Nhà thơ Nguyễn Bính: Người cài đặt nhiều “mật mã” trong thơ

cohonnhien

Thành viên
#1
Ở ta, khi viết thơ tình, đa phần các nhà thơ đều không muốn đưa tên thật của "nguyên mẫu" vào trong tác phẩm của mình. Đó có thể do họ ngại... phiền phức, hoặc do thói quen. Riêng Nguyễn Bính thì khác hẳn. Mỗi lúc thầm yêu trộm nhớ một "em" nào, ông đều tìm cách đưa được tên người đó vào thơ.

Tất nhiên, vì là nhiều... "em", nên nhà thơ thường cũng chỉ dám đưa một cách kín đáo, nghĩa là để nó đồng âm đồng nghĩa với một chữ nào đó trong câu thơ, và phải là người "trong cuộc" hoặc thật thân gần mới nhận ra. Bởi vậy, nói Nguyễn Bính là người cài đặt nhiều "mật mã" trong thơ, kể cũng không ngoa.

Theo sách "Giai thoại văn học" (NXB Hà Nội, 2005) thì mùa hè 1941, Nguyễn Bính trên đường vô Nam đã dừng bước tại thị xã Thanh Hóa. Tại đây, trong thời gian ăn nghỉ ở nhà người bạn làm thư ký hỏa xa là Nguyễn Hải Thoại, Nguyễn Bính đã bị hút hồn bởi một giai nhân tên Thuận.

Có không ít đêm, Nguyễn Bính tít mít ở xóm Lò Chum nơi cô Thuận đang sống phận đào nương. Sợ bạn sốt ruột, lo lắng, Nguyễn Bính làm mấy câu thơ nhờ người đưa về cho Hải Thoại: "Thuận lòng đón gió cành đưa/ Hẹn ngày có thấy cho vừa lòng nhau".

Đọc hai câu thơ trên, lại thấy chữ Thuận được viết đậm, Hải Thoại đoán ngay Nguyễn Bính đã phải lòng cô Thuận. Ông tức tốc xuống xóm Lò Chum tìm bạn. Quả nhiên Hải Thoại đã gặp Nguyễn Bính ở đây.

Nữ sĩ Mộng Tuyết, trong hồi ký "Dưới mái trăng non" có nhắc tới chuyện tình của Nguyễn Bính với "một người con gái quê" có tên là Ngọc. Bà kể, một buổi chiều, cô gái này đã trao cho bà một mảnh giấy nhàu nát, nội dung là "xin một cây bút máy tốt và chiếc đồng hồ đeo tay".

Cuối tờ giấy là dòng chữ "Người yêu Ngọc" (mà bà gọi là "Bính ký ẩn danh") và hai câu thơ của Nguyễn Bính: "Than ôi, không có giá liên thành/ Để đổi cho tròn viên ngọc ấy". Cùng là người làm thơ, chẳng khó khăn gì mà nữ sĩ Mộng Tuyết không nhận ra tâm sự của Nguyễn Bính với người con gái tên Ngọc trong câu thơ có nhắc tới chữ "ngọc" ấy.

Trong bài thơ "Diệu vợi", làm lời kẻ thất tình, Nguyễn Bính đã hốt nhiên thốt lên một cái tên: "Tôi tưởng rồi tôi quên được người/ Nhưng mà nản lắm, Tú Uyên ơi!/ Tôi vào sâu quá và xa quá! Đường lụt sương mờ lụt lá rơi...".

Đọc đến đây, hẳn bạn đọc yêu thơ sẽ nghĩ ngay rằng, Tú Uyên là một cái tên có thật, và người con gái đó hẳn phải có quan hệ sâu nặng mức nào mới khiến thi nhân đủ "can đảm" đưa tên công khai như thế.

Sự thật thì đấy chỉ là một "bí danh" do Nguyễn Bính tách ra từ chữ Tuyên (em gái nhà văn Nguyễn Đình Lạp, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Tuyên). Chưa dừng ở đó, trong bài "Người con gái ở lầu hoa", Nguyễn Bính còn "mã hóa" nơi ở của cô gái qua hai câu thơ: "Nhà nàng bên gốc cây mai trắng/ Trên khóm mai vàng dưới đế kinh".

