Nghệ thuật trần thuật mang tính hài của vũ trọng phụng trong tiểu thuyết số đỏ

cohonnhien

Thành viên
#1
Th.S Hoàng Diệu Thuý
Trong tác phẩm tự sự, nghệ thuật trần thuật có vai trò quan trọng, góp phần làm thêm tài năng, phong cách nhà văn. Theo từ điển thuật ngữ văn học, "Trần thuật" phương diện cơ bản của phương thức tự sự là việc giới thiệu, khái quát, thuyết minh, miêu tả đối với nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh, sự vật theo cách nhìn của một người trần thuật nhất định (...). Thành phần của trần thuật không chỉ là lời thuật mà chức năng của nó còn là kể việc. Nó bao hàm cả việc miêu tả đối tượng, phân tích hoàn cảnh, thuật lại tiểu sử nhân vật, lời bình luận, lời trữ tình ngoại đề, lời ghi chú của tác giả (...). Trần thuật gắn liền với toàn bộ công việc bố cục, kết cấu tác phẩm. (tr 246 - 247).
Trong nghệ thuật trần thuật của Vũ Trọng Phụng ở tiểu thuyết số đỏ, người đọc có ấn tượng về tiếng cười vô song của ông từ năm 1943, Vũ Ngọc Phan đã công nhận: "Số đỏ không ai nhịn được cười". Năm 1992, Hoàng Thiếu Sơn cũng chung một cảm tưởng ấy: "Đọc số đỏ, người nghiêm đến mấy, người buồn đến đâu, ai mà chẳng cười". Người ta có thể so sánh tiếng cười của ông Nguyễn Công Hoan và tiếng cười Vũ Trọng Phụng. Nguyễn Công Hoan rất sở trường trong công việc tạo tác những truyện ngắn trào phúng. Chính ông đã từng tự bạch về kinh nghiệm của mình: Ông luôn biết "Ăn dè" cốt truyện. Mỗi truyện ngắn của ông chỉ triển khai trên cái nền một tình huống trào phúng, một mâu thuẫn trào phúng, hướng tới một chủ đề nhất định nào đó. Sở trường của Vũ Trọng Phụng lại nghiêng về trường thiên, nên tác phẩm của ông thường là một chuỗi những tình huống, mâu thuẫn trào phúng kế tiếp nhau, móc xích với nhau với nhiều tầng nghĩa tạo ra một hệ thống phong phú, phức tạp.
Việc các nhà nghiên cứu thường nhấn mạnh đến tiếng cười ghê gớm của kiệt tác Số đỏ quả là điều dễ hiểu. Vì Số đỏ tiêu biểu nhất cho hình thức nghệ thuật trần thuật mang tính hài của thiên hướng Vũ Trọng Phụng.

1. Nghệ thuật xây dựng các tình huống trào phúng

Là một nhà văn hiện thực, Vũ Trọng Phung luôn quan tâm sâu sắc đến môi trường, luôn nhìn môi trường như là cơ sở để giải thích tính cách nên ông rất chú ý xây dựng những tình huống trào phúng làm nền cho nhân vật hài xuất hiện. Có thể làm bảng phân loại các tình huống trào phúng khá tiêu biểu Vũ Trọng Phụng trong số đỏ như sau: Tình huống ngẫu nhiên (rủi hoá may, may hoá rủi), tình huống lật tẩy tính chất vô nghĩa lý của nhân vật tình huống "Chiếu tướng" nhân vật một cách đột ngột, tình huống hiểu lầm (ông nói gà, bà nói vịt).

2. Sự kết hợp giữa cái ngẫu nhiên và cái tất yếu

Ngẫu nhiên được xem như một nguyên tắc xây dựng cốt truyện hài, trở thành một mô típ phổ biến trong sáng tác Vũ Trọng Phụng nói chung, "Số đỏ" nói riêng. Song cái ngẫu nhiên cũng là con giao hai lưỡi: hoặc tạo ra những đột ngột , bất ngờ, lạ lầm gây hứng thú thẩm mỹ cho người đọc, hoặc gây tính giả tạo, gò ép cho cốt truyện. Tài năng của Vũ Trọng Phụng là đã tìm ra hạt nhân hợp lý của cái ngẫu nhiên trong cái xã hội nhiễu loạn tạo nên sự thật về cái nhìn "vô nghĩa lí" trước "xã hội chó đểu" (tự dưng của Vũ Trọng Phụng). Số đỏ rất tiêu biểu cho sự kết hợp giữa thật - giả, ngẫu nhiên tất yếu này. Đó là cái ngẫu nhiên mang vận đỏ trùm lên cuộc đời nhân vật Xuân. Con đường tiến thân vùn vụt của Xuân từ hạ lưu đến thượng lưu thật quá sức tưởng tượng, như toàn được lót bằng chiếu hoa của sự ngẫu nhiên may mắn. Nhưng ngẫm kỹ Xuân tóc đỏ may mắn đâu chỉ là chuyện "chó ngáp phải ruồi", tất cả đều có tính quy luật của nó. Theo cách lý giải của Vũ Trọng Phụng một phần là ở tư tưởng định mệnh (là số tử vi mở đầu tác phẩm đã dự báo vận đỏ của Xuân). Song toát lên từ hình tượng nghệ thuật của tác phẩm đó là quy luật hiện thực. Cái xã hội thường lưu tưởng giả bịp bợm, giả dối, lố lăng đã là môi trường tốt cho những tính cách lưu manh như Xuân nảy nở.

3. Đối lập các hình diện quan sát, miêu tả

Đối lập các hình diện quan sát, miêu tả với Vũ Trọng Phụng cũng là hình thức tương phản để tạo hài. Bởi vì cái hài vốn là một tương phản: nội dung xấu lẩn vào hình thức đẹp, cái nhếch nhác lẩn vào cái trang nghiêm... Nghệ thuật đẩy tương phản lên tính thẩm mĩ, gây khoái cảm nhận thức. Vũ Trọng Phụng tạo ra tương phản bằng cách tạo ra những đối lập lệch pha trong bản thân đối tươngj bị châm biếm, nhằm nêu bật cái cọc cạch khấp khểnh ở đối tượng, buộc đối tượng phải phơi lưng trước tiếng cười. Trong tiểu thuyết Số đỏ, Vũ Trọng Phụng tạo đối lập trong những trang miêu tả đám ma cụ cố Tổ (chương hạnh phúc một tang gia). Nhà văn đã kết hợp hai hình diện quan sát của điện ảnh: vừa diễn cảnh vừa cận cảnh và cho hai hình diện này đối lập nhau để tạo tiếng cười.

4. Trần thuật không xuôi chiều

Đọc văn Vũ Trọng Phụng độc giả thấy đày những cú vấp, cú sốc lời văn kể chuyện của ông không phẳng lặng mà luôn trồi lên những mâu thuẫn, nghịch lý, mâu thuận nọ đẻ ra mâu thuẫn kia. Tiếng cười chưa kịp lắng xuống đã lại bùng lên, kết chuỗi nhau, nhất là ở kiệt tác Số đỏ . Vì vậy mà nhiều người mệnh danh Số đỏ là "tiểu thuyết cười dài", "vở đại hài kịch". Có thể kể ra rất nhiều những cuộc xung đột, những màn hài kịch mà sự kiện mở đàu và kết thúc là một chuỗi những tình huống kế tiếp nhau tạo thành dây kịch tính. Chúng tôi gọi nó là dạng xung đột kịch "bền vững" nên tiếng cười của thiên hư họ Vũ không bao giờ chịu tắt.

5. Kết thúc bất ngờ đầy hài hước

Tính kịch và tính hài trong kết thúc của Vũ Trọng Phụng còn là ở sự bất ngờ của nó. Kết thúc của Vũ Trọng Phụng luôn là sự hoà giải tạm thời của xung đột này để mở ra một xung đột khác. Mở nút chỉ là cách tạm thời để xoa dịu những cú sốc. Số đỏ hài hước trong từng chương và xuyên suốt cả tác phẩm. Chương XV tả đám ma nhà cụ Cố Hồng kết thúc bằng một chi tiết hài đặc sắc: Ông con rể quý hoá bên ngoài thì khóc thương người chết đến mức "lả vặt người đi" nhưng lại dúi nhanh vào tay Xuân tóc đỏ "cái giấy bạc năm đồng gấp tư" để trả công Xuân về việc đã làm cụ cố tổ chết và ông ta được chia một món hời. Kết thúc cuốn tiểu thuyết cũng thật thú vị: Xuân tóc đỏ một tên ma cà bông thành anh hùng cứu quốc, bà phó Đoan dâm đãng được nhận bảng "Tiết hạnh khả phong xiêm la"; Cụ cố Hồng Được gả Tuyết cho Xuân sung sướng đến ngứa ngáy chỉ muốn ai đấm vào mặt mình... Không ai lường trước được một kết cục lạ lùng hư thế. Tính bất ngờ của nó gây nên tiếng cười giòn giã. Cùng với một số cây bút hiện thực tiêu biểu khác như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Tam Lang..., kịch hoá trần thuật là một nỗ lực đổi mới hình thức tự sự của Vũ Trọng Phụng. Nhờ nét mới mẻ này, tiếng cười họ Vũ mang giá trị nhân bản và dân chủ sâu sắc hơn. Nghệ thuật trần thuật độc đáo đã góp phần tạo nên giá trị của kiệt tác Số đỏ. Nó cũng góp phần tạo nên phong cách tài năng Vũ Trọng Phụng và là đóng góp quí giá cho nghệ thuật tự sự của văn học Việt Nam hiện đại.
 

Bình luận bằng Facebook

Top