Nhà giáo đi B và ký ức về lớp học “xanh vỏ đỏ lòng"

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Tình cảm đồng đội, đồng bào và lằn ranh sự sống - chết là ký ức không thể quên khi bà Nguyên nhớ về những năm tháng oanh liệt.

Tình nguyện vào chiến trận

Nhà giáo Bùi Thị Nguyên sống tại căn nhà tập thể nằm sâu trong ngõ thuộc phường Thanh Xuân Bắc. Ở tuổi 78, là thương binh hạng 3/4, nhưng bà vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn. Tiếp chúng tôi bằng ấm trà nóng, bà Nguyên chậm rãi lật giở từng trang ký ức về một thời hoa lửa - tàn khốc, đau thương nhưng rất đỗi oai hùng.

Bà nhớ lại: Tốt nghiệp đại học sư phạm khoa Sinh học, tôi viết đơn tình nguyện lên đường vào chiến trường miền Nam. "Ngày ấy, tôi 22 tuổi, gầy gò, nhỏ bé. Biết tôi viết đơn tình nguyện, cả nhà ai cũng phản đối vì lo "thân gái dặm trường", chiến tranh lại ác liệt, sống chết không biết thế nào. Tôi phải thuyết phục mãi, thậm chí phải nhờ các anh – những người có uy tín trong dòng họ, gia đình đến thuyết phục. Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng bố mẹ cũng đồng ý", bà Nguyên bộc bạch.

Năm 1965, bà là một trong số nhà giáo được Bộ Giáo dục chi viện cho miền Nam. Hành quân hơn ba tháng trời mới đến điểm tập kết. Trên đường đi vượt qua biết bao gian khổ, có những lúc tưởng chết trong rừng vì địch càn quét dữ dội. Sau đó, bà được phân công về tỉnh Quảng Đà gồm các huyện thuộc phía Bắc tỉnh Quảng Nam hiện nay: Hòa Vang, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Hội An và 2 huyện miền núi là Hiên và Giằng.

Bà Nguyên kể: Sau khi Ngô Đình Diệm mất (năm 1963) tình hình chiến sự ở Quảng Đà có nhiều thay đổi. Quân ta thắng lớn, vùng giải phóng ngày càng mở rộng, địch co cụm lại ở thành phố, thị xã, thị trấn. Đặc biệt, giải phóng đến đâu, giáo dục cách mạng được xây dựng và phát triển đến đó. Năm 1965, Trường Bổ túc văn hóa (BTVH) được thành lập do một đồng chí giáo viên chi viện làm hiệu trưởng.

Bà được phân công làm Hiệu trưởng Trường Sư phạm sơ cấp (SPSC) của tỉnh. Nói là trường nhưng chỉ mở một lớp gần 40 em gái dưới 17 tuổi ở các huyện lên học. Trường đào tạo cả văn hóa và nghiệp vụ để các em về dạy lớp vỡ lòng (lớp 1, lớp 2). Do chiến tranh, nên lớp học phải di chuyển liên tục, rất vất vả. Đến năm 1967 – 1968, chiến tranh ngày càng ác liệt, phong trào giáo dục lúc lên, lúc xuống. Tỉnh ủy chủ trương các giáo viên phải quyết tâm bám trường, bám lớp.

Lớp học "xanh vỏ đỏ lòng"


Bà Nguyên cho biết, từ năm 1968 – 1974, chiến tranh ngày càng ác liệt, ngành Giáo dục tuy có nhiều tổn thất, không ít cán bộ, giáo viên bị thương, phong trào giáo dục có lúc lắng xuống, thậm chí có vùng tan vỡ, thoái trào, nhưng khi có điều kiện phục hồi lại ngay, giống như thời kỳ 1974 - 1975.


"Đầu 1969, đồng chí Trưởng Tiểu ban hy sinh, tôi được Tỉnh ủy đề bạt thay thế. Sau chiến dịch Mậu Thân, năm 1969 tình hình chiến sự ngày càng ác liệt. Chúng thực hiện chiến dịch trả đũa, dồn hết dân vào các khu tập trung và ấp chiến lược. Trước tình hình đó, Tiểu ban Giáo dục chỉ đạo phong trào giáo dục vùng ven, vùng dân chài và vùng tranh chấp tập trung hoạt động về đêm (ban ngày địch kiểm soát, ban đêm ta hoạt động). Quân ta vận động giáo viên thực hiện các lớp học "xanh vỏ đỏ lòng". Có nghĩa là, vẫn sử dụng giáo viên của chính quyền Ngụy nhưng vận động họ lồng nội dung giáo dục lòng yêu nước cho học sinh" – bà Nguyên nhớ lại.

Hình thức sáng tạo này đã được Tiểu ban Giáo dục khu 5 khen, báo cáo điển hình tại Hội nghị Giáo dục toàn khu năm 1971, 1973. Tuy nhiên, phong trào này cũng duy trì được một thời gian. Đến 1971 - 1972, địch đánh phá quá dữ dội. Cán bộ phần lớn bị hy sinh nên không sôi nổi như trước. "Bản thân tôi cũng bị nhầm lẫn đã hy sinh. Đơn vị đã báo tin buồn ra Bắc", bà Nguyên cho hay.

Sau giải phóng, tình hình giáo dục tạm lắng xuống. Bà tiếp tục làm công tác tuyên huấn, vận động nhân dân phá ấp chiến lược, trại tập trung của địch để về sống với gia đình của mình. Riêng Trường BTVH ở hậu cứ và giáo dục miền núi được duy trì. Song trường cũng gặp nhiều khó khăn về lương thực, thực phẩm, nhạt muối, bệnh tật diễn ra nhiều nơi nên lớp học có lúc bị gián đoạn.

Nhớ lại năm tháng hoạt động cách mạng, điều bà Nguyên tự hào nhất là năm 1964 – 1967, vùng giải phóng Quảng Đà đã mở được 370 lớp học cho khoảng 10.000 lượt học sinh cấp 1. Khoảng 142 lớp cho hơn 7.000 lượt học sinh vỡ lòng, mẫu giáo ngành BTVH và bình dân học vụ. Những lớp học trên cũng được mở rộng và duy trì một thời gian tương đối dài. Đây là thời kỳ cao trào của phong trào giáo dục Quảng Đà.

Nói về đồng chí sát cánh bên mình, bà Nguyên không bao giờ quên hai cán bộ giáo dục của tỉnh. Bà kể: "Chuẩn bị Tết Mậu Thân, tôi được Tỉnh ủy phân công tiếp quản Ty Giáo dục của địch ở Hội An. Cuối năm 1967, tôi xuống các xã vùng ven của Hội An cùng với đồng chí Trưởng phòng (cán bộ chi viện 1965) và một sinh viên ở Hội An chạy ra vùng giải phóng theo cách mạng trước đó để nắm tình hình.

Đúng 6 giờ sáng mùng 1 Tết, hai đồng chí vào thị xã trước để nắm tình hình, sau đó cho cơ sở ra đón tôi vào sau". 8 giờ bà nhận được tin hai người bị địch phát hiện, chúng đuổi theo và bắt nhốt ở trại giam Hội An. Một tháng đánh đập tra khảo nhưng không khai thác được gì, chúng đã đưa cả người ra Côn Đảo (từ năm 1968 - 1973). Sau khi ký Hiệp định Paris, hai người mới được trao trả.

"Năm 1973, Tiểu ban Giáo dục không trực thuộc Ban Tuyên huấn của tỉnh mà trở thành Ban Giáo dục trực thuộc UBND tỉnh. Tôi được đề bạt làm Phó Ban trực. Cuối 1974, vì tình hình sức khỏe, Tỉnh ủy cho tôi ra Bắc chữa bệnh. Tháng 7/1976, tôi về Trường ĐH Sư phạm Hà Nội công tác cho đến khi nghỉ hưu" – bà Nguyên chia sẻ, đồng thời cho biết: Trong thời gian công tác ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, bà tham gia nhiều buổi nói chuyện, tọa đàm với sinh viên. Những câu chuyện sống động, chân thực và những trăn trở của bà về sự nghiệp giáo dục đã tiếp lửa cho các thế hệ giáo sinh thêm yêu nghề và gắn bó, tâm huyết với nghề dạy học.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top