu chuyện của hai vợ chồng rất đỗi giản dị nhưng đong đầy yêu thương. Qua sóng điện thoại, cô Hường luôn động viên chồng “vững vàng tay súng” để bảo vệ biển đảo quê hương, ở nhà đã có vợ chu toàn mọi việc. Cô cũng hứa với chồng sẽ chăm sóc, nuôi dạy các con ngoan ngoãn và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trường để anh yên tâm, không phải lo lắng.

Nguyện là hậu phương của lính đảo

11 năm về chung một nhà, nhưng năm nay mới là Tết đầu tiên vợ chồng cô Nguyễn Thị Vy – giáo viên Trường THCS Phương Trung (Thanh Oai, Hà Nội) sẽ được sum vầy đón Tết cùng nhau. Chồng cô là Thủy thủ Tàu HQ 658, bảo vệ chủ quyền, biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Với cô Vy, đây sẽ là cái Tết vui nhất và hạnh phúc viên mãn nhất kể từ khi hai người nên vợ, nên chồng.


Cô Nguyễn Thị Vy

Nhớ lại những ngày tháng xa chồng, cô Vy tâm sự: “Vất vả nhất là lúc con nhỏ ốm đau, một mình xoay sở đưa con vào viện. Một tay là đứa bé mới hơn 1 tháng tuổi, một tay là cháu lớn hơn 3 tuổi. Ba mẹ con bồng bế nhau nheo nhóc vào viện, ôm con trên tay mà nước mắt cứ thế tuôn chảy không sao ngăn được. Nghĩ cũng thấy tủi thân. Thú thật, những lúc như thế, tôi chỉ muốn chồng ra quân để trở về với vợ, với con. Song rồi lại tự nhủ: Mình phải cố gắng vượt qua tất cả, phải cùng chồng kiên định với con đường đã chọn. Cũng may, anh ấy luôn động viên, an ủi, chia sẻ với vợ nên bao nhiêu mệt nhọc nhanh chóng tan biến hết”.

Khi được hỏi, đã bao giờ cô hối hận vì lấy chồng là bộ đội, lại còn là lính đảo, cô Vy quả quyết: “Tôi chưa bao giờ hối hận vì sự lựa chọn của mình. Cả cuộc đời này, tôi sẽ dành trọn tình yêu cho anh và nguyện mãi là hậu phương vững chắc để anh vững vàng nơi tiền tuyến”.


Cô Lê Thị Giang

Cũng giống như cô Vy, cô Lê Thị Giang – Trường THCS Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) luôn cảm thấy tự hào vì được làm vợ của lính đảo. Chồng cô là Thiếu tá Hà Tiến Thìn - Tàu Trường Sa 18 (Cam Ranh, Khánh Hòa). Hai vợ chồng lấy nhau được hơn 13 năm nhưng số lần được đón Tết cùng nhau cũng chỉ 5 - 6 lần. Cô Giang chia sẻ: Lâu dần thành quen, cô không còn cảm giác trống vắng, tủi thân như ngày mới về nhà chồng. Ngày trước, khi các con còn nhỏ, một mình cô chèo chống. Đến nay mọi khó khăn, vất vả đã qua, cô chỉ mong “một nửa” của mình luôn mạnh khỏe, công tác tốt và yên tâm về hậu phương nơi quê nhà.

“Chưa biết năm nay anh ấy có được về quê ăn Tết hay không, nhưng bất luận thế nào, tôi cũng chuẩn bị Tết thật tươm tất, đầm ấm, luôn sẵn sàng đón anh về bất cứ lúc nào. Tôi cũng tự hứa với lòng mình, sẽ cố gắng hơn nữa trong công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ở nhà sẽ là người “vợ hiền, dâu thảo” để anh không phải bận lòng về hậu phương” – cô Giang trải lòng.

Hải Minh
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top