Người Có Chân Tu

manhdien012

Thành viên
#1
Con bướm vừa đáp xuống cánh hoa vàng, Phương Nam rón rén tiến lại.
Nhưng dường như bước chân của cô vẫn không êm nhẹ hết mức hoặc nhuỵ hoa kia không có gì hấp dẫn, con bướm đã bay lên rồi. Cô chắt lưỡi nhìn theo tiếc rẻ.
Từ dưới ruộng, nơi có nhóm người tuốt lúa, Hải đi lên làu bàu:
− Bỏ mấy con bướm đó đi Nam ơi, anh rủ ra đây săn ảnh đồng áng mà, sao mới chụp có chút xíu lại quay qua nghía hoa với bướm rồi. Có ai tổ chức hội thi ảnh đề tài hoa bướm đâu.
Phương Nam nheo mắt nhìn theo con bướm, miệng đáp lời anh:
− Em chụp nó đâu phải cho cuộc thi Ảnh Mùa Xuân gì đó của anh.
− Vậy chụp để làm gì?
− Tại thích.
Hải chắt lưỡi:
− Em lại đốt phim nữa rồi. Tiền làm ra chắc em tiêu phân nửa vô đống phim ảnh chụp ngẫu hứng cho riêng mình kiểu này hoài quá.
Gỡ cuốn phim khỏi máy và thay một cuốn mới, anh nói:
− Hôm trước anh nghe thầy phàn nàn là mấy cái ngăn tủ đựng phim và ảnh của em đã muốn đầy tràn vì tật bấm máy đốt phim rồi. Làm thợ ảnh kiếm tiền cũng chả nhàn nhã gì, em phóng tay phí đạn kiểu đó thì làm sao có dư.
Mắt vẫn nhìn theo con bướm nhởn nhơ. Cô suỵt nhỏ:
− Anh cứ nói hoài, con bướm nó không chịu đâu kìa.
− Không đậu lại thì kệ nó, nghĩ cách dàn dựng cảnh thu hoạch đồng áng cho anh còn hay hơn. Nếu anh mà đoạt giải kỳ này, dù là giải khuyến khích cũng được, anh sẽ đãi nhỏ đi ăn tiệm một chầu.
Cô phì cười quay lại:
− Anh nôn giải thưởng dữ vậy à? Anh nói em đốt phim nhưng em phí phim thì cũng có một mớ ảnh đẹp cho riêng mình, còn anh đốt phim cho mấy cuộc thi ảnh hoài, cả ngàn tấm dự thi mới chọn vài tấm đoạt giải thôi, kỳ vọng mãi vô đó làm chi.
Hải xua tay kêu lên:
− Đừng nói rủi, có đốt bao nhiêu phim, anh cũng quyết chí săn bằng được ảnh đẹp để đạt ít nhất một giải thưởng mới thôi.
− Chi mà cực vậy.
Hải trợn mắt:
− Có một giải thưởng thì vừa được vinh dự, nở mày nở mặt trong giới cầm máy, vừa có cơ hội tiến triển hơn cho nghề nghiệp mà, ai không muốn.
Phương Nam lơ đãng cười. Dĩ nhiên cô cũng hiểu điều đó, nhưng chuyện cố công săn ảnh để nộp dự thi kiểu anh thì có vẻ cuồng tín quá. Nghề nhiếp ảnh nhiều khi đâu cần tạo tiếng tăm và sự nghiệp theo một hướng duy nhất là đoạt giải thưởng đâu. Những sư huynh hiện làm ăn khá với nghề, theo cô biết cũng chưa từng đoạt giải thưởng nào.
− Thôi, làm ơn ra dựng cảnh tiếp cho anh đi. - Hải lại nằn nì.
− Em dựng rồi đó, sao anh không chụp?
Hải lườm cô:
− Em nói dễ. Dựng xong lại bỏ ra đây, không có mặt em, mấy cô ở dưới cứ sường sượng sao đó, khó chụp quá trời.
− Thì anh sửa cho người ta. Đổi góc độ là được rồi.
− Anh sửa không được. Mấy cổ hình như mắc cỡ với anh. Tốn cả ba cuốn phim rồi nè mà chưa kiểu nào hài lòng hết.
Phương Nam mỉm cười:
− Em cũng là người lạ như anh thôi, nhờ người ta để có ảnh đẹp thì anh phải nói ngọt và vui vẻ chứ, nhăn nhó hoài thì ai chịu cho anh chụp.
Hải gãi đầu ngó lại ruộng lúa:
− Nhưng anh khó nói chuyện với họ lắm, em trở xuống giúp dùm đi.
Không nhìn anh, Phương Nam lắc đầu:
− Đừng rủ nữa. Em không lại đó nữa đâu.
− Sao vậy?
− Giọng Hải đầy thất vọng.
Cô cười đáp gọn:
− Chán rồi. Em ở đây chụp con bướm này thôi.
