Nhà giáo thắp lửa nghề ở xứ trà

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Người thầy... say nghề

Miệt mài với công việc đứng lớp, các thầy cô giáo truyền cảm hứng học tập cho học sinh, và cũng chính các em đem lại niềm vui, tình yêu nghề cho họ. Thầy Phạm Chí Hiếu, giáo viên bộ môn Tin học, Bí thư Đoàn Trường THPT chuyên Thái Nguyên dù tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ nhưng luôn trăn trở làm thế nào để thay đổi nhận thức của cộng đồng về lĩnh vực tin học mình theo đuổi. Điều mà thầy giáo trẻ mong mỏi nhất là các bậc phụ huynh, học sinh nhìn nhận đầy đủ hơn về tính thiết yếu, tầm quan trọng của tin học trong cuộc sống ngày nay.

"Tin học là công cụ không thể thiếu trong mọi lĩnh vực đời sống, ngành nghề. Kĩ năng tin học là điều tất yếu nếu muốn trở thành công dân toàn cầu. Từ trong nhà trường phổ thông, các em được trang bị kiến thức về công cụ này, định hướng và lựa chọn nghề nghiệp sẽ rộng mở và chủ động" - thầy Hiếu chia sẻ.


Cô Nguyễn Thị Quốc Hòa.

Trong công tác Đoàn, thầy Hiếu cùng đồng nghiệp hướng các phong trào của đoàn phục vụ chuyên môn, học tập. Từ đó, nhiều hoạt động ý nghĩa được triển khai: Cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia"; hoạt động văn hóa nghệ thuật "Space Land"… Cách làm sáng tạo này giúp học sinh thêm nhiều cảm hứng để trải nghiệm và học tập.

Ở môi trường dạy học khác, cô giáo Hứa Thị Xuân, giáo viên bộ môn Toán - Vật lý, Trường THCS Phúc Chu (huyện Định Hóa) lại có cách đóng góp của riêng mình. Cô Xuân có 23 năm dạy học, cống hiến cho giáo dục miền núi, vùng cao, khu vực đặc biệt khó khăn. Sau bao năm lặng lẽ cống hiến, chăm sóc lũ trò nhỏ, quả ngọt mà người trồng cây nhận được là sự trưởng thành của lớp lớp học sinh. Đó là niềm vui không gì đánh đổi được, mà có lẽ chỉ người trong nghề mới cảm nhận được một cách sâu sắc nhất.


Cô Nguyễn Thị Ngọc Thu.

Chia sẻ về quãng thời gian dài gắn bó với học trò vùng khó khăn, cô Xuân giản dị nói: "Nhiều năm gắn bó với công việc dạy học ở miền núi, tôi thấu hiểu sự thiệt thòi cũng như nỗ lực của thầy cô giáo và học sinh nơi đây. Tuy điều kiện của trường vùng cao còn khó khăn, nhưng chúng tôi luôn đồng hành cùng học trò để tìm thấy niềm vui trong công việc. Chỉ cần thấy các em chăm chú học tập, đủ làm chúng tôi vui rồi".

Say sưa với nghề giáo, cô Nguyễn Thị Ngọc Thu, giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Lưu Nhân Chú (huyện Đại Từ) đã có nhiều đóng góp cho nhà trường và địa phương. Cô Thu luôn đổi mới và vận dụng những phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Làm công tác chủ nhiệm lớp nhiều năm, cô quan tâm, thân thiện với học trò để hiểu hoàn cảnh cũng như cá tính, giúp các em rèn luyện tốt kĩ năng, trau dồi tích lũy kiến thức, định hướng nghề nghiệp phù hợp.


Cô Hứa Thị Xuân.

"Là giáo viên, chúng tôi luôn nỗ lực hết mình, chỉ mong các em cố gắng học tập, đạt kết quả tốt. Tôi thường trò chuyện và nhắn nhủ học sinh, không chỉ học kiến thức, mà còn phải chuẩn bị những năng lực, kĩ năng cần thiết" - cô Thu khiêm tốn khi nói về công việc của mình.

Nhà quản lý trách nhiệm, tâm huyết

Đồng hành cùng đội ngũ nhà giáo là những người làm công tác quản lý. Hơn ai hết, họ hiểu công việc đạt hiệu quả, trước hết mình phải là người làm gương để giáo viên, học sinh cùng thực hiện.

Làm công tác quản lý nhiều năm, thầy Phan Vĩnh Thái, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Tự Minh (TP Thái Nguyên) luôn sát sao, thấu hiểu, chia sẻ với đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng như các học trò của mình. Là trường đầu vào học sinh không cao, các thầy cô ở đây phải đặc biệt gần gũi, quan tâm để động viên học sinh học tập.


Thầy Phan Vĩnh Thái.

Nhiều khi thầy hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm phải ngồi lại cùng nhau tìm cách giúp các em duy trì việc học. Với quan điểm, học sinh vừa là trò, vừa là con, "khách hàng", thầy Thái luôn thúc giục giáo viên nhà trường phải thực sự yêu thương và đồng hành với các em. Với quyết tâm và nỗ lực, chất lượng dạy học và kết quả các hoạt động giáo dục trong nhà trường được nâng lên rõ rệt.

"Điều tôi trăn trở nhất là làm sao để nâng cao được chất lượng dạy và học. Tôi luôn nhắc nhở cán bộ, giáo viên nhà trường phải đặc biệt quan tâm, bám sát thông tin để gần gũi và hiểu học sinh của mình. Mong các thầy cô tiếp tục nỗ lực, đồng hành cùng học sinh để khơi dậy hứng thú học tập, giúp các em mỗi ngày thêm tiến bộ" - thầy Thái tâm sự.


Thầy Phạm Chí Hiếu.

Cũng làm công tác quản lý giáo dục, cô Nguyễn Thị Quốc Hòa, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Thái Nguyên là người quyết đoán và hết mình trong công việc. Trải qua quá trình công tác với nhiều môi trường công việc khác nhau, cô có điều kiện hiểu về giáo dục từ các góc độ khác nhau. Chính vì vậy, sự thôi thúc và những ý tưởng, mong muốn trong cô Hòa lúc nào cũng tràn đầy.

Chia sẻ về công việc, cô Hòa cho biết: "Thời gian tới, có một số nhiệm vụ lớn và quan trọng của ngành Giáo dục thành phố Thái Nguyên: Chuẩn bị điều kiện cần thiết để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; xây dựng đề án phát triển giáo dục giai đoạn 5 năm tiếp theo; tăng cường mở rộng quy mô trường lớp, đặc biệt chú trọng cấp mầm non và tiểu học; nâng cao chất lượng dạy học, tạo đột phá trong lĩnh vực công nghệ thông tin và ngoại ngữ nhằm đáp ứng xu thế phát triển hội nhập… Tôi mong đội ngũ cán bộ, giáo viên tiếp tục nỗ lực, chung tay đồng lòng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình".


Có thể nói, để “thắp lửa” cho nghề dạy học, mỗi thầy cô giáo trong cương vị và điều kiện công việc đều có những nỗ lực đáng trân trọng. Ở mỗi ngôi trường, vùng quê, các thầy cô vẫn ngày ngày âm thầm góp sức để làm đẹp hơn những thành quả cho giáo dục xứ trà hôm nay.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top