Người lập dị

thanh huyen

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
- Tại sao cậu luôn kì quặc như vậy chứ? Tớ thực sự không thể hiểu nổi cậu. – Mai hét lên rồi bỏ đi. Tôi không đuổi theo. Tại sao tôi phải đuổi theo cơ chứ? Mai không hiểu tôi đâu có nghĩa là tôi không thể hiểu nổi. Cả quả đất này có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu tính cách và sở thích, nhưng đều hướng đến một chuẩn mực chung không do ai đặt ra mà tự trở thành một nguyên tắc cố hữu trong cuộc sống. Để rồi khi chúng ta gặp những người sống lệch đi so với nguyên tắc phi lí ấy, chúng ta cho họ là điên rồ và kì quặc, chúng ta quay lưng, ghét bỏ họ, chẳng bao giờ cố tìm để hiểu họ mà đâu biết rằng chính bản thân mình cũng là một phiên bản lập dị trong mắt người nào đó. Tôi không trách Mai nhưng những lúc ấy tôi nhớ Ngân da diết.


Bước ra khỏi phòng thi, hít thở không khí trong lành tôi thấy thoải mái vô cùng. Bài thi chuyên lần này tôi lại nắm chắc vị trí đứng đầu, Không phải luôn luôn nhưng thường là như vậy. Không còn gì phải lo lắng nữa, vấn đề còn lại là đợi tấm bảng điểm và nhìn thấy tên mình xếp vào số một.

Điều mong ước ấy cũng chẳng xa xôi, bảng điểm đã được tên lớp trưởng khênh về từ văn phòng. Cả lớp nhao nhao xem. Tôi mặc kệ, vẫn ngồi ung dung phía dưới, một thói quen khó bỏ như phản xạ có điều kiện mỗi lần nhìn thấy điểm thi của một kẻ ngạo mạn. 5′, 10′, cả đám lộn xộn ấy im bặt, hơn ba mươi cặp mắt đổ dồn về phía tôi. Ánh nhìn của tập thể luôn báo hiệu điều gì đó bất thường. Nhưng không phải cho tôi, những ánh mắt ấy hướng về Kim Ngân – cô bạn cùng bàn tôi mới chuyển về đầu năm lớp 11.

Thì ra tôi chỉ đứng vị trí “Number two” sau cái tên Hoàng Kim Ngân lạ hoắc. Tôi hụt hẫng và xấu hổ. Đơn giản vì những gì Ngân đang sở hữu trước nay vốn là của tôi, cảm giác tự ái dồn lên làm mặt tôi nóng bừng. Một thằng con trai trước nay luôn là “number one” vậy mà đã tụt hạng chỉ vì một người mới đến đồng nghĩa với việc tôi chưa thực sự giỏi. Nhưng tôi hơi ấm ức, có cái gì đó bất công và vô lí đang hiện hữu. Ngân không hẳn là một học sinh suất sắc (theo góc nhìn của tôi), chưa bao giờ cô phát biểu ý kiến trong giờ học, chưa bao giờ xung phong giải bài tập sao của thầy giáo và cũng chưa bao giờ thể hiện bất cứ điều gì đủ để thuyết phục tôi tin vào điểm số tối đa dẫn đầu lớp hóa.

Thế rôi việc đó cứ lặp đi lặp lại buộc tôi phải tin vào thực tế phũ phàng. Ngân dần quen và thân với lớp. Những thằng con trai luôn sống đẹp, tôi cũng chẳng phải đứa hẹp hòi hay đố kị nên cũng làm thân với cô bạn mới.

Kim Ngân trong mắt tôi sau bao mảnh ghép vụn vặt có thể xếp vào hàng con gái “xưa nay hiếm”. Ở cô có cái gì đó điên rồ trong hành động và lập dị trong tính cách mà thằng bạn ngồi kế bên là người nhìn rõ nhất.

Trong những giờ trống tiết, lớp tôi ồn ào như chợ vỡ, một vài thành viên “trầm cảm” thì ngồi lặng lẽ làm bài tập, một số lại ngủ nướng.

Kim Ngân dường như không thuộc bất cứ nhóm nào, cô không ngủ, cũng chẳng xen vào chốn “thị phi”, trên mặt bàn không có dấu hiệu của sách, chỉ độc một chiếc bút bi. Ngân cầm chiếc bút trên tay, xoay ngang, xoay dọc, mắt lơ đãng nhìn ra phía khác, chán rồi thì lại bấm lên bấm xuống như đứa trẻ tự kỉ. Có lần cô cầm nhàm, làm gãy cả nắp của chiếc bút tôi mới mua. Vừa tức, vừa tiếc. Hôm ấy chướng mắt quá tôi mớihét lên:

– Cậu không có việc gì làm à?