Nì nằn một lúc cũng không ăn thua. Biết khó mà lay chuyển được cô, Hải lắc đầu phàn nàn:
− Mấy buồn hoa trong Đầm Sen thiếu gì bướm, vào đó chụp anh thấy em đâu chú ý con bướm nào đâu, ở đây có vài con mà nãy giờ cứ mê mải theo hút nó. Có gì hấp dẫn đâu.
Phương Nam mỉm cười:
− Con bướm này khác mấy loài bướm thường, nó màu đen tuyền, trên cánh lại có mấy chấm màu vàng và đỏ tía với hình thù rất lạ, em muốn chụp một tấm macro cho rõ để xem các sắc màu trên mình nó và các hình thù này.
− Chưa chụp được sao.
− Vài tấm thôi nhưng chưa ưng ý lắm. Cứ như nó biết em canh nó vậy, cứ bay vòng vòng hoài, làm mình muốn mỏi cả cổ.
Anh hắng giọng:
− Vậy cảnh đập lúa em không bấm nữa à?
Cô ngẫm nghĩ rồi lắc đầu:
− Thôi, chắc em không chụp nữa đâu.
Cụt hứng, Hải đành cất máy vào túi:
− Em không chụp nữa thì anh cũng thôi luôn, bữa khác săn tiếp. Còn cả tháng mới hết hạn nộp ảnh, từ từ cũng được.
Phóng tầm mắt ngó xung quanh một bên là con lộ và hàng trụ điện xa xa, Hải vươn vai rồi hỏi:
− Giờ về chưa Nam?
Cô nhìn xuống đồng hồ:
− Mới có bốn giờ, còn nắng mà anh Hải.
Hải che miệng ngáp:
− Còn nắng nhưng anh chẳng còn sức. Mệt nãy giờ rồi. Anh còn về làm hình nữa. Show đám cưới tối hôm qua còn chưa rọi, mai có đâu để giao cho người ta.
Phân vân nhìn con bướm đỏng đảnh cứ đậu lại bay, cô chắt lưỡi:
− Vậy anh cứ về trước đi, em còn phải đốt hết cuốn phim với con bướm này mới được.
− Đi chung xe mà nói anh về trước, kỳ không?
− Có gì đâu, anh cứ về đi, chút chụp xong, em ra lộ vẫy tay xin quá giang. Hôm nay Chủ nhật, thế nào cũng có nhiều xe đổ về thành phố lắm.
Nhìn con bướm đen tuyền cứ nhởn nhơ như giỡn mặt của cô, Hải lắc đầu:
− Chỉ phí phim và công sức em thôi, con bướm này chắc biết em chú ý đặc biệt tới nó nên càng giỡn mặt. Nãy giờ anh thấy nó có chịu đứng yên một chỗ đâu.
Phương Nam cười:
− Đậu một chỗ thì đâu còn là con bướm chiến nữa. Ở đây có nhiều hoa dại cũng đẹp, không nhởn nhơ đùa giỡn thì cũng uổng phí bộ dáng của nó.
Hải khịt mũi:
− Không chịu về thì anh về trước, đừng có than à nghen. Lúc anh rủ đi săn ảnh thì lười đến độ không muốn nhúc nhích, anh phải năn nỉ đến gãy lưỡi, vậy mà bây giờ lại hăm hở với mấy con bướm quèn, em lúc mưa lúc nắng thật lạ.
Phương Nam cười không đáp. Hải khoác túi đựng máy lên vai, nhìn tới nhìn lui, ngẫm nghĩ thế nào lại lắc đầu:
− Hãy để anh ra ngoài lộ tìm quán uống miếng nước chờ em. Để em một mình ở đây có khi chiều tối còn chưa thấy về, mất công thầy lại trách anh.
Anh giơ tay chỉ ra xa xa:
− Nhớ chút đi bộ ra đó nhé. Quán nước đằng kia kìa, có thấy không?
Con bướm lại đáp xuống gần cô, Phương Nam lập tức đo tiêu cự rồi bấm lia lịa, cô hầu như chẳng nghe anh nói gì.
Hải nhìn thấy cô như vậy cũng lắc đầu bỏ về chỗ dựng xe. Khi chiếc xe nổ máy chạy đi, cô vẫn còn cắm cúi bên mấy khóm hoa dại.
Con bướm đẹp quá. Cô hầu như nín thở khi nhìn đôi cánh của nó qua ống kính telé của mình. Trên nền màu đen tuyền óng ánh những chấm hình bầu dục, những vân màu pha trộn giữa hổ phách và đỏ tía làm nó vừa có nét huyền bí, lại vừa rực rỡ một cách âm thầm.
Bỏ đám hoa vàng, con bướm lại vẫy cánh lượn qua chỗ khác. Phương Nam muốn reo lên khi thấy nó đậu lên một cây hoa lau. Màu đen của nó trông lạc lõng trên cành lau lơ thơ màu sữa, hình ảnh chỏi nhưng ăn màu này dễ gì có được. Phương Nam nhẹ chân đến sát bên.
Con bướm như cũng tội nghiệp cho sự kiên nhẫn của cô nãy giờ nên lần này đã ngoan ngoãn đứng yên. Nhưng con bướm đứng yên thì tới lượt cành lau lại đung đưa mãi với gió.
Phương Nam lầm thầm:
− Ngưng thổi đi ông thần gió ơi, cho tôi bấm máy vài phút thôi.
Gồng người ôm máy ngắm một lúc, cuối cùng cũng có vài giây gió lặng, cô bấm máy nhanh.
Khi con bướm dợm cánh bay lên là lúc Phương Nam bấm tấm cuối. Nghe tiếng phim tự động trả rè rè trong máy, cô khoan khoái thở phào, đứng thẳng lên và vẫy tay theo con bướm:
− Cám ơn nhé. Đây có lẽ là những bức ảnh đắc ý nhất của tao trong hôm nay đó. Mày sẽ là vai chính tuỵêt nhất.
Lấy phim ra và bỏ máy móc vào túi, cô nhìn đồng hồ. Bốn giờ rưỡi. Anh Hải chắc đang nóng ruột lắm đây. Quảy túi đồ nghề lên vai, cô rảo bước thật nhanh về hướng đường lộ.
Túi đồ nghề khá nặng với sức vóc cô, nhưng Phương Nam vẫn bặm môi xốc túi đi tới. Ánh nắng chiều đã nghiêng về hướng thành phố. Chắc hẳn ba cũng đang mong cô trở về.
Áo sơ mi thả hết tay, nón kết sùm sụp trên đầu, Phương Nam biết mình bụi bặm và luộm thuộm giống một thằng nhóc hơn là một cô nhỏ hai mươi. Nhưng với hình dáng này khi cô đi săn ảnh, ba lại chịu hơn, chẳng thế mà trưa nay khi Hải đến trở cô đi, ba cô đã ra tận cổng tiễn và gật gù như đắc ý lắm.
Đắc ý cũng phải, vì tuy là con gái, nhưng cho đến giờ, cô cũng đã cố gắng chứng tỏ mình có thể nối nghiệp ba. Quyết đoán, cứng cỏi và nhanh nhạy khi cầm máy, đó là những tính ba muốn cô có, nên nếu có dịp, cô cũng tỏ ra như vậy để ba vui.
Đám bạn cũ của cô thì hay phê bình rằng cô bốc đồng và ngang ngược, nên cô ít có bạn gái thân. Ngược lại, học trò cũ mới của ba cô, những sư huynh, sư tỷ trong nghề ảnh thì lại thích cô và chiều chuộng cô hết lòng. Đi săn ảnh cũng rủ cô theo, đi dự triển lãm hay họp mặt giới cầm máy cũng kéo cô đi cùng.
Mình thật là một con nhỏ tốt số, cô mỉm cười tự nhủ. Nếu kỳ tới vượt qua được kỳ thi gắt gao của trường Mỹ thuật nữa, thì mình còn gì mà phàn nàn. Với nghề ảnh trong tay, mình sẽ thực sự tham gia vào lãnh vực quảng cáo. Ước mơ bao lâu nay. Lúc đó tha hồ mà sáng tạo.
Quán nước nằm ngay mặt đường. Trông thì gần mà lội từ ruộng ra thì xa xôi thật. Vừa đi vừa mơ màng đến hoài bão của mình, cuối cùng cô cũng đến nơi.
Khi Phương Nam đến gần đã nghe vọng ra tiếng cãi vã inh ỏi. Một người đàn ông trẻ nhưng có bộ tóc ngắn màu muối tiêu lạ mắt từ trong quán bỏ ra ngoài với dáng vẻ bực tức. Mắt anh ta hơi cau lại khi suýt đâm sầm vào cô ở lối đi.
Né đường cho anh ta bước qua, Phương Nam giở nón vào quán. Lẫn trong tiếng mắng nhiếc âm vực cao của phụ nữ là giọng ai ồ ề giống hệt Hải, Phương Nam ngạc nhiên nhìn kỹ lại.
Đúng là Hải giữa đám người đứng ngồi. Ôm chiếc máy ảnh vào người, anh đang cố xua tay cản hai người đàn ông, mấy cô gái đứng gần đó thì nhao nhao:
− Đập máy luôn đi anh Phước, chụp không xin phép người ta còn ngoan cố chối nữa. Ngang ngược như vậy còn nói gì.
− Thứ người lén lút như vậy chắc là không có ý tốt đâu. Hỏi ai mướn ổng làm làm cái trò này trước đã.
− Còn cãi cọ làm chi, lại lấy máy của ổng đi. Ai mướn cũng vậy, phải tịch thu kiểm tra máy ổng chụp được bao nhiêu tấm rồi.
Phương Nam kinh ngạc chen ngay vào. Giữa những tiếng xúi bẩy loạn xạ, cô thấy không khí nghiêm trọng thực sự.
− Có chuyện gì vậy anh Hải? - Cô lên tiếng.
 

Bình luận bằng Facebook

Top