Nghệ thuật giúp học sinh hứng thú tự học môn Lịch sử

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Phương pháp tự học ở nhà môn Lịch sử

Theo cô Trần Thị Kim Oanh - Giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), tăng cường hướng dẫn học sinh tự học có vai trò vô cùng quan trọng, trong đó có việc tổ chức cho học sinh tự học trên lớp và tổ chức học sinh tự học ở nhà.

Tổ chức cho học sinh tự học trên lớp không có nghĩa là phủ nhận vai trò của người thầy, trái lại rất cần có sự hướng dẫn, điều khiển của người thầy.

Cô Oanh cho biết: Điều mà chúng ta cần chú trọng trên lớp không phải chỉ cung cấp kiến thức cho học sinh mà thông qua đơn vị kiến thức cụ thể đó để dạy các em phương pháp tư duy, giúp học sinh tự lĩnh hội kiến thức khác, phát triển kĩ năng tự đánh giá, từ đó tự điều chỉnh được cách học cho phù hợp với mình.


"Học sinh thường gặp nhiều khó khăn khi tự học ở nhà, như khối lượng kiến thức quá nhiều mà thời gian tự học lại ít, nguồn tài liệu nhiều nhưng không biết chọn lọc phân loại, không biết dựa vào các tiêu chí nào để tự đánh giá...

Vì vậy, nhiệm vụ của giáo viên ngoài rèn cho học sinh thói quen tự học, định hướng về nội dung, cần dạy học sinh phương pháp tự học sau mỗi bài học cụ thể trên lớp theo đặc trưng của từng bộ môn" - Cô Trần Thị Kim Oanh.


Để phát huy tinh thần tự học ở trên lớp của học sinh, tôi sử dụng phương pháp dạy học nêu vấn đề hay phương pháp thảo luận nhóm. Đặc biệt thông qua hoạt động nhóm tạo điều kiện cho học sinh đánh giá lẫn nhau, qua đó rèn cho học sinh khả năng giải quyết vấn đề một cách độc lập, biết bảo vệ những quan điểm, ý kiến riêng của mình.

Với tổ chức học sinh tự học ở nhà, cô Oanh cho rằng, sẽ là không đầy đủ nếu giáo viên chỉ chú ý phát huy tính tích cực của học sinh ở trên lớp, bởi muốn đạt được hiệu quả làm việc trên lớp thì học sinh phải có sự chuẩn bị chu đáo ở nhà. Việc tự học của học sinh phải được tiến hành thường xuyên, liên tục trong quá trình học tập.

Tuy nhiên, theo cô Oanh, thực tế trong các giờ giảng, giáo viên thường ít quan tâm đến hướng dẫn học sinh tự học ở nhà, hoặc nếu có cũng chỉ là đưa ra các bài tập để học sinh làm thêm hay giới thiệu một vài cuốn sách tham khảo cho học sinh tìm đọc.

Cô Oanh chia sẻ: Với môn Sử là môn học sinh thường ngại học vì nội dung kiến thức nhiều, cụ thể và chi tiết nên sau mỗi bài giảng, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự học ở nhà. Có thể tiến hành các bước sau:

Hướng dẫn học sinh cách học để nắm vững các kiến thức cơ bản của bài như lập bảng tóm tắt, bảng so sánh, vẽ sơ đồ, điền vào lược đồ trống...;

Giao bài tập hay các bài thảo luận để học sinh chuẩn bị với những yêu cầu cụ thể;

Giới thiệu tư liệu tham khảo và yêu cầu học sinh so sánh đối chiếu nội dung kiến thức bài giảng trên lớp với nguồn tư liệu tham khảo đó;

Chuẩn bị bài mới: Đọc trước bài mới, tóm tắt những nội dung chính hay ghi lại những suy nghĩ về bài mới;

Kiểm tra việc tự học ở nhà của học sinh trong các giờ dạy tiếp theo.

"Nghệ thuật" giao bài tập về nhà

Hoàn thành các bài tập về nhà sẽ giúp học sinh nắm vững các kiến thức đã học và rèn luyện được các kỹ năng.

Để có thể làm tốt bài tập, cô Trần Thị Kim Oanh cho rằng, học sinh trước hết cần xác định được yêu cầu cụ thể của bài tập, sau đó nghiên cứu lại sách giáo khoa hoặc tìm tài liệu tham khảo (nếu có) theo sự định hướng của giáo viên rồi mới tiến hành làm bài tập. Nếu bài tập là câu hỏi tự luận, cần phải lập đề cương sau đó mới viết.

Học sinh tự trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa ở cuối mỗi mục, mỗi bài nhằm rèn luyện cho mình khả năng tái hiện, tưởng tượng, ghi nhớ nhất là khả năng tư duy và trình bày một vấn đề lịch sử.

"Thực tế dạy học từ trước tới nay, cả giáo viên và học sinh đều quan niệm học lịch sử không cần bài tập, nếu có cũng chỉ là những câu hỏi có tính hình thức mà không chú ý tới việc ra các bài tập thật sự phát triển hoạt động nhận thức độc lập của học sinh.

Việc đưa ra các bài tập về nhà có chất lượng, yêu cầu học sinh phải hoàn thành, đòi hỏi giáo viên phải đầu tư suy nghĩ, tìm tòi sáng tạo.

Xây dựng và sử dụng các dạng bài tập lịch sử trong dạy học lịch sử có vai trò quan trọng trọng việc củng cố tri thức lịch sử cho học sinh. Nó là một trong những biện pháp phát triển năng lực nhận thức độc lập, trong đó đặc biệt là tư duy độc lập, sáng tạo của các em.

Sử dụng các dạng bài tập còn là hình thức quan trọng để kiểm tra, đánh giá và tự kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Bởi khi hoàn thành bài tập học sinh sẽ tự nhận thấy những thiếu sót của mình còn giáo viên sẽ nắm bắt được trình độ nhận thức của học sinh.

Bài tập lịch sử không phải là lời dặn dò chung chung của giáo viên vào cuối giờ học mà nó mang nội dung rộng và đòi hỏi tư duy, trí tuệ của học sinh.

Bài tập lịch sử được xây dựng trên cơ sở một số sự kiện quan trọng, một số bài học, một chương hay một quá trình học tập; khơi dậy tư duy của học sinh, đồng thời lại yêu cầu cao với các em nhằm khắc sâu, củng cố vững chắc bài học và hoàn thiện kiến thức" - cô Kim Oanh nhấn mạnh..

Một số dạng bài tập về nhà môn Lịch sử

Theo chia sẻ của cô Trần Thị Kim Oanh, bài tập lịch sử rất đa dạng, có thể phân chia thành: Bài tập nhận thức, bài tập thực hành bộ môn, bài tập trắc nghiệm…Trong dạy học Lịch sử có thể sử dụng một số loại bài tập về nhà như sau:

Bài tập dưới dạng câu hỏi tổng hợp: Nội dung loại bài tập này không phải sao chép lại những gì đã học trên lớp mà yêu cầu học sinh xem xét lại những sự kiện đã học đặt trong các mối quan hệ khác, đòi hỏi phát hiện thêm một khía cạnh mới của vấn đề hoặc làm cho kiến thức đã biết thêm sâu sắc.

Bài tập lập niên biểu: Giúp học sinh hệ thống hóa kiến thức, như nêu lên những sự kiện quan trọng theo trình tự thời gian, so sánh sự kiện để rút ra dấu hiện bản chất, sự khác biệt giữa chúng. Tùy theo nội dung lịch sử cụ thể mà giáo viên yêu cầu học sinh lập niên biểu tổng hợp, chuyên đề hay so sánh...

Bài tập về nhà thường được nêu ra vào cuối giờ học. Nó chỉ thực sự có kết quả khi tiếp tục bồi dưỡng củng cố kiến thức đã học góp phần phát triển và giáo dục tư tưởng đạo đức cho học sinh.

Nội dung của bài tập cần hướng vào những nội dung quan trọng của bài học để giúp học sinh tự kiểm tra, đánh giá việc lĩnh hội kiến thức của mình; đồng thời, phát huy tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh dựa trên các sự kiện cơ bản của sách giáo khoa, tìm tòi các tài liệu tham khảo kết hợp với bài giảng của thầy nhằm nắm vững kiến thức hơn.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top