Ngân quay sang, tròn mắt nhìn tôi như vô thức, rồi quay đi, đặt bút xuống. nhưng chỉ được vài giây, cô lại cầm bút lên, hí hoáy nghịch tiếp. Tôi không hiểu hành động đó có ý nghĩa gì và để làm gì. Tôi bật cười một mình xen lẫn sự ngờ vực về hệ thần kinh.

Có đôi lần tôi để ý, dường như cả một buổi học Ngân không nói chuyện với bất cứ ai. Học xong, cô lại lôi giấy trắng ra vẽ mấy hình không tên và công thứ khó hiểu. Có thể đó là hành động bản năng khi người ta không biết phải làm gì.

***

Tôi có một sở thích, đó là chạy bộ vào buổi sáng, nhưng không may tôi lại chẳng bao giờ dậy sớm. Nhà cũng gần trường nên tôi chạy bộ đi học. Sáng đầu hè, trời xanh, mây trắng, gió mát, chim kêu, phía đông, mặt trời lên đỏ au như tranh vẽ, từng dòng ánh sáng chạy dài trong không gian tạo nên những vệt sáng dài rực rỡ, tôi dậy sớm hơn và đi học sớm hơn. Đến trường, tôi bước nhanh lên tầng ba, vào lớp học. Qua hành lang tầng hai, nghe tiếng động phòng thiết bị (nơi chất chứa những dụng cụ, đồ dùng phế thải), tôi ngó vào xem. Ngân đã đến từ bao giờ, cô đang làm gì đó ở góc tường.

– Ê, cậu làm gì vậy?

Ngân quay ra, đôi mắt búp bê đen và sáng bừng lên qua ánh nắng sớm.

– À, tớ đang nhặt phân chuột.

Tôi đơ mất năm giây vì câu trả lời ngắn gọn, nằm ngoài mọi sự tưởng tượng. Tôi tìm đủ mọi công dụng của việc làm ấy nhưng chẳng thể nào thuyết phục bản thân tin đó là sự thật. Sao mà bẩn quá trời! Lại khùng nữa. Tôi không tưởng tượng ra mình lúc đó, vừa mắc cười khi hình dung ra cảnh cô bạn đưa tay nhón từng thỏi phân mà không dám cười, vừa thấy kinh kinh khi nghĩ đến việc mình sẽ ngồi cạnh đám phân ấy cả buổi học. Đối diện với bộ mặt ấy của tôi, hình như Ngân bối rối. Tôi cũng chẳng đứng đó lâu, vì nếu đứng thêm vài giây chắc tôi sẽ ôm bụng lăn ra cười mất.

Vào lớp, tôi thuật lại câu chuyện thú vị ấy cho đám bạn nghe.

– Tao không biết bây giờ nó cất cái túi “NPK” ấy ở đâu nữa.

– Nó đựng trong cặp đấy, mày coi chừng.

– Không. Để trong cặp thì nó nát ra mất.

– Chắc nó cất trong túi quần.

Cả đám cười rộ lên. Ngân vào lớp. Dường như cô đã nghe thấy mọi chuyện, mặt cô đỏ lên nhưng đôi mắt thì vẫn không hề thay đổi bởi sự giận dữ hay có thể là cảm giác ái ngại. Cả buổi hôm đó tôi không nói chuyện với Ngân, dĩ nhiên là chỉ ở tôi thôi, còn Ngân cô vẫn như thường ngày, một cách cư xử khi người ta cảm thấy có lỗi và không dám đối mặt. Chắc đám bạn kia nghĩ về Ngân tệ lắm. Nhưng cũng phải thôi, đó đâu phải lỗi của tôi tất cả. Mấy hành động ngớ ngẩn tưởng chừng có thể đi vào huyền thoại ấy khiến ai chứng kiến cũng nhận ra rằng nó quá điên rồ.

Thực ra tôi cũng biết những người tài luôn có tật, Ê-đi-xơn thì bị điếc, Bét-tô-ven thì bị mù, nên một học sinh suất sắc bị khùng cũng là điều dễ hiểu. Tôi luôn khó chịu về Ngân như vậy và sẽ mãi như vậy nếu không có một ngày…

Thầy dạy hóa thông báo trường tổ chức cuộc thi “Sáng tạo chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường”. Học sinh sẽ tham gia dự thi theo từng cặp hai người (do thí sinh tự chọn). Sản phẩm do cả hai đồng sáng tạo và nếu thành công thì cả hai sẽ đồng nhận giải. Trong mọi việc, chúng ta luôn tự tìm cho mình một cách giải quyết hoàn hảo nhất, nghĩa là có lợi cho mình nhất.

