Người kể chuyện cổ tích

Duy Ly

Lang thang mạng
#1
Mỗi lần bà ngoại xuống chơi là có bao nhiêu thứ để chờ đợi: chờ con gà mái hoa mơ bà mang xuống đẻ quả trứng đầu tiên, nhỏ xíu, ấm nóng, dính một vệt màu hồng hồng. Chờ mít chín, cái xơ cái nhặt lại để kho cá, hạt mít để luộc, để rang. Chờ những quả hồng ngâm trong chậu chín nứt tai là ăn được. Và chờ bà sau khi đã sắp xếp mọi thứ gọn gàng trong căn hộ nhỏ, nhưng lúc nào cũng bừa bộn của hai bố con, ngả lưng xuống giường, phe phẩy cái quạt mo cau cong cong rất buồn cười và nghỉ ngơi một lúc.

Trong khi bà nghỉ, tôi thường ngồi ngắm chân bà. Bà ngoại tôi có bàn chân rất kỳ lạ. Bàn chân bè to, những ngón chân toẽ ra vì bám lên những con đường làng mùa mưa đất sét trơn nhẫy. Gan bàn chân bị phèn chua dưới ruộng ăn mốc lỗ chỗ. Làn da cũng lạ, nó không trơn nhẵn mà nâu bóng, thô thô với những vết rạn bất thường. Cái bụng chân của bà lỏng lẻo, tôi thường vỗ vào nó, nhìn nó đung đưa và gọi nó là quả mít. Những ngón chân không trắng, cũng không hồng, nó đen, nứt, vênh vênh. Tôi thường lay bà dậy để hỏi tại sao chân bà thế này, tại sao chân bà như thế kia. Và bởi vậy biết rõ lai lịch bàn chân ấy.


” Những ngón chân không trắng, cũng không hồng, nó đen, nứt, vênh vênh. Tôi thường lay bà dậy để hỏi tại sao chân bà thế này, tại sao chân bà như thế kia. Và bởi vậy biết rõ lai lịch bàn chân ấy”

Tôi đi khoe loạn lên trong khu tập thể rằng bà ngoại tôi ở quê lên chơi. Nhưng chỉ chia hạt mít luộc nứt vỏ thơm bùi cho lũ bạn xong, tôi lại tất tả trở về với bà, giúp bà bật cái tivi, hay hướng dẫn bà nấu bằng bếp điện. Bà học cách nấu cơm bằng bếp điện rất nhanh và còn làm được một việc mà tôi không ngờ: đặt vào đó một quả trứng tươi, luộc trứng và nấu cơm cùng một lúc. Tôi nhận thấy một điều là bà ngoại tôi rất thông minh.

Bà ăn trầu, không biết có phải vì như vậy mà bà rất thơm không, và tôi còn phát hiện ra là bà rất mát. Nằm ngủ với bà thích hơn nằm ngủ với bố. Những đêm mùa hè, tôi ngủ ngon cạnh bà mà không cần quạt. Cũng những đêm mùa hè, để dỗ tôi ngủ bà thường kể chuyện cổ tích. Bà hay kể chuyện Tấm Cám.

Có lần đến đoạn Tấm gửi trĩnh mắm có cái đầu lâu Cám về cho dì ghẻ, tôi chợt thốt lên: “Bà ơi, Thuỳ thấy cô Tấm ác quá!”. Bà im lặng một lúc rồi mới nói, hơi thở phả vào mũi tôi, thơm cay mùi trầu: “Tấm không ác đâu. Tấm là Tốt, Cám là Xấu, nếu Tốt không giết Xấu thì để Xấu giết người Tốt mãi hay sao!”

Sau này, khi tôi lớn lên mới hiểu được hết chuyện gia đình. Bố mẹ tôi ly dị từ khi tôi còn rất nhỏ, mẹ nuôi tôi được một năm thì gửi lại tôi cho bố đi xuất khẩu lao động ở Đức, rồi lấy chồng bên đó. Bà giận mẹ và thương bố con tôi lắm. Những năm khó khăn, cơ quan bố tôi giả lương bằng lốp xe đạp. Bố không quen mua bán phải nhờ người bán hộ, họ đưa lại bao nhiêu mua mấy cân khoai tây là hết. Tháng nào bà cũng gánh gạo xuống tiếp tế cho hai bố con, thậm chí còn đưa cả tiền cho bố tôi để chi tiêu.


” Và tôi tin rằng vào một thời xa xưa nào đó, chuyện Tấm Cám được kể lần đầu tiên là cho một đứa trẻ nhỏ bởi một người phụ nữ giống y như bà tôi…”

Mỗi khi nhắc đến bà, mắt bố thường hoe đỏ. Khi bà mất, bố lập một bàn thờ, thờ bà như thờ ông bà nội. Bàn thờ của bà không có ảnh thờ. Bà chỉ là một phụ nữ nông thôn, được xoá mù chữ hồi cách mạng tháng Tám, suốt đời bàn chân bám trên đất ruộng. Những chuyến đi xa nhất của bà là xuống thăm hai bố con tôi, mỗi lần là quang gánh kĩu kịt đi bộ từ bến xe về tới tận nhà chúng tôi cách đến mấy cây số mà chẳng bao giờ gọi xích lô để tiết kiệm tiền. Nhưng chính người phụ nữ có bàn chân bị phèn ăn mốc ấy đã lý giải được thông điệp của chuyện cổ tích. Và tôi tin rằng vào một thời xa xưa nào đó, chuyện Tấm Cám được kể lần đầu tiên là cho một đứa trẻ nhỏ bởi một người phụ nữ giống y như bà tôi.



Thuỳ Anh
Nghĩa Đô, Hà Nội
 

Bình luận bằng Facebook

Top