Nguyễn Bính đã giải thích với một người bạn, đại ý, cô gái ở Bạch Mai (bấy giờ được coi là một xóm ngoại ô của Hà Nội), vậy "Nhà nàng bên gốc cây mai trắng" chẳng là Bạch Mai là gì? Còn "Trên khóm mai vàng" thì đúng là Hoàng Mai. "Dưới đế kinh", tức... dưới phố Huế.

Với nữ sĩ Anh Thơ, người từng một thời làm Nguyễn Bính "say như điếu đổ", Nguyễn Bính cũng đã có thơ tặng. Bài thơ viết theo thể lục bát: Anh đi không hẹn ngày về/ Chỉ thề ai buộc, tóc thề ai chôn?/ Muốn gì anh muốn gì hơn/ Hôn hoàng nay, lại hoàng hôn mai ngày/ Môi khô vóc liễu thêm gầy/ Anh xa, em kẻ lông mày với ai/ Thơ không làm trọn một bài/ Đàn không gảy trọn một vài khúc ngâm/ Ông tơ già quá nên nhầm/ Ai làm sum họp, ai làm chia phôi/ Chẳng thà đừng kết duyên đôi/ Có cho sum họp để rồi xa nhau/ Tính năm tính tháng thêm sầu/ ấy hai con én ngang lầu bay bay...

Cái độc đáo của bài thơ là ghép tất cả những chữ đầu của 8 câu thơ, ta sẽ đọc ra thông điệp của tác giả "Anh chỉ muốn hôn môi Anh Thơ. Đàn ông ai chẳng có tính ấy". Thật là một cách tỏ tình... táo bạo. Táo bạo nhưng lại được thể hiện một cách khá... kín đáo. Bởi nếu tác giả không chỉ dẫn, hẳn không phải ai cũng nhận ra.

Trong một bài viết có tựa đề "Mảnh vườn ao của nhà ngoại Nguyễn Bính", nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn cho biết: Ở thôn Vân (quê ngoại Nguyễn Bính) có cô Diễm đẹp nổi tiếng một vùng.

Trong thời gian ở đây, Nguyễn Bính thường trò chuyện với cô và giống như cánh trai làng, ông gần như "chết mê chết mệt" trước nhan sắc và sự duyên dáng của Diễm. Và, ông đã bày tỏ tình cảm với cô qua bài thơ "Hoa và rượu" sau khi đã đổi Diễm thành Nhi: "Ngày xưa còn nhỏ Nhi còn đẹp/ Huống nữa giờ Nhi đã đến thì/ Tháng tháng mươi mười lăm buổi chợ/ Cho người thiên hạ phải say Nhi".

Ngoài những trường hợp kể trên, đọc thơ Nguyễn Bính, độc giả thi thoảng lại thấy ông nhắc tới một nhân vật mà ông gọi là "chị Trúc" (các bài "Lỡ bước sang ngang", "Xuân tha hương, "Xuân vẫn tha hương"...).

Vẫn theo thông tin từ nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn thì "chị Trúc" là người đàn bà đẹp nổi tiếng ở thị xã Hà Đông trước đây. Chị họ Lê, tên thật viết tắt là Th, là người yêu của nhà viết kịch Trúc Đường, anh ruột Nguyễn Bính. Với cái lý: Vì là người yêu của anh, nên tên cũng phải được gọi theo tên anh, khi đưa tên chị Th vào thơ mình, Nguyễn Bính đã đổi ra thành chị Trúc.

Được biết, mặc dù là phận em, song trong tình cảm, có lúc Nguyễn Bính tỏ ra rất quyến luyến, mê đắm người phụ nữ này.

Chắc chắn, những ví dụ trên vẫn chưa thể hiện được một cách đầy đủ sự "mã hóa" tên người trong thơ Nguyễn Bính...

Tường Duy
Nguồn: VNCA
 

Bình luận bằng Facebook

Top