Tôi cũng vậy, trong trường hợp này, chọn cùng cặp với một học sinh giỏi là giải pháp tối ưu. Tôi nhìn xung quanh, đám bạn đang nhốn nháo “Tớ với cậu một cặp nhá!”, “Cậu cùng cặp với ai chưa?”. Trong cái không gian ồn ào ấy, tôi vẫn cảm nhận được sự yên tĩnh nơi Ngân. Cô đang ngủ rất thoải mái, khuôn mặt thanh tú khẽ tựa lên cánh tay bé nhỏ, mấy sợi tóc mái rơi đều trên vầng trán phẳng.

“Tùng…tùng…” tiếng trống “báo thức ” vang lên làm gián đoạn cả mạch xúc cảm của tôi, phá vỡ hình ảnh đẹp đẽ mới chớm hiện lên, vừa kịp ghi nhớ vào tâm trí. Ngân khẽ mở đôi mắt đang ngái ngủ, dáng vẻ mệt mỏi của một kẻ vừa thức dậy, cô đưa tay vuốt nhẹ mái tóc sang một bên, những ngón tay thon thon gấp sách vở cất vào cái ba lô đen kiểu con trai để chuẩn bị cho tiết học mới.

– Thầy vừa thông báo mỗi bàn là một cặp để tham gia dự thi “Sáng tạo chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường” đấy!

– Ơ, tớ nghe thầy bảo tự chọn người cùng đội mà? – Ngân tròn mắt.

Ô, thì ra nãy giờ cô không ngủ. Tôi chưng hửng sau câu nói của cô bạn. Ừ thì tôi nói dối, thật ra tôi chỉ lo Ngân và tôi sẽ không cùng một đội, tôi lại phải cùng đội với người ở level thấp hơn thì đúng là “Cốc mò cò xơi”. Nhưng biết nói thế nào bây giờ. Tôi không thể nói tôi cố ý muốn chọn cùng cặp với một học sinh giỏi được. Tấm màng sĩ diện của con trai mỏng lắm! Thế là tôi làm bộ như thể vừa nghe nhầm, à, ừ cho xong chuyện rồi lảng sang nói với đứa bàn trên.

– Cậu cùng đội với tớ được không? – Ngân quay sang tôi. Có thể cô hiểu được cả những điều tôi chưa kịp nói.

Và dĩ nhiên tôi vui vẻ nhận lời, không thể từ chối thứ mình mong muốn.

Sáng hôm sau tôi đến như đã hẹn. Ngân không có nhà nên tôi ngồi đợi. Vừa ngâm nghi tách caffe sữa, vừa ngắm quanh căn phòng. Phòng của Ngân không có nhiều đồ sưu tập như những cô gái mà tôi biết, trong phòng chỉ có vài đồ công nghệ cao và một dàn hóa chát, ống nghiệm. Trên mặt bàn, mấy quyển sách khoa học để ngổn ngang cùng một đống đĩa CD. Tôi nhấc mấy chiếc đĩa lên xem, “Tuyển tập chuyện ma đặc sắc của Nguyễn Ngọc Ngạn”. Tôi còn tưởng mình hoa mắt, tự chấn an mình đó không phải là của Ngân. Đám con gái luôn ghét những gì xấu xí và kinh dị cơ mà.

– Cậu đến lâu chưa? – Ngân vừa về.

– À, tớ vừa đến thôi.

Ngân bước vào, đặt lên bàn vài hộp hóa chất và nhanh tay thu dọn mớ lộn xộn trên mặt bàn.

– Cậu nghe cái này à? – Tôi chỉ tay vào đám đĩa CD.

– Ừ, tớ nghe cho vui thôi.

Nghe cho vui ư? Tự dưng tôi thấy rùng mình. Đôi lúc tôi cũng không hiểu tại sao mình để ý tới Ngân, thậm chí cô còn không có những đặc tính của con gái. Sau đó, chúng tôi nhanh chóng đi vào việc chính. Vấn đề lớn bao giờ cũng là ý tưởng. Chúng tôi ngồi im lặng mà nghĩ. “Tách, tách”, tiếng bấm bút phát ra từ tay Ngân. Tôi Nhìn, có thể hơi kì thị.

– Xin lỗi, tớ quen rồi. – Ngân quay sang giải thích với ánh mắt khó chịu của tôi.

– Ờ, không có gì. Cậu nghịch bút khi suy nghĩ à?

– Không hẳn, tớ nghịch bất cứ thứ gì có trên tay. Quen rồi.



– Chắc trong mắt cậu tớ điên lắm nhỉ?

– Không, chỉ hơi khùng khùng chút chút. Chắc tại tớ chưa hiểu…

– Cậu còn nhớ chuyện ở phòng thiết bị không?



– Tớ cá là hôm đó cậu nghĩ tớ gói từng túi mang về.

– À, ờ…

– Chẳng là tớ cần chúng cho một thí nghiệm hóa học nho nhỏ. À, phải rồi, tại sao chúng mình không lấy luôn thí nghiệm ấy nhỉ.

Nói rồi, Ngân lôi một mớ giấy tờ ra, chỉ vào mấy dòng công thức lộn xộn và gải thích. Tôi không hiểu được nhiều, chỉ biết rằng dám phân chuột hôm trước, nay đã qua xử lí và được tôi nâng niu cất giữ như báu vật để ngày mai mang đến trường lĩnh giải.

– Nghỉ giải lao đã.

Ngân ngả người về phía sau, nhìn thành quả của cả một buổi sáng cười hài lòng. Chúng tôi ra ngoài hiên ngồi, những cơn gió đầu mùa hạ dễ chịu biết bao. Từ chiếc loa mini vang lên tiếng hú rùng rợn. Ngân tựa đầu vào bên cửa, nghe chăm chú. Tự nhiên tôi thấy vui vui, chỉ muốn được đặt tay lên bàn tay bé nhỏ chỉ cách tôi vài căng ti mét. Tôi muốn nói một điều gì đó với Ngân nhưng chính tôi cũng không hiểu đó là gì và phải diễn đạt thế nào. Vậy là tôi chẳng nói gì cả. Nhưng Ngân vẫn hiểu được điều tôi muốn nói qua cái chạm tay nhè nhè bên hiên cửa. Thật ra khi trái tim đã biết yêu thương nhiều hơn cảm nhận ta có thể nhìn ra được những điểm tốt đẹp trong cả những hành động được coi là gàn dở nhất.

Bài dự thi của chúng tôi đạt giải chung cuộc, vui thật. Ngân nói với tôi điều làm cô vui hơn cả đó là cuộc thi đã đưa đến cho cô một người bạn tốt và hơn thế nữa.

Thế rồi hai năm học nhanh chóng qua đi. Sau mười hai năm đèn sách tôi được tuyển thẳng vào đại học, còn Ngân…cô được đi du học. Mọi chuyện đối với chúng tôi dường như quá dễ dàng. Tháng năm đến với tôi không còn chật vật và đáng sợ với những nỗi lo âu thường thấy nhưng choán lấy tâm chí tôi lại là một nỗi buồn không tên, như thể tôi vừa mất đi một phần nào đó trong cuộc sống.

Lần cuối cùng tôi gặp Ngân ở trường học. Cổng trường khóa rồi, nhốt bao kỉ niệm vào sâu trong kí ức. Chúng tôi trèo tường vào trong, ngồi trước cửa lớp. Ngân lôi ra chiếc Mp3, nhét vào tai tôi một bên tai nghe, cô mở chuyện ma Nguyễn Ngọc Ngạn. Và từ đó chúng tôi không còn gặp nhau cho tới tận bây giờ.

Tôi có liên lạc với Ngân qua facebook, nhưng chỉ được thời gian đầu vì cuộc sống ngoài cánh cổng trường không còn vô tư ngây dại nữa mà là cuộc sống bon chen, là guồng quay chóng mặt nuốt trôi thời gian của ta vào những toan tính mưu sinh.

Nhưng tôi sẽ không bao giờ quên Kim Ngân – cô bạn lập dị đã bên tôi suốt hai năm học và dạy tôi biết sống yêu thương nhiều hơn. Để đến bây giờ khi bị ai đó gọi là người lập dị, tôi không bực mình mà chỉ thầm tự nhủ: rồi sẽ có người hiểu tôi như tôi đã hiểu Ngân.

Chúng ta luôn đẹp và đáng yêu hơn những gì người ta thấy, phải không?

Phạm Thị Huế

Bình luận


bình luận
Nguồn: truyenngan.net
 

Bình luận bằng Facebook

Top