Ngược rừng tìm học sinh

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Nuôi đam mê nơi Na Cô Sa

Sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, cô Hiền luôn ấp ủ giấc mơ dạy chữ cho trẻ em nghèo. Ra trường, cô viết đơn thiết tha được lên Tây Bắc công tác. Năm 2012 là thời điểm huyện Mường Nhé (huyện khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên) chuẩn bị chia tách, lập huyện Nậm Pồ. Cô Hiền được phân công giảng dạy tại Trường Tiểu học Na Cô Sa, thuộc xã diện khó khăn nhất của huyện Nậm Pồ.

Tại đây, cô gặp thầy Phạm Đình Hoạt - GV cùng trường, rồi tình yêu đầu chớm nở. Những tưởng cứ thế vợ chồng rau cháo có nhau, gắn bó với nghiệp “trồng người”, ai ngờ căn bệnh quái ác ập đến. Năm 2014, sau khi sinh cháu Phạm Tiến Đạt bệnh tình của cô mỗi lúc một nặng thêm. Kinh tế gia đình dần kiệt quệ.

Năm 2016, để có tiền thay van tim nhân tạo, vợ chồng cô đã phải vay mượn khắp nơi. Gần 130 triệu đồng huy động được (trong đó có 100 triệu đồng vay lãi qua ngân hàng) cũng chỉ đủ cho ca phẫu thuật. Nghề giáo tuy ổn định về thu nhập, song “ráo mồ hôi là đã hết tiền”. Thế nên đã 4 năm trôi qua, món nợ trên vai vợ chồng cô Hiền cũng chưa thể giải quyết xong. Có lẽ cũng bởi thế nên mỗi khi nhắc đến, cô Hiền đều bật khóc.

“Trước khi mắc bệnh, vợ chồng cô Hiền cũng dành dụm và mua được một mảnh đất nhỏ, song chưa có điều kiện làm nhà. Đầu năm học 2016 - 2017, Công đoàn ngành đã hỗ trợ cho thầy cô 50 triệu đồng để dựng một căn nhà khung thép, mái tôn. Thầy cô có chỗ ở ổn định thì tập thể nhà trường cũng như gia đình sẽ yên tâm hơn. Công đoàn nhà trường chúng tôi cũng thường xuyên quan tâm, động viên cả hai thầy cô vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt công việc của mình”, thầy giáo Nguyễn Văn Quân, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự.

Những ngày “ngược núi cắm bản nuôi chữ”


Một buổi đi tìm học sinh của cô Hiền. Ảnh: NVCC

Sức khỏe yếu nhưng khi dịch Covid-19 đến, cô Hiền lại là những người hăng hái nhất. Cả xã Na Cô Sa chỉ có 30/906 HS tiểu học tiếp cận với phương pháp học bài qua Internet. Số còn lại GV phải lên tận bản giao bài rồi hướng dẫn cho HS.

“Để thuận lợi cho GV, đồng thời việc dạy học đạt kết quả cao nhất, chúng tôi phân cho các GV phụ trách từng nhóm HS theo khu vực gia đình sinh sống. Một GV sẽ quản lý luôn cả mấy khối lớp, giao bài, hướng dẫn làm bài, rồi thu bài, nhận xét, đánh giá... Biết trường hợp cô Hiền vất vả hơn cả nên nhà trường đã tạo điều kiện cho cô phụ trách điểm bản gần nhất”, thầy Quân chia sẻ.

Trong đợt này, cô Hiền được phụ trách dạy học cho 19 HS ở điểm bản Huổi Thủng 3. Trong đó, 4 HS lớp 1, 6 HS lớp 2 và 9 HS lớp 3. Tuần ít thì 3 - 4 ngày ở bản, còn tuần nhiều có khi ngày nào cũng lên để đôn đốc nếu HS không ở nhà. Tuy Huổi Thủng 3 là điểm bản “thuận lợi” nhất trong xã, song từ trung tâm xã nơi nhà cô Hiền ở đến được đó cũng mất chừng gần 10 cây số đường rừng. Buổi sáng, trước khi lên rừng tìm HS, cô Hiền lại chuẩn bị sẵn cơm trưa, cho vào cặp lồng mang theo.

Những ngày phòng dịch, cắm bản dạy chữ, những GV như cô Hiền lại phải bỏ tiền túi để lo toan cho chi phí thước, bút, in ấn tài liệu cho học sinh. Thế nhưng, cô không nề hà, chỉ mong sao các em được học bài đầy đủ. “Cũng may mà chồng em công tác cùng đơn vị. Anh ấy hiểu và sẻ chia rất nhiều nên em có thêm nghị lực để gắn bó với học trò. Về phía ngành GD-ĐT tỉnh và huyện cũng luôn quan tâm. Nhà trường thì thường xuyên giúp đỡ. Mọi người sống với nhau như ruột thịt nên thường xuyên động viên, chia sẻ”, cô Hiền tâm sự.

“Bệnh tật thì là như thế, song cô Hiền luôn nỗ lực để hoàn thành như những GV khác. Đường lên bản dốc cao, dựng đứng. Nam giáo viên khỏe mạnh còn phải bở hơi tai mới leo được thì nói gì đến người đang đau yếu. Thế nhưng cô Hiền không quản ngại mưa nắng, có mặt ở nhà từng HS để hướng dẫn các em học bài”, thầy giáo Nguyễn Văn Quân tâm sự.

Thuốc, nước mắt và tình yêu

Đã 4 năm nay, mỗi tháng, vợ chồng cô Hiền lại phải bớt một phần chi tiêu, dành 1 triệu đồng mua thuốc chống đông máu. Cô Hiền xác định phải sống chung với thuốc, với bệnh cả đời. Khi Tiến Đạt đã vào học lớp 1, vợ chồng lắm lúc cũng tủi thân vì muốn có thêm một đứa để Đạt có anh, có em. Song điều kiện không cho phép. “Bọn em cũng muốn sinh thêm cháu nữa. Nhưng không thể được vì em sống chung với thuốc rồi. Bây giờ mà sinh nở thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thai nhi... Nhỡ có làm sao thì lại ân hận cả đời...!”, cô Hiền òa khóc.

Từ Na Cô Sa về đến Bệnh viện Tim mạch Trung ương phải mất chừng gần 700km. Không có điều kiện thăm khám thường xuyên, cô Hiền chỉ mua thuốc uống 2 lần cho cả năm. Hai lần đó được căn ke vào dịp hè và dịp Tết Nguyên đán để tiết kiệm thời gian và cả chi phí đi lại. Đợt dịch kéo dài, chẳng biết đến khi nào xong. Chiều chiều, cô lại lên con dốc đầu bản nhìn xa xăm về ngọn núi phía Đông. Ở đó có quê nhà Hải Dương, có bệnh viện nơi cô đang thăm khám, điều trị...
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top