Mối liên hệ mật thiết giữa chất lượng của giấc ngủ và bệnh tiểu đường không còn là phỏng đoán từ khi chuyên gia ngành nội tiết ở Mỹ chứng minh người thường ngủ không đủ 5 giờ mỗi đêm dễ bị bệnh tiểu đường khi vượt qua độ tuổi 40, nếu so sánh với nhóm đồng niên ít khi bị mất ngủ.
Lý do rất đơn giản. Cảm giác mỏi mệt do ngủ không đủ khiến hệ thần kinh hiểu lầm là cơ thể thiếu năng lượng. Tuyến yên khi đó ra lệnh cho tụy tạng phóng thích nội tiết tố insulin nhiều hơn nhu cầu trong thực tế nhằm thoái biến chất đường để sinh năng lượng. Tình trạng này nếu lặp đi lặp lại quá thường do nạn nhân thiếu ngủ thường xuyên thì tụy tạng đến lúc nào đó phải kiệt lực. Bệnh tiểu đường khi đó thành hình một cách oan uổng.
Nhưng trái lại, nếu tưởng ngủ càng nhiều càng tốt, ngủ càng nhiều càng ngừa được bệnh tiểu đường thì lầm. Các nhà nghiên cứu đồng thời cũng ghi nhận người ngủ quá nhiều cũng là miếng mồi ngon của bệnh tiểu đường. Lý do là vì đa số người dậy trễ ít khi là người đã ngủ một giấc ngon lành. Trái lại, họ thường nằm nướng trên giường hay ngủ mê mệt khi trời gần sáng vì hoặc đã chợp mắt quá trễ, như thường gặp ở phụ nữ mãn kinh hoặc thức giấc giữa đêm khuya và trằn trọc đến gần sáng như trường hợp ở nam giới bước vào giai đoạn mãn dục nam.
Nói cách khác, họ tuy ngả lưng thậm chí lâu hơn 8 giờ nhưng trên thực tế vẫn ngủ không hơn 5 giờ. Tuyến thượng thận khi đó ghi nhận cảm giác vừa mỏi mệt vừa bực tức vì tuy có ngủ nhưng cứ như chưa chợp mắt như một thể dạng stress và phóng thích nội tiết tố corticosteroid làm tăng lượng đường trong máu mặc dù bệnh nhân không hề hảo ngọt trong đêm! Tình trạng này lúc đầu tất nhiên cũng được điều chỉnh bởi tụy tạng nhưng đến lúc nào đó sẽ trở thành bất trị. Bệnh tiểu đường khi đó không mời vẫn đến.
Đi xa hơn nữa, chuyên gia ở trung tâm nghiên cứu về giấc ngủ ở Stuttgart - Đức khuyên người muốn tránh tăng đường huyết:
- Đừng ngủ gà ngủ gật trước máy truyền hình vì khi đứng lên vào giường sẽ mất giấc vì phản ứng sai lệch của trung khu điều hành giấc ngủ theo lối diễn dịch đêm đã qua rồi ngủ thêm chi nữa!
- Tập thói quen ngủ đúng giờ, tốt nhất đừng trễ hơn 22 giờ, bằng cách áp dụng phản xạ có điều kiện như đọc quyển sách quen thuộc, nghe bản nhạc ưa thích. Tốt hơn nữa là tập thiền đúng giờ trước khi ngủ. Đừng quên là chuyên gia về giấc ngủ đã chứng minh đường huyết và huyết áp đều giảm sau 10 phút quên đời đen bạc bằng cách chỉ tập trung theo dõi nhịp thở.
- Dùng thuốc có kẽm và crôm vào buổi sáng nếu đêm trước mất ngủ vì 2 khoáng tố này cần thiết để triển khai tác dụng điều chỉnh đường huyết của insulin. Thầy thuốc đã biết từ lâu là đường huyết dễ dao động nếu thiếu 2 khoáng tố này. Kẽm và crôm lại rất dễ thiếu, phần vì không được dự trữ, phần vì cơ thể tiêu thụ rất rộng tay khi gia chủ mất ngủ. Đã thiếu vốn lại thêm xài hào phóng hỏi sao không cạn túi!
Ai cũng biết ăn được, ngủ được là tiên. Giấc ngủ chắc chắn quan trọng. Bằng chứng là xưa nay nào có nghe tiên bị tiểu đường bao giờ?!
Theo BS Lương Lễ Hoàng
NLĐO
Nguồn: giadinh.net.vn