Người lớn chưa hiểu chúng em!

  • Thread starter PHONGVAN
  • Ngày gửi
P

PHONGVAN

Khách
#1
Trẻ vị thành niên có nhu cầu tâm sự, trao đổi thông tin rất lớn. Song đáng lưu ý là, các em chủ yếu chọn bạn thân hoặc bạn cùng lớp để giãi bày tâm sự, chứ ít khi nghĩ đến cha mẹ hay anh chị em trong gia đình.

Không hẳn là trẻ không tin tưởng bố mẹ hay những người lớn có uy tín, nhưng trong suy nghĩ của lứa tuổi này, các em cho rằng người lớn chưa hiểu được mong muốn, tâm tư của mình, bạn đồng trang lứa dễ bộc bạch, dễ tìm sự đồng cảm.

Lan Hương (14 tuổi, Long Thành - Đồng Nai) tâm sự: “Thấy em có bạn trai cùng lớp để ý, đưa đón, bố mẹ em đã ngăn cấm chúng em không được liên lạc với nhau. Thậm chí mẹ em còn đến trường đề nghị thầy cô can thiệp…”.

Hồng Hạnh (13 tuổi, Dĩ An - Bình Dương) thổ lộ: “Mình rất băn khoăn chuyện vì sao lại mang thai và sinh con. Đem ra hỏi thì bố mẹ lại… nhắc nhở tập trung học, không được bận tâm đến “những chuyện không quan trọng kia”, sau này lớn khắc biết”.

Hiển nhiên các bậc cha mẹ lo lắng cho con là đúng, song nếu cách xử sự trong hai trường hợp trên của cha mẹ tế nhị hơn, gần gũi hơn và không né tránh, thì có lẽ họ đã có được sự tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ của con mình.

Gần gũi để thấu hiểu con là cả một nghệ thuật. Có những bậc phụ huynh tỏ ra quá quan tâm, săn đón con cũng sai lầm. Hành động này của bạn dễ làm con xấu hổ với các bạn bè khác.

Hoàng Nhật (14 tuổi, Long Thành - Đồng Nai) ấm ức nói: “Mình lớn thế này, xin mẹ tiền để mua đồ dùng cá nhân mà mẹ vẫn lo mình không biết cách chi tiêu. Có lần cả nhóm rủ nhau đi dã ngoại, mẹ cứ dặn dò, khuyên nhủ đủ điều, làm mình phát xấu hổ với chúng bạn”.

Tâm lý bố mẹ cứ cho con cái mình lúc nào cũng bé nhỏ và muốn chăm sóc, nâng đỡ, song điều đó lại khiến trẻ thấy mình thiếu được tôn trọng. Nhiều em vì dồn nén tâm sự, ấm ức mà nảy sinh những hành vi lệch chuẩn, khó kiểm soát.

Nhóm bạn trai 5 người của Đức Linh vì tò mò nên đã lén mượn một đĩa phim “sex” cùng xem. Nhưng sau đó đứa nào cũng cảm thấy rất mặc cảm vì việc làm “tội lỗi”. Các em nhận ra hành vi lệch chuẩn của mình, nhưng không biết giãi bày cùng ai.

Cũng chính vì lo lắng, băn khoăn về hành vi sai lệch của mình nên nhiều em đã lơ là, lười biếng trong học tập, thậm chí trở nên khó kiểm soát, hay gây gổ với bạn bè, vô lễ với thầy cô.

Hãy chia sẻ

Ba mẹ nên phát huy tính tự lập, làm chủ của trẻ bằng cách giao cho các em những nhiệm vụ vừa sức, khuyến khích các em tự quyết định việc làm phù hợp với lứa tuổi như lựa chọn tài liệu tham khảo, mua sắm áo quần hay đồ dùng cá nhân.

Tạo điều kiện cho trẻ tham gia bàn bạc những việc lớn trong gia đình để khẳng định mình. Nếu muốn “cấm đoán” trẻ việc gì, bạn nên giải thích rõ ràng lý do, thuyết phục các em biết chấp nhận, bởi không phải đòi hỏi nào cũng có thể đáp ứng được.

Trước hành vi sai lệch của trẻ, người lớn nên nhẹ nhàng nhắc nhở, khéo léo tâm sự riêng để các em vừa thấy mình được tôn trọng, vừa nhận ra sai lầm.

Ba mẹ không nên nhắc đi nhắc lại hành vi sai trái mà trẻ mắc trước đó. Không phê phán trẻ trước đám đông. Hãy giúp trẻ luôn ở trạng thái cân bằng, tự chủ.
Nguon: Dantri
 

Bình luận bằng Facebook